Nam sinh 'chiếm' phòng của 'mẹ bỉm' để họp online, trơ trẽn đòi kiện trung tâm thương mại vì lý do khó hiểu
Một nam sinh viên Trung Quốc đã gây bão chỉ trích trên mạng xã hội khi chiếm dụng phòng cho con bú tại trung tâm thương mại để họp trực tuyến, sau đó kiện ngược đơn vị quản lý vì mắc bệnh hô hấp.
Hành động "khó hiểu" của nam sinh đại học
Vào mùa hè năm 2024, Zhang, một sinh viên cao học kiêm thực tập sinh tại một công ty ở Bắc Kinh, đã vô tình trở thành tâm điểm của sự phẫn nộ. Trong lúc đang ăn uống tại một trung tâm thương mại, anh nhận được thông báo công việc khẩn cấp. Thay vì chọn một góc yên tĩnh như quán cà phê hay khu vực chờ, Zhang lại quyết định vào phòng cho con bú, nơi vốn dành riêng cho các bà mẹ chăm sóc trẻ nhỏ – và khóa cửa để tham gia cuộc họp trực tuyến.
Mọi chuyện bắt đầu trở nên kịch tính khi cuộc họp kết thúc. Zhang phát hiện ổ khóa bị hỏng, khiến anh không thể mở cửa ra ngoài. Dù nhân viên trung tâm thương mại nhanh chóng có mặt để hỗ trợ, tình huống vẫn vượt ngoài tầm kiểm soát, buộc lực lượng cứu hỏa phải phá cửa để giải cứu. Zhang sau đó khẳng định anh gặp khó thở trong lúc bị kẹt và được chẩn đoán mắc bệnh hô hấp sau khi nhập viện.
Không dừng lại ở đó, Zhang quyết định kiện trung tâm thương mại, đòi bồi thường hơn 13.000 nhân dân tệ (khoảng 1.800 USD) bao gồm chi phí y tế, tiền lương bị mất, chi phí đi lại, tổn thất tinh thần và các thiệt hại khác. Anh lập luận rằng sự cố này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng sức khỏe của mình.

Zhang quyết định kiện trung tâm thương mại sau hành động "ích kỷ" của mình. ̣̣(Ảnh: SCMP/Shutterstock)
Phía trung tâm thương mại lập tức phản bác, cho rằng phòng cho con bú không phải là không gian dành cho các hoạt động cá nhân như họp trực tuyến. Họ nhấn mạnh rằng Zhang đã cố tình sử dụng sai mục đích một tiện ích công cộng, và lỗi hoàn toàn thuộc về anh. Đại diện trung tâm còn chỉ ra rằng phòng không phải không gian kín hoàn toàn, vì đã được trang bị điều hòa và hệ thống thông gió hiện đại, đặt nghi vấn về việc anh thực sự gặp khó thở như khai báo.
Hơn nữa, họ tiết lộ Zhang có tiền sử bệnh tim bẩm sinh, ngụ ý rằng tình trạng sức khỏe của anh có thể liên quan đến yếu tố cá nhân hơn là sự cố trong phòng. Cuộc tranh cãi nhanh chóng leo thang, thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông.
Tòa án Nhân dân quận Đông Thành, Bắc Kinh, sau khi xem xét vụ việc, đã đưa ra phán quyết. Tòa nhận định hành động chiếm dụng phòng cho con bú của Zhang đã làm gián đoạn trật tự công cộng. Đồng thời, tình trạng sức khỏe của anh có mối liên hệ trực tiếp và chủ yếu với bệnh lý nền, chứ không hoàn toàn do sự cố gây ra. Kết quả, trung tâm thương mại chỉ phải bồi thường 359,27 nhân dân tệ (khoảng 50 USD) cho chi phí y tế và 45 nhân dân tệ cho chi phí đi lại, bác bỏ các yêu cầu khác của Zhang.
Cơn bão phẫn nộ trên MXH
Vụ việc, được báo chí như People’s Court Daily đưa tin, nhanh chóng trở thành chủ đề nóng trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Hành động của Zhang bị cộng đồng mạng lên án gay gắt, với hàng loạt bình luận chỉ trích sự ích kỷ và vô lý của anh.
Một người dùng viết: “Thay vì chọn một nơi yên tĩnh như quán cà phê hay sảnh chờ, anh ta lại chiếm phòng dành cho các bà mẹ cho con bú. Hành vi này vừa ích kỷ vừa thiếu trách nhiệm.” Một ý kiến khác gay gắt hơn: “Chiếm dụng không gian của người khác để làm việc riêng, rồi còn trơ trẽn đòi bồi thường! Sai mà còn bắt người khác chịu trách nhiệm, loại người gì vậy chứ?”

Hành động của Zhang tại trung tâm thương mại đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên MXH. (Ảnh: Shutterstock)
Nhiều người thậm chí gọi đây là “trò đùa không vui”, cho rằng Zhang không chỉ thiếu ý thức mà còn cố tình biến sự sai trái của mình thành cơ hội trục lợi. “Dùng sai mục đích rồi đổ lỗi cho người khác, đúng là logic ngược đời,” một bình luận nhận được hàng nghìn lượt đồng tình.
Vụ việc của Zhang không chỉ là câu chuyện pháp lý mà còn là hồi chuông cảnh báo về ý thức cộng đồng trong xã hội hiện đại. Phòng cho con bú, một tiện ích được thiết kế để hỗ trợ các bà mẹ trong không gian công cộng – từ lâu đã được xem như biểu tượng của sự quan tâm và tôn trọng dành cho phụ nữ và trẻ em. Việc một cá nhân lạm dụng không gian này vì lợi ích riêng không chỉ gây bất tiện mà còn làm tổn hại đến giá trị chung.