Nam Sudan đối mặt khó khăn chồng chất

Ít nhất 76% trong tổng số 12,4 triệu dân của Nam Sudan đang sống dưới mức nghèo khổ quốc gia, với thu nhập 358.724 bảng Nam Sudan (khoảng 105 USD)/người/năm.

Người dân xếp hàng chờ nhận hàng cứu trợ tại Gedaref, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân xếp hàng chờ nhận hàng cứu trợ tại Gedaref, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu, giá lương thực cao cùng xung đột kéo dài ở nước láng giềng Sudan được ví như “lửa đổ thêm dầu” khiến khó khăn càng chồng chất khó khăn ở quốc gia non trẻ nhất thế giới này.

Báo cáo Đánh giá nghèo đói và công bằng của Ngân hàng Thế giới (WB), được thực hiện dựa trên kết quả Khảo sát ngân sách gia đình Nam Sudan mới nhất, cho thấy quốc gia này đắm chìm trong 10 năm suy thoái kinh tế, cộng thêm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giá lương thực cao và xung đột ở nước láng giềng đã làm gia tăng tình trạng nghèo đói cùng cực cho người dân. Giám đốc Văn phòng đại diện WB tại Nam Sudan Charles Undeland nhấn mạnh, tình trạng quản lý yếu kém, nhiều cú sốc kinh tế đan xen, giá lương thực cao và xung đột đã làm bùng phát tình trạng nghèo đói và gây tổn thương sâu sắc cho người dân Nam Sudan.

Liên hợp quốc đưa ra cảnh báo, có tới hơn 62% dân số Nam Sudan sẽ bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2025, trong đó dòng người tị nạn hồi hương và trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ cao nhất rơi vào nghèo đói và suy dinh dưỡng.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) mới nhất, trong đó dự báo, tổng số người ở Nam Sudan phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ tăng lên 7,7 triệu người bắt đầu từ tháng 4/2025, so với con số 7,1 triệu người trong năm nay.

Đáng chú ý, có tới một nửa trong số này là người tị nạn hồi hương, chiếm 85% tổng số người tị nạn hồi hương do tránh cuộc xung đột ở Sudan. Ngoài ra, số trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng cũng tăng từ 1,65 triệu lên 2,1 triệu vào năm 2025.

Chuyên gia kinh tế cấp cao của WB phụ trách Nam Sudan, ông Frank Adoho cho biết, tình trạng mất an ninh lương thực đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, và càng trở nên tồi tệ hơn do lạm phát tăng đột biến. Giá lương thực cao gây khó khăn cho việc tiếp cận thực phẩm của người dân nghèo và dễ bị tổn thương ở Nam Sudan. Thậm chí tình trạng này cũng xảy ra ở các vùng nông thôn, vốn trước đây có thể tự cung, tự cấp lương thực.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra tình trạng mất an ninh, di cư và chưa chú trọng đầu tư vào nông nghiệp càng khiến sản lượng lương thực giảm sút. WB khuyến nghị chính quyền Nam Sudan cần đầu tư mạnh vào các dịch vụ cơ bản và cơ sở hạ tầng để cải thiện tình trạng dễ bị tổn thương của người dân.

Hệ thống thống kê yếu kém của quốc gia cũng cần được cải thiện, vì vấn đề này đang làm phức tạp thêm việc hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển bền vững. Đại diện FAO tại Nam Sudan, ông Meshack Malo cho biết, khủng hoảng kinh tế và giá lương thực cao là nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực.

Ông nhấn mạnh đã đến lúc phải cùng nhau tăng cường đầu tư để hỗ trợ cho người dân Nam Sudan tự sản xuất lương thực, điều này không chỉ làm giảm chi phí mua thực phẩm của các gia đình mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp các gia đình tự chủ hơn về kinh tế.

Một tin vui không chỉ được người dân Sudan mong chờ bấy lâu mà còn được người dân Nam Sudan đón nhận là việc Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền Sudan kiêm Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Abdel Fattah Al-Burhan mới đây tuyên bố sẵn sàng tìm giải pháp chấm dứt xung đột, bảo đảm cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân và thúc đẩy tiến trình chính trị tại Sudan.

Nếu tuyên bố nêu trên sớm trở thành hiện thực, xung đột dai dẳng ở Sudan được chấm dứt, cuộc sống của người dân Sudan trở lại bình thường, an ninh, ổn định trong khu vực được khôi phục, bức tranh nghèo đói của người dân Nam Sudan cũng sẽ phần nào bớt gam màu xám.

Yên Linh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nam-sudan-doi-mat-kho-khan-chong-chat-post850572.html