Nam sinh trồng dâu tây kiếm nửa tỷ mỗi năm
Trong khi nhiều sinh viên phải trông chờ trợ cấp hằng tháng của cha mẹ thì Tô Quốc Huy đã kiếm được hàng trăm triệu đồng nhờ trồng dâu tây theo phương pháp mới.
Kiếm 500 triệu đồng mỗi năm
Sinh ra tại xã miền núi Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Tô Quốc Huy thích trồng trọt từ khi mới lớn. Đó là lý do nam sinh này không theo ngành y như định hướng của gia đình, mà chọn thi vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Tô Quốc Huy bên nông trại dâu tây tại Mường Sang, Mộc Châu, Sơn La.
Năm đầu, thay vì chờ những khoản trợ cấp từ gia đình, Huy đã tự đầu tư nông trang dâu tây tại quê nhà để vừa học, vừa làm, vừa nghiên cứu. Hơn 5.000m2 dâu tây nằm trong lòng thung lũng sâu cách cửa cầu kính Bạc Long khoảng 2km, bao quanh bởi núi đồi trùng điệp. Những luống dâu tây đều tăm tắp như những dải lụa xanh trải đến chân đồi. Gốc dâu xum xuê quả chín phớt đỏ, có vị ngọt thanh, không chua, dày hạt như dâu tây bán ven đường.
Vô tình tham quan vườn dâu tây, chị Bình, chủ chuỗi siêu thị hoa quả sạch An Nguyên Shop ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã quyết định hợp tác. "Trước đây, tôi không nhập dâu Mộc Châu vì bị đánh đồng với dâu tây giá rẻ đang bán trên thị trường. Tuy nhiên, khi ăn dâu tây của Huy, tôi đã quyết định đưa vào bán trong hệ thống siêu thị An Nguyên", chị Bình nói.
Huy cho biết, toàn bộ quá trình từ chăm sóc đến thu hoạch dâu đều sử dụng công nghệ sinh học. Huy lựa chọn những lợi khuẩn có thể tiêu diệt vi trùng nhưng không gây hại cho người và môi trường. Chủ vườn kiểm tra sản phẩm thường xuyên để tránh những dư lượng bất thường có thể đến từ bên ngoài.
"Tôi khẳng định khi bán ra thị trường, dâu không có thuốc bảo vệ thực vật. Tôi dám test nhanh thuốc bảo vệ thực vật ngay tại vườn bất cứ lúc nào, việc mà không nhiều người dám làm", Huy kể.
Theo chia sẻ của nam sinh viên, vụ dâu kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Dù sản lượng dâu tây chưa đạt kỳ vọng nhưng năm nay, Huy vẫn thu được khoảng 2,5 tấn. Với giá bán ra trung bình khoảng 200.000 đồng/kg, doanh số thu về khoảng 500 triệu đồng.
Trước đây, Huy bán qua thương lái, nhưng vì bị ép giá, mỗi kg dâu tây mất 40.000-50.000 đồng, nên chàng trai này đã tìm các mối lẻ mua hàng trực tiếp. Giờ đây, khách hàng của Huy chủ yếu là chủ cửa hàng bán hoa quả.
Trăn trở về thực phẩm "bẩn"
Thích nông nghiệp từ khi học tiểu học nên Huy rất hay xem chương trình "Bạn nhà nông" trình chiếu trên truyền hình. Sau khi xem đoạn phóng sự bắt quả tang chủ ruộng tưới rau muống bằng dầu nhớt, nam sinh này nảy ra ý tưởng làm ra những nông sản "sạch".
Dâu tây của nông trại Tô Quốc Huy từ chăm sóc đến thu hoạch đều sử dụng công nghệ sinh học.
Huy chọn dâu tây là sản phẩm đầu tay bởi loại quả này có thương hiệu, giá trị kinh tế cao hơn các nông sản khác, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Mộc Châu.
Bắt đầu trồng từ lúc học lớp 11, nhưng sau khi thi đậu đại học (năm 2019), Huy mới chính thức huy động 100 triệu đồng tiền vốn của gia đình để đầu tư nhà màng, lưới, trồng thủy canh.
Lứa cây đầu tiên trồng thủy canh không đúng kỹ thuật nên kém phát triển. Sau đó, Huy tham khảo cuốn sách giới thiệu cách trồng dâu của Hà Lan được một chủ vườn tặng (giá bản quyền 80 triệu đồng). Nhưng làm theo quy trình này, quả dâu tây vẫn chua, không ngon như kỳ vọng.
