Nắm quyền tuyển dụng giúp ngành GD hạn chế tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Luật Nhà giáo, điểm mới trong dự thảo lần này đó chính là các quy định về thẩm quyền và phương thức tuyển dụng.

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: do cơ sở giáo dục trực tiếp tuyển dụng nhà giáo theo nghị quyết của hội đồng trường hoặc hội đồng đại học ban hành.

Đối với các cơ sở giáo dục công lập khác: do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo.

Các chuyên gia cho rằng, nếu ngành Giáo dục được giao quyền tuyển dụng giáo viên thay vì phải qua ngành Nội vụ sẽ giúp giảm chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý.

Giao quyền tuyển giáo viên cho cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp là hợp lý

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, nghề giáo là một nghề đặc thù, vì vậy việc tuyển dụng và sử dụng đội ngũ nhà giáo cũng mang tính đặc thù, không thể xem việc tuyển dụng nhà giáo như những ngành nghề, công việc khác.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục các cấp thì việc đầu tiên phải hướng đến là đủ đội ngũ nhà giáo đứng lớp bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ.

Thời gian qua, việc tuyển dụng và điều tiết giáo viên các cấp đang do ngành Nội vụ thực hiện đã phát sinh nhiều điểm vấn đề bất cập như: tuyển dụng và phân bổ giáo viên không phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục, trường thiếu giáo viên vẫn phải tinh giảm biên chế, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ giữa các cấp học và các môn học…

 Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC

Cũng theo thầy San, khi trao quyền tuyển dụng, sử dụng, điều chuyển giáo viên cho ngành giáo dục có thể làm giảm thiểu sự mất cân bằng về đội ngũ như hiện nay và có thể có căn cứ, định hướng phát triển của ngành để bố trí, điều chuyển, tuyển dụng phù hợp.

Đồng thời, căn cứ tình trạng và số lượng giáo viên hiện tại, quy mô học sinh hiện tại và xu hướng phát triển, số lượng học sinh của các phân môn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục sẽ tính toán tuyển dụng, điều chuyển một cách hợp lý, kể cả sử dụng chung giáo viên giữa các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn (giáo viên liên dạy liên trường) đối với các môn có số tiết dạy ít.

Ngoài ra, ngành giáo dục còn có thể chủ động giải bài toán dự báo tình hình giáo viên, học sinh trong dài hạn. Chủ động trong điều tiết tuyển dụng, sử dụng giáo viên giữa khu vực giáo dục công lập và giáo dục tư thục.

Cùng bàn về vấn đề trên, Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (quận 1) chia sẻ, việc trao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục là phù hợp bởi nếu người sử dụng lao động là ngành giáo dục lại không được tuyển dụng lao động thì là điều bất hợp lý.

Bên cạnh đó, nhân sự cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay đang rất khó khăn cho các trường bởi ở Thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh thành khác, với cấp trung học phổ thông thì giáo viên về Mỹ thuật, Âm nhạc đang khá khó khăn.

Thầy Phú cũng băn khoăn rằng: “Nếu muốn nhà trường tuyển dụng thì nhà trường lấy nguồn kinh phí ở đâu để tuyển dụng? ai sẽ làm công tác điều chuyển, luân chuyển giáo viên?..”.

Hiện nay ở các trường top trên thì học sinh thường thích các môn tự nhiên, không thích các môn xã hội, còn các trường top dưới thì lại thích các môn xã hội nhiều hơn. Điều này dẫn đến tình trạng thừa/thiếu giáo viên giữa các cơ sở giáo dục, trường thì thiếu giáo viên các môn xã hội, trường lại thiếu giáo viên môn tự nhiên.

Việc tuyển, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm giáo viên hay điều chuyển sao cho hiệu quả nhất thì phải do ngành giáo dục chủ trì trên cơ sở nhu cầu thực tiễn.

Vì vậy, công tác điều chuyển giáo viên không phải là trường học mà cơ quan sở, ban, ngành phòng tổ chức cán bộ phải tham mưu cho lãnh đạo sở điều chuyển giáo viên để cân bằng nguồn nhân sự để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà không làm tổn hao ngân sách nhà nước.

Đồng quan điểm, thầy Phan Văn Chương – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, việc giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục là hợp lý, bởi người làm trong ngành giáo dục chắc chắn sẽ hiểu hơn về công tác giáo dục.

Hơn nữa, việc chuyển thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sang cho ngành giáo dục chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên hiện nay của một số trường.

 Thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam. (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam. (Ảnh: website nhà trường)

Bởi khi này, ngành giáo dục nắm quyền tự chủ trong tuyển dụng giáo viên, hơn nữa lại có những số liệu thực tế (quy mô trường học, số liệu học sinh, số liệu giáo viên các môn…), từ đó xây dựng được kế hoạch tuyển dụng con người hợp lý, đảm bảo tính chính xác về chỉ tiêu, vị trí việc làm, đảm bảo yêu cầu về chất lượng nhà giáo.

Ngoài ý kiến về việc nên trao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục, cũng có những ý kiến cho rằng, nên cụ thể hóa, phân chia chức năng, nhiệm vụ rõ ràng của những cấp thực hiện việc tuyển dụng.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan quản lý giáo dục các cấp sẽ làm nhiệm vụ hoạch định chính sách, đưa ra số liệu, chỉ tiêu và quy định cụ thể về việc tuyển dụng; còn hiệu trưởng các cơ sở giáo dục sẽ trực tiếp thực hiện tuyển dụng. Việc gắn trách nhiệm cho hiệu trưởng nhằm đảm bảo cơ chế giám sát, đánh giá, giúp tuyển đúng người, đúng việc.

Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, thầy Phan Văn Chương cho rằng: “Đương nhiên khi nói đến việc giao trách nhiệm tuyển dụng cho hiệu trưởng cho trường đã tự chủ tài chính cũng sẽ có một số lãnh đạo của các cơ sở giáo dục e ngại.

Bởi tuyển dụng và sử dụng con người vốn là một vấn đề vô cùng phức tạp, khiến họ đặt ra những câu hỏi “nguồn ở đâu để tuyển? quy trình tuyển dụng theo những bước nào nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan, chính xác?...”. Vấn đề này hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

Tuy nhiên, giao quyền tuyển dụng cho hiệu trưởng cũng có những mặt tích cực, là một cách nhằm cụ thể hóa việc trao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục. Bởi hiệu trưởng là người hiểu rõ nhất về số lượng, nhu cầu, chất lượng nguồn nhân lực của cơ sở giáo dục mà mình đang phụ trách để đáp ứng yêu cầu dạy và học của học sinh, của nhà trường.

Đồng thời, nếu hiệu trưởng được quyền tuyển dụng thì họ sẽ có sự sát sao, trách nhiệm hơn đối với công việc mình làm; xây dựng được kế hoạch tuyển dụng của đơn vị phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu nguồn lực”.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam, đây là đề xuất thiết thực, phù hợp thực tế bởi người đứng đầu ngành, đứng đầu cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm về các vấn đề như vấn đề về nhân sự, tài chính…

Hiện nay vấn đề nhân sự của ngành Giáo dục lại do Bộ Nội vụ nắm quyền như trực tiếp quản lý biên chế. Bên cạnh đó, ngành Nội vụ cũng chưa nắm được tình trạng thừa, thiếu giáo viên dẫn đến việc nhiều cơ sở giáo dục có những bộ môn rất cần giáo viên thì lại thiếu, ngược lại có những bộ môn lại xảy ra tình trạng thừa giáo viên.

Chính vì vậy, ngành giáo dục nên có quyền quyết định, bố trí nhân sự, đặc biệt là tuyển dụng giáo viên, điều này sẽ giúp ngành giáo dục chủ động hơn, làm tốt các nhiệm vụ chuyên môn hơn.

Tuyển dụng giáo viên sẽ được thuận lợi hơn

Theo thầy Nguyễn Vinh San, lợi ích đầu tiên khi các cơ sở giáo dục tự đảm bảo chi thường xuyên được trực tiếp tuyển dụng là các cơ sở giáo dục có quyền lựa chọn giáo viên phù hợp với triết lý, mục tiêu và định hướng phát triển của mình.

Điều này rất quan trọng trong việc quản lý phát triển nhà trường, ví dụ: một cơ sở giáo dục mầm non với tỉ lệ giáo viên có trình độ đại học trở lên là 100% thì có thể sẽ “không ưu tiên tuyển dụng” giáo viên có trình độ cao đẳng. Hay như ở bậc trung học phổ thông, dựa trên số liệu thống kê các năm cơ sở giáo dục sẽ ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn A thay vì môn B vì xu hướng lựa chọn môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới của trường.

Thứ hai, khi tuyển dụng trực tiếp thì ngành giáo dục sẽ phải tính toán kỹ lưỡng và phân bổ giáo viên cho các môn học, cấp học khoa học, hợp lý hơn trong số lượng biên chế được giao.

Thứ ba, ngành giáo dục sẽ thuận lợi hơn trong việc đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và xử lý giáo viên. Chủ động trong nâng cao chất lượng đội ngũ phục vụ cho định hướng phát triển chung của ngành.

Cũng theo thầy San, khi được trao quyền thì lại phải có cơ chế kiểm soát quyền, không phải ngẫu nhiên mà có giai đoạn ngành Nội vụ lại đi tuyển giáo viên cho ngành Giáo dục.

Ngành Giáo dục cũng có cơ chế thúc đẩy việc minh bạch hóa công tác tuyển dụng hướng tới tuyển người tài, người phù hợp vào ngành. Có cơ chế cho xã hội giám sát hoạt động tuyển dụng, sử dụng và thuyên chuyển công tác.

Còn theo thầy Chương, để việc tuyển dụng giáo viên được thuận lợi hơn khi trao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục, mọi thứ đều phải căn cứ vào nhu cầu, tình hình thực tiễn. Từ đó, mới có thể xây dựng được quy trình tuyển dụng cho hợp lý, chính xác, phục vụ cho sự phát triển của giáo dục.

Thu Trang - Minh Châu

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nam-quyen-tuyen-dung-giup-nganh-gd-han-che-tinh-trang-thua-thieu-gv-cuc-bo-post243445.gd