Nam sinh 18 tuổi phát hiện mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thừa nhận thường xuyên uống loại nước nhiều người Việt ưa thích

Nam sinh được phát hiện nhiễm toan ceton do đái tháo đường (bệnh tiểu đường) sau thời gian dài uống nước ngọt để giải khát ôn thi.

Nam sinh bất tỉnh vì mắc bệnh tiểu đường

Để giảm áp lực học tập trước kỳ thi tuyển sinh đại học quan trọng, Tiểu Chu (18 tuổi, Nam Kinh, Trung Quốc) thường xuyên uống nước ngọt để giải khát, thanh niên này uống vài chai mỗi ngày trong suốt thời gian dài ôn thi.

Cho đến sáng ngày 5/6 vừa qua, trước ngày thi tuyển sinh đại học, bố mẹ Tiểu Chu kinh hoàng khi phát hiện cậu nằm bất tỉnh, liền vội vã đưa đến viện cấp cứu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện số 2 Đại học Y Nam Kinh (Trung Quốc), các bác sĩ đã khám cấp cứu và làm các xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng đường trong máu của cậu cao tới 78 mmol/L, vượt xa mức đường huyết lúc đói bình thường là 3,9 - 6,1 mmol/L. Đồng thời, độ pH trong máu của cậu là 6,9, thấp hơn giá trị bình thường là 7,35 - 7,45, cho thấy Tiểu Chu bị nhiễm toan nặng.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh nhiễm toan đái tháo đường. Ngoài ra, cậu còn bị tiêu chảy và các triệu chứng nhiễm trùng khác, nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ cho biết, bệnh nhân đã may mắn được phát hiện và nhập viện kịp thời. Nếu không có thể sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như ngừng tim.

Sau khi được chăm sóc và điều trị, Tiểu Chu tỉnh dậy 2 ngày hôn mê và giao tiếp được trở lại vào ngày thứ 5 sau khi nhập viện.

Qua quá trình điều trị tích cực, các triệu chứng nhiễm toan ceton của Tiểu Chu đã thuyên giảm hoàn toàn nhưng lượng đường trong máu bất thường do lối sống không lành mạnh lâu dài không thể trở lại như trước được, cậu được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Nhiễm toan ceton do bệnh tiểu đường là gì?

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi cơ thể bệnh nhân sản sinh quá nhiều axit trong máu (được gọi là ceton). Tình trạng này xuất hiện khi cơ thể người bệnh không sản xuất đủ insulin, gây ra những rối loạn nặng trong chuyển hóa protid, lipid và carbohydrate.

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường bao gồm 2 rối loạn sinh hóa nguy hiểm là: Tăng glucose máu, nhiễm ceton, nhiễm toan kèm theo các rối loạn điện giải. Đây là một cấp cứu nội khoa cần được theo dõi tại khoa điều trị tích cực vì có nguy cơ biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não và thậm chí là tử vong.

Dấu hiệu người bị nhiễm toan ceton do bệnh tiểu đường

Khi gặp phải tình trạng nhiễm toan ceton do tiểu đường, bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng như sau:

- Bệnh nhân mệt mỏi, ý thức mơ màng, mắt nhìn mờ.

- Buồn nôn hoặc nôn kèm theo tình trạng đau bụng.

- Bệnh nhân bị sụt cân, môi khô, da khô và thường xuyên khát nước, thèm uống nước, đi tiểu nhiều hơn.

- Huyết áp hạ, nhịp tim nhanh hơn bình thường.

- Khi sử dụng máy đo đường huyết tại nhà thì kết quả thu được là Glucose trong máu > 13,9 mmol/L.

- Bệnh nhân có mùi ceton trong hơi thở, chính là mùi giống như mùi táo chín.

- Một số trường hợp có hiện tượng thân nhiệt giảm nhẹ: Đây được cho là một triệu chứng cảnh báo bệnh nhân đang gặp nguy hiểm, tiên lượng xấu.

Lưu ý: Nếu bệnh nhân gặp phải từ 2 biểu hiện bệnh trở lên, đường huyết người bệnh liên tục ở mức cao hơn 16.7 mmol/L hoặc bệnh nhân có ceton trong nước tiểu và không thể giảm xuống mức cho phép, thì cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt.

Nhiễm toan ceton do bệnh tiểu đường có chữa khỏi được không?

Tình trạng nhiễm toan ceton ở bệnh nhân tiểu đường là một biến chứng nghiêm trọng, thường xảy ra ở những bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 và có thể gặp ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Bệnh nếu không được phát hiện kịp thời, nhiễm toan ceton tiểu đường có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh.

Tuy nhiên nếu được cấp cứu, điều trị sớm theo đúng phác đồ tại bệnh viện thì hoàn toàn có cơ hội chữa khỏi được. Người bệnh sau khi đã hồi phục thì cần phải dự phòng các biến chứng có khả năng tái phát về sau.

Cách phòng ngừa nhiễm toan ceton do bệnh tiểu đường

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

- Kiểm soát bệnh tiểu đường bằng cách duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất hằng ngày và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

- Bệnh nhân cần biết cách tự theo dõi lượng glucose máu và ceton nước tiểu, kiểm soát đường và ceton máu nếu bị ốm hoặc stress.

- Khi có ceton niệu nặng và glucose niệu kéo dài qua nhiều xét nghiệm, bệnh nhân nên bổ sung insulin và đồ ăn lỏng như nước cà chua, nước luộc thịt chứa ít muối để bổ sung dịch và điện giải cho cơ thể;

- Người bệnh cần liên hệ với bác sĩ điều trị nếu mắc thêm một bệnh khác, có ceton niệu kéo dài, sốt, đau bụng, tiêu chảy, nồng độ glucose trong máu cao, ceton trong nước tiểu dai dẳng, đặc biệt là bị nôn ói hoặc nếu đã điều chỉnh tốc độ tiêm truyền bằng bơm insulin nhưng không cải thiện về tình trạng tăng đường huyết và ceton niệu;

- Bệnh nhân không được tự ý giảm liều tiêm insulin hoặc tự ý bỏ thuốc ngay cả trong trường hợp mắc một bệnh khác.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nam-sinh-18-tuoi-phat-hien-mac-benh-tieu-duong-tuyp-2-thua-nhan-thuong-xuyen-uong-loai-nuoc-nhieu-nguoi-viet-ua-thich-172240628114021123.htm