Nam sinh Lào gác nỗi nhớ nhà, chung tay chống dịch
Nhiều sinh viên Lào bị kẹt ở Nghệ An, không về nước được vì dịch COVID-19. Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ nhà trường, sinh viên Việt Nam là nguồn động viên lớn, ấm áp tình thân, phần nào giúp các bạn sinh viên Lào vượt qua khó khăn, vơi đi nỗi nhớ nhà, cùng chung tay phòng chống dịch.
Đại diện Tỉnh Đoàn Nghệ An trao quà cho du học sinh Lào gặp khó khăn do dịch COVID-19
Khép nỗi nhớ nhà, chung tay chống dịch
Dịch COVID-19 phức tạp khiến Saenglathone Ketsana - sinh viên năm cuối, ngành Chính trị học, Viện Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Vinh) không thể về nước, phải ở lại ký túc xá của trường. Chàng sinh viên đến từ Lào không khỏi nhớ nhà, bởi gần 3 năm sang Việt Nam du học anh vẫn chưa trở về lần nào. “Đến tháng 9 năm nay là tròn 3 năm em xa nhà. Đợt vừa rồi được nghỉ dài ngày, em dự định về nhà một chuyến, nhưng vì dịch COVID-19 nên bị kẹt lại”, Ketsana chia sẻ.
Bố mất khi còn nhỏ, Ketsana sống cùng mẹ ở tỉnh Savannakhet. Cũng vì dịch bệnh, những tháng gần đây, việc buôn bán, kinh doanh của gia đình anh ở Lào gặp rất nhiều khó khăn. Các khoản chu cấp eo hẹp, trong khi đó, thành phố Vinh đang thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch, nên Ketsana không thể đi làm thêm.
“Mẹ em một mình gánh vác cả gia đình và việc kinh doanh cũng đình trệ vì dịch COVID-19. Kinh tế sa sút, các khoản chi tiêu phải rất chắt bóp mới đủ chu cấp cho em trang trải việc học. Bản thân em chi tiêu rất tiết kiệm, để có thể duy trì được việc học, giảm bớt gánh nặng cho mẹ ở quê nhà”, Ketsana nói.
Cùng cảnh ngộ, Thammavong Khola, sinh viên năm thứ 2, ngành Luật ĐH Vinh hai năm nay chưa thể về thăm gia đình. Anh rất nhớ nhà và lo lắng cho gia đình trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. “Bố mẹ em làm nông, không khấm khá gì. Ở Việt Nam, các khoản chi tiêu đều cao hơn ở quê, chưa kể, dịch bệnh khiến các nhu yếu phẩm đều tăng giá, em phải cắt bớt một số chi tiêu để trang trải cho việc học và sinh sống tại đây”, Khola chia sẻ.
Hằng ngày, ngoài việc học tập, ôn lại các kiến thức đã học, Khola còn dành thời gian gọi điện về cho bố mẹ. “Em chỉ biết cầu mong cho gia đình được bình an cũng như dịch COVID-19 mau chóng được đẩy lùi để cuộc sống của mọi người đỡ vất vả hơn”, Khola bộc bạch.
Dù khó khăn, nhưng cả Ketsana và Khola đều cảm thấy an tâm khi ở lại ký túc xá của trường. “Được sự quan tâm của nhà trường nên chúng em cũng yên tâm hơn khi ở lại. Chúng em luôn tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như hạn chế ra ngoài, luôn giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, vệ sinh phòng và khai báo y tế khi cần thiết. Mọi người cũng bảo ban nhau ở lại, cố gắng ôn luyện bài vở, tập thể thao đầy đủ để có sức đề kháng với dịch bệnh”, Ketsana nói.
Với vai trò là “thủ lĩnh” của Ban liên lạc lưu học sinh Lào tại ĐH Vinh, Ketsana đã phối hợp với Đoàn trường tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ các sinh viên ở lại; triển khai các chương trình phát khẩu trang miễn phí, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho sinh viên đang cách ly tại ký túc xá của trường.
Tết Lào ấm áp trên đất Việt
Tại ĐH Vinh hiện có 306 sinh viên Lào bị kẹt lại ở ký túc xá, do dịch COVID-19. TS Thiều Đình Phong, Bí thư Đoàn trường, Phó Viện trưởng Viện Sư phạm tự nhiên (ĐH Vinh) cho biết, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, toàn bộ lưu học sinh Lào được nhà trường quan tâm đặc biệt. Các lưu học sinh được thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe. Nhà trường duy trì các hoạt động trong khuôn viên ký túc xá, không tiếp xúc với người lạ, thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường đã hỗ trợ tiền mặt.
Nắm bắt được tình hình đó, Tỉnh Đoàn Nghệ An phối hợp Đoàn trường ĐH Vinh đã trao tặng hàng trăm suất quà gồm nhu yếu phẩm (sữa, gạo, mì tôm, trứng…) cho các lưu học sinh Lào gặp khó khăn trong đợt dịch.
Trước đó, vì học tập và do dịch COVID-19, nhiều lưu học sinh Lào không thể trở về nước để ăn Tết cổ truyền Bunpimay (diễn ra từ 14 đến 16/4 hằng năm). Tuy nhiên, các lưu học sinh Lào vẫn có một cái tết trọn vẹn nghĩa tình. Tỉnh Đoàn Nghệ An phối hợp với các đơn vị, các trường ĐH, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tổ chức chương trình giao lưu hữu nghị sinh viên, thanh niên Việt - Lào.
“Trong khó khăn chung do dịch bệnh, được nhà trường, Đoàn, Hội sinh viên quan tâm, hỗ trợ, chúng em cảm thấy rất ấm lòng. Những món quà hỗ trợ rất kịp thời, giúp sinh viên chúng em tiết kiệm được một khoản chi tiêu để vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Bạn Saenglathone Ketsana -sinh viên ngành Chính trị học, ĐH Vinh
Theo Bí thư Đoàn trường ĐH Vinh, trong 5 năm qua, cứ vào dịp Tết Bunpimay, nhà trường phối hợp với một số tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đem đến một cái tết ý nghĩa cho sinh viên Lào. Đoàn trường cũng như đại diện các câu lạc bộ, đội, nhóm đã đến thăm và chúc tết các bạn lưu học sinh Lào tại ký túc xá. Ngoài giao lưu văn hóa, sinh viên Lào có thành tích học tập tốt cũng được nhà trường động viên, khen thưởng.
“Từ những hoạt động đó, tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa sinh viên hai nước được thắt chặt hơn. Tổ chức Đoàn đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc, hỗ trợ kịp thời các bạn du học sinh Lào hòa nhập tốt với môi trường ở Việt Nam”, anh Phong nói thêm.
Đào tạo gần 1.000 cán bộ Đoàn cho Lào
TS Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cho biết, Học viện đã có 48 năm triển khai chương trình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng gần 1.000 cán bộ cho Đoàn Thanh niên NDCM Lào. Nhiều người trong số họ đã trưởng thành, giữ chức vụ cao trong tổ chức Đoàn, trở thành lãnh đạo trong hệ thống chính trị của Lào.
Theo TS Đăng, Học viện được T.Ư Đoàn giao thực hiện nhiệm vụ tổ chức đào tạo cho cán bộ Đoàn Thanh niên NDCM Lào từ năm 1973. “Dù thời kỳ đó, điều kiện hai nước Việt - Lào còn nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm cao, các lớp học đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn đẹp trong mỗi học viên”, TS Đăng nói.
Thời gian đầu, các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Đoàn Thanh niên NDCM Lào được tổ chức trong 6 tháng. Sau này, để phù hợp hơn với tình hình mới, Đoàn Thanh niên hai nước thống nhất rút ngắn thời gian học 1 tháng.
Đối tượng tham gia lớp bồi dưỡng là cán bộ trẻ làm công tác Đoàn có triển vọng phát triển, được quy hoạch các chức danh lãnh đạo từ cấp huyện, cấp tỉnh và cả T.Ư Đoàn Thanh niên NDCM Lào.
Tham gia lớp đào tạo, các học viên được tìm hiểu về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau giữa Đảng, Nhà nước, Đoàn Thanh niên và nhân dân hai nước; những thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội; những kết quả và chủ trương công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; những mô hình hiệu quả mà Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đang triển khai.
Theo Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, trong học tập, sự khác biệt về ngôn ngữ là không thể tránh khỏi. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn học viên Lào, Học viện luôn mời những cán bộ phiên dịch tốt nhất để dịch trong suốt khóa học; đồng thời, mời các tình nguyện viên là lưu học sinh Lào đang học tại các trường ở Việt Nam tham gia hỗ trợ ngoài giờ lên lớp, công tác hậu cần.
Học viện luôn chuẩn bị chu đáo trong sinh hoạt, ăn nghỉ cho học viên. “Riêng về ẩm thực, Học viện cử cán bộ phụ trách hàng ngày hỏi ý kiến các bạn đánh giá món ăn để điều chỉnh cho phù hợp”, TS Đăng cho hay.
Hiện tại, T.Ư Đoàn Thanh niên NDCM Lào đề nghị Học viện hỗ trợ đào tạo giảng viên, báo cáo viên để các bạn chủ động hơn trong công tác bồi dưỡng cán bộ. Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học, nên sẵn sàng nhận sinh viên Lào sang học tập dài hạn các chương trình đại học, sau đại học.
“Với gần 1.000 cán bộ Đoàn Thanh niên NDCM Lào được tào tạo, bồi dưỡng tại Học viện, được học tập và trải nghiệm thực tế ở Việt Nam, tôi tin rằng họ chính là cầu nối, tiếp nối để vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam và Lào”, TS Nguyễn Hải Đăng nhấn mạnh.