Nam sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM giành giải nhất 'Khởi nghiệp văn chương'

Theo học tại ĐH Y Dược TP.HCM, Trần Văn Thiên đã giành giải nhất thể loại thơ trong cuộc thi 'Sáng tác văn học- Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TP.HCM 2022.

Ông Trương Hòa Bình (nguyên Phó thủ tướng Chính phủ) và Giám đốc ĐHQG TP.HCM Vũ Hải Quân trao giải nhất thể loại tản văn và thơ cho tác giả Trần Thị Thùy Dung (trái) và Trần Văn Thiên (phải). Ảnh: HÀ NGUYỄN

Ông Trương Hòa Bình (nguyên Phó thủ tướng Chính phủ) và Giám đốc ĐHQG TP.HCM Vũ Hải Quân trao giải nhất thể loại tản văn và thơ cho tác giả Trần Thị Thùy Dung (trái) và Trần Văn Thiên (phải). Ảnh: HÀ NGUYỄN

Sáng 25-3, lễ tổng kết và trao giải cuộc thi "Sáng tác văn học- Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TP.HCM" năm 2022 với chủ đề "Khởi nghiệp văn chương" diễn ra tại ĐH Khoa học XH&NV ĐH Quốc gia TP.HCM (Quận 1).

Cuộc thi phát động vào ngày 1-7-2022 và chỉ sau ba tháng phát động, giải thưởng văn học trẻ ĐH Quốc gia TP.HCM đã nhận được 1.039 tác phẩm dự thi. Trong đó có 249 bài truyện ngắn, 260 tản văn và 530 bài thơ từ học sinh, sinh viên trên khắp cả nước và thế giới như Mỹ, Canada, Thái Lan…

Từ 1.039 tác phẩm, hội đồng giám khảo đã chọn ra 129 tác phẩm vào chung kết.

Nhà văn Bích Ngân, Trưởng ban giám khảo cuộc thi phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: H.N

Nhà văn Bích Ngân, Trưởng ban giám khảo cuộc thi phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: H.N

Phát biểu tại buổi lễ, nhà văn Bích Ngân, Trưởng ban giám khảo cuộc thi cho biết: "'Khởi nghiệp văn chương" xem như một vạch xuất phát - vạch xuất phát đánh dấu một hành trình mới vừa tạo sự hưng phấn để chúng ta cùng chào đón những tìm kiếm mới, những tiếng nói mới, những gương mặt mới.

Đọc tác phẩm của họ, vẫn còn không ít chập chững, vụng về không thể tránh khỏi của bước đi ban đầu, nhưng thực sự quyến rũ bởi sự chân thành, sự trong trẻo và cả sự bộn bề, ngổn ngang của cuộc sống, của hiện thực mà không chỉ những người trẻ mới đối diện và tìm cách xoay trở.

Những ý tưởng không rập khuôn, những suy tư không ngần ngại, những câu chữ không diêm dúa nhằm diễn đạt một cách chân thật...cho thấy một thế hệ người Việt đầy khát khao và đầy hoài bão, trước kỷ nguyên hội nhập toàn cầu…".

PGS.TS Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cũng nhận xét các tác phẩm dự thi đã mang đến bức tranh đa dạng về thế giới tâm hồn của người trẻ hiện nay và hình thức chuyển tải của các tác phẩm dự thi cũng hết sức phong phú.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ. Ảnh: H.N

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ. Ảnh: H.N

"Sự phong phú về số lượng tác phẩm dự thi, đối tượng dự thi, nội dung, hình thức nghệ thuật của các tác phẩm dự thi đã cho thấy giới trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói chung thực sự có nhu cầu về một sân chơi để qua đó vừa thể hiện năng lực sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, vừa chia sẻ tâm tư, tình cảm, hoài bão khát vọng của mình.

Và trong năm đầu tổ chức, cuộc thi đã thể hiện một sân chơi đáp ứng nhu cầu đó của sinh viên, học sinh. Qua cuộc thi, mỗi tác phẩm như một thông điệp mà học sinh, sinh viên gửi gắm và mong muốn được lắng nghe, chia sẻ" - PGS.TS Vũ Hải Quân nhận định.

Từ 129 tác phẩm bước vào vòng chung khảo, hội đồng giám khảo đã chọn ra các tác phẩm đạt giải nhất, nhì, ba ở mỗi thể loại.

Cụ thể, ở thể loại truyện ngắn, giải nhất thuộc về tác phẩm Chuyến bay tháng 12 của Cầm Văn Lương (Aiden) trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (Hà Nội).

Ở thể loại tản văn, tác phẩm Uống trà với lòng mình của Trần Thị Thùy Dung (trường ĐH Khoa học XH&NV, ĐH QG TP.HCM) đạt giải nhất.

Tác giả Trần Văn Thiên, sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM giao lưu tại buổi lễ

Tác giả Trần Văn Thiên, sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM giao lưu tại buổi lễ

Cuối cùng, Trần Văn Thiên, sinh viên Khoa Răng Hàm Mặt trường ĐH Y Dược TP.HCM đã đạt giải nhất ở thể loại thơ với chùm ba bài thơ: Soi mình lên nước mắt, Giữa lòng đêm, Bay trên đồi dương liễu.

Cùng với đó, ở mỗi thể loại, Ban tổ chức đã trao 2 giải nhì, 5 giải ba và 7 giải khuyến khích.

Chia sẻ tại buổi lễ, Trần Văn Thiên cho biết: "Tôi vốn là học sinh chuyên Toán, sau đó thi vào trường ĐH Y Dược TP.HCM. Thực sự mà nói con người văn chương và con người Y học của tôi không bao giờ có mâu thuẫn mà bổ trợ cho nhau.

Y học, văn học mở ra trong tâm hồn tôi khoảng trời cao rộng về cái đẹp và vẻ đẹp tâm hồn không gì có thể thay thế được.

Trong quá trình điều trị bệnh nhân, tư vấn điều trị tôi cũng đã đặt chữ tâm của mình vào để quá trình điều trị có thể tốt nhất. Đồng thời, trong quá trình học tập, áp lực của ngành Y khiến em chọn thơ ca, văn học để mở những chân trời sáng tạo và bộc lộ suy nghĩ của mình".

Các tác phẩm tuyển chọn được in trong tuyển tập tác phẩm tiêu biểu Giải thưởng Văn học trẻ "Khởi nghiệp văn chương" năm 2022.

Các tác phẩm tuyển chọn được in trong tuyển tập tác phẩm tiêu biểu Giải thưởng Văn học trẻ "Khởi nghiệp văn chương" năm 2022.

Từ thành công của mùa đầu tiên, Ban tổ chức đã phát động Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2, năm 2023 dành cho học sinh, sinh viên trong cả nước.

HÀ NGUYỄN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nam-sinh-vien-dh-y-duoc-tphcm-gianh-giai-nhat-khoi-nghiep-van-chuong-post725644.html