Nậm Pồ hỗ trợ lao động tìm việc làm sau dịch Covid-19
ĐBP - 'Cơn bão' Covid-19 quét qua khiến hàng nghìn lao động của huyện Nậm Pồ mất việc, phải trở về địa phương với nhiều khó khăn về kinh tế. Thực trạng đó đặt ra vấn đề với cấp ủy, chính quyền huyện biên giới này, phải làm sao để người lao động có thể nhanh chóng quay trở lại thị trường việc làm khi dịch được kiểm soát, đẩy lùi...
Huyện Nậm Pồ phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho người lao động tại xã Na Cô Sa. Ảnh: C.T.V
Xác định giải quyết việc làm cho lao động hồi hương ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh, ổn định xã hội là yêu cầu cấp thiết. Ngay từ đầu năm 2022, huyện Nậm Pồ tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động. Ông Trần Văn Vũ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Nậm Pồ cho biết: Để giải quyết việc làm, UBND huyện giao cho Phòng tăng cường phối hợp với UBND các xã tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người dân, đặc biệt là đối tượng trong độ tuổi lao động; để họ nắm được các chế độ, chính sách và quyền lợi của mình khi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong huyện, tỉnh và ngoài tỉnh. Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện giao Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng LĐTB&XH tập hợp các văn bản, thông tin liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm và biên soạn tài liệu phổ biến, truyền thông cần thiết giúp người dân có thể lựa chọn công việc phù hợp tại các công ty có uy tín, được Nhà nước cấp phép. 121 tổ dân vận cơ sở cũng tham gia tra cứu, cập nhật tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền đối với các địa bàn tổ phụ trách, đảm bảo thông tin về lao động, việc làm được truyền thông rộng rãi, kịp thời và đồng bộ trên toàn huyện. Phòng cũng thường xuyên nắm bắt số lao động đi làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương để tư vấn, định hướng nghề nghiệp và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Phòng phối hợp, kết nối các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển lao động với người dân tại địa bàn các xã. Bên cạnh đó, phòng cũng phối hợp rà soát, tìm hiểu nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn huyện để thông báo cho người dân có nhu cầu tìm việc; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn ưu tiên sử dụng lao động của huyện để giải quyết việc làm. Ngoài ra, trên trang thông tin điện tử của huyện còn xây dựng 1 mục Việc tìm người để kết nối các đơn vị, doanh nghiệp trong huyện, tỉnh và ngoài tỉnh với người lao động của huyện… Qua ra soát, tổng số lao động đi làm ngoài tỉnh tính đến 20/4 là 2.928 người. Chỉ trong vòng 1 tháng (từ 20/3 - 20/4), trên địa bàn có 212 người đi lao động ngoại tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, huyện Nậm Pồ phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam mở nhiều hội nghị tuyên truyền, tư vấn tuyển lao động cử đi đào tạo nghề và bố trí việc làm. Qua đó, giúp nhiều bạn trẻ tìm thấy cơ hội việc làm của mình. Ông Lò Văn Thân, chuyên viên Phòng LĐTB&XH huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, phòng đã phối hợp, kết nối cho 16 lao động về Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam để học nghề và tìm kiếm việc làm. Chủ yếu các bạn này ở các xã Nà Bủng, Nậm Tin - những xã còn rất khó khăn của huyện. Sau thời gian đào tạo tương đối ngắn, các bạn có thể đạt mức thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, có người được gần 30 triệu đồng/tháng...”.
Mới đây, Phòng LĐTB&XH huyện Nậm Pồ và Công ty TNHH TEXHONG Ngân Long đã phối hợp với UBND các xã: Na Cô Sa, Chà Cang, Chà Nưa, Si Pa Phìn tổ chức hội nghị tuyên truyền giới thiệu việc làm cho lao động phổ thông. Tại các hội nghị, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH TEXHONG Ngân Long giới thiệu khái quát về công ty, vị trí việc làm, điều kiện và số lượng người cần tuyển, các chế độ chính sách người lao động được hưởng. Công ty TNHH TEXHONG Ngân Long có trụ sở tại Khu công nghiệp Hải Yên, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Hiện Công ty cần tuyển 2.000 lao động là nam và nữ, độ tuổi từ 18 - 40, biết đọc, biết viết; tham gia trực tiếp vào vận hành, thao tác máy sản xuất sợi bọc dẻo. Người lao động được hưởng lương theo sản lượng, trung bình từ 7 - 12 triệu đồng/tháng; được hưởng ăn ca trong giờ làm việc, miễn phí ký túc xá; các cặp vợ chồng không đăng ký ở ký túc xá của công ty được hỗ trợ 600.000 đồng/tháng. Nếu đủ số lượng lao động, Công ty bố trí xe đưa lao động từ địa phương đến nhà máy. Bên cạnh việc tư vấn, giới thiệu việc làm, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH TEXHONG Ngân Long đã giải đáp và mô tả rõ hơn về công việc, mức lương, thưởng, chế độ bảo hiểm, trực tiếp phát hồ sơ tuyển dụng. Ngay tại các buổi tư vấn này, nhiều lao động đã tiếp nhận hồ sơ và nghiên cứu để đăng ký tham gia...
Có thể thấy rằng, huyện Nậm Pồ đã và đang có những giải pháp phù hợp để tìm kiếm việc làm, góp phần giảm bớt khó khăn cho những lao động phải trở về địa phương sau đại dịch. Không chỉ vậy, còn giúp cho các công ty, doanh nghiệp tránh được việc thiếu hụt nhân lực khi phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.