Nam Sudan - quốc gia mới nhất thế giới chịu 'thiên tai kép' hạn hán và lũ lụt

Một quốc gia 10 năm tuổi với vô số vết thương chưa chữa lành phải hứng chịu hàng loạt thảm họa từ cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Trận ‘đại hồng thủy’ đè nặng quốc gia 10 năm tuổi

Nhiều con đường chính chạy qua bang Unity ở Nam Sudan hiện đã bị ngập hoàn toàn, nhưng giao thông vẫn còn. Không có xe cộ di chuyển, chỉ có con người bơi lội, cố gắng bước qua làn nước nặng phù sa. Những người khác may mắn hơn thì lướt trên ca nô cùng gia súc và bất cứ tài sản nào mà họ vớt vát được từ trận lũ lụt.

Trong khung cảnh giao thông này, giữa thành phố Bentiu và Ding Ding, là một nhóm phụ nữ đang đẩy những chiếc bè tạm bợ của họ bị mắc kẹt trong bùn và đè nặng bởi sáu đứa trẻ. Những người đàn ông trong gia đình đều đã quay trở lại phía bắc để giữ cho gia súc của họ được an toàn, những người phụ nữ thì ở lại để cùng con cái di chuyển trong bốn ngày với hy vọng đến được vùng đất cao hơn. Một trong những người phụ nữ tên Nereka cho biết, trên đường đi thức ăn của họ dã hết sạch. Đứa con 5 tháng tuổi của cô đang khóc khi Nereka trò chuyện cùng chúng tôi:“ Tất nhiên tôi lo lắng cho các con của mình. Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục di chuyển”.

Bị tàn phá bởi nhiều năm xung đột, hầu như không có đủ thời bình để quốc gia mới nhất trên thế giới này bắt đầu xây dựng. Chỉ 200 km đường đi tại Nam Sudan được trải nhựa. Giờ đây, quốc gia này đang phải đối phó với những trận lũ lụt nặng nề bắt đầu từ tháng 6 và ngày càng trở nên tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng khí hậu.

Một túp lều lợp mái rơm nhô lên từ dòng nước lũ ở thị trấn Ding Ding. Ảnh: CNN.

Một túp lều lợp mái rơm nhô lên từ dòng nước lũ ở thị trấn Ding Ding. Ảnh: CNN.

Theo Liên Hợp Quốc, trận ‘đại hồng thủy’ tại Nam Sudan được đánh giá là khủng khiếp nhất trong vòng 60 năm trở lại đây, nuốt chửng không chỉ những con đường mà còn cả trang trại, nhà cửa và khu chợ của họ. Trong nhiều năm liền, quốc gia này đã trải qua mùa mưa ẩm ướt hơn bình thường, trong khi mùa khô của họ thậm chí cũng trở nên khô hơn. Mùa mưa đã kết thúc những lượng nước tích tụ nhiều tháng vẫn chưa rút.

Nam Sudan là một trong nhiều khu vực trên thế giới đang phải vật lộn với ‘thiên tai kép’ chính là hạn hán kéo theo lượng mưa cực lớn, tạo điều kiện chính cho lũ lụt tàn phá cuộc sống của người dân.

Cũng theo Liên Hợp Quốc, hơn 850.000 người dân đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và khoảng 35.000 người trong số họ đã phải di dời để đảm bảo cuộc sống. Các thị trấn xa xôi như Ding Ding giờ đây hầu như bị bỏ hoang. Những mái nhà làm từ rạ truyền thống của nhiều ngôi nhà ở đây nhô cao lên, trong khi bức tường vẫn chìm dưới mặt nước. Một số người dân tìm kiếm thức ăn ở đây đã bắt đầu ăn những bông hoa loa kèn nảy mầm trên bề mặt nước lũ, một hệ sinh thái hoàn toàn mới bắt đầu hình thành trong cảnh quan đã thay đổi hoàn toàn này.

Đó là một bức tranh nghiệt ngã đối với một đất nước mới 10 năm tuổi như Nam Sudan. Sau khi giành độc lập từ Sudan vào năm 2011, chỉ hai năm rưỡi sau, Nam Sudan đã rơi vào một cuộc nội chiến tàn khốc và mới chỉ kết thúc vào năm ngoái.

Một người phụ nữ cõng con trên đầu khi lội qua dòng nước lũ. Ảnh: CNN.

Một người phụ nữ cõng con trên đầu khi lội qua dòng nước lũ. Ảnh: CNN.

Cạnh tranh về tài nguyên

Nam Sudan đã khá quen với lũ lụt theo mùa, nhưng các quan chức ở bang Unity cho biết họ chưa từng thấy quy mô này kể từ đầu những năm 1960. 90% đất đai của bang đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, và mùa mưa tiếp theo chỉ còn cách năm tháng nữa. Họ lo lắng tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Các nhà khoa học hiện đều có thể tính toán xem cuộc khủng hoảng khí hậu có thể đã đóng vai trò như thế nào đối với hầu hết các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Nhưng ở khu vực này của thế giới, chúng vốn đã nổi tiếng khó đo lường một cách chắc chắn vì ban đầu đã có những biến đổi rất lớn về khí hậu tự nhiên.

Thị trấn Rubkona tại Nam Sudan ngập trong nước lũ. Ảnh: CNN.

Thị trấn Rubkona tại Nam Sudan ngập trong nước lũ. Ảnh: CNN.

Việc đưa ra các dự báo về hạn hán đặc biệt khó khăn tại Nam Sudan, nhưng những gì các nhà khoa học biết chắc là Trái đất càng ấm lên, vùng Sừng châu Phi (Horn of Africa) và các quốc gia xung quanh sẽ hứng chịu lượng mưa cực lớn, khiến chúng càng dễ bị ngập lụt hơn. Phần lớn là