Thấy Huy quanh quẩn với vườn dâu nhưng không hiệu quả, người thân đã khuyên nam sinh này buông bỏ, chấp nhận mất vốn 100 triệu đồng để tập trung học hành. Nhưng chàng trai này vẫn quyết tâm tìm hiểu, nhiều hôm thức nghiên cứu đến 3h sáng, tái phát bệnh hen, giảm hơn 6kg.
Cuối cùng, Huy nhận ra rằng nguyên nhân thất bại đến từ việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho dâu chưa đúng cách. Sau quá trình rút kinh nghiệm, thay đổi chế độ chăm sóc, dâu tây ra quả đều, ngọt. Kết quả này đã giúp anh tự tin hơn khi theo nghề nông nghiệp và bác bỏ quan điểm cho rằng sản phẩm từ cây trồng thủy canh không ngon bằng trồng trên đất.
Giai đoạn chuyển giao trồng trên đất, một khó khăn khác Huy phải đối mặt trong giai đoạn đầu là độ PH cao, đất chua khiến hàng nghìn gốc dâu tây vàng lá. Thời điểm đó, một tuần có đến 4 ngày, chàng trai này đi từ Hà Nội về Mộc Châu để chạy chữa. Sau 2 tháng miệt mài cải tạo đất bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, Huy đã cứu được toàn bộ vườn dâu.
Nam sinh này cho biết, phân bón cho dâu có 12-13 loại, đều là phân đơn chất, nên ở mỗi điều kiện thời tiết, độ tuổi cần có chế độ chăm sóc khác nhau. "Cũng như người, khi cho ăn đầy đủ thì cơ thể phát triển khỏe mạnh, cân đối. Nhu cầu dinh dưỡng ngày nắng khác với giá lạnh của mùa đông", Huy chia sẻ.
Từ chối bán "bí kíp"
Dâu tây của Huy đã cho quả ngọt, nhưng chàng trai này vẫn vừa học, vừa nghiên cứu để hoàn thiện quy trình sản xuất. Nam sinh Học viện Nông nghiệp dành riêng một khu vực để nghiên cứu, thử nghiệm trước khi nhân giống. Huy đánh dấu lại những cây năng suất tốt, chống chịu sâu bệnh tốt, rồi chọn lọc, nhân giống, tạo ra quần thể cây tốt hơn cho vụ sau.
Trong khi vườn dâu tây của Huy xanh tốt thì nông trang của doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc chết sạch, công nghệ trồng dâu nước ngoài bị phá sản khi đưa vào Mộc Châu. Chủ vườn dâu tây Hàn Quốc đã đề nghị Huy hợp tác nhưng chàng trai này từ chối vì muốn giữ bí quyết để sau khi tốt nghiệp sẽ thành lập hợp tác xã. Một, hai năm tiếp tiếp theo, Huy sẽ chuyển giao miễn phí cho người dân và tính đến chuyện xuất khẩu dâu đi những thị trường lớn.
Sự đam mê, năng động, sáng tạo của Huy cũng được các thầy cô trong Học viện Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận.
Là người dẫn dắt Huy ngay từ ngày đầu, TS Nguyễn Hồng Hạnh, Khoa Nông học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết dâu tây rất "đỏng đảnh", nhiều bệnh. Để trồng được dâu trước tác động ngoại cảnh như sương muối, lạnh giá, dịch bệnh đã khó, việc kiểm soát được bệnh, sử dụng vật tư không gây hại và đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng càng khó hơn.
"Huy chịu khó tìm tòi, vận dụng kiến thức học được ở trường để tự xây dựng quy trình, chế độ chăm sóc, điều khiển quá trình tăng trưởng, ra quả sớm hơn tất cả vùng trồng khác nửa tháng, quả sai, to là một hình thức giải vụ, giúp sản phẩm nông sản có giá trị cao. Đó là những việc làm sáng tạo, như bí kíp mà Huy rút ra cho riêng mình. Điều này hiếm sinh viên nào có được", TS Hạnh nhận xét.
Mường Sang là một xã miền núi thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, người dân nơi đây phấn khởi khi là xã đầu tiên của huyện Mộc Châu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp xã Mường Sang có con đường rộng rãi, khang trang, sạch đẹp. Chung tay cùng chính quyền cơ sở, các hộ dân đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả giúp đời sống được cải thiện, nâng thu nhập bình quân lên 40-50 triệu đồng/người/năm.
Chính quyền nơi đây đang hỗ trợ, khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, đẩy mạnh triển khai đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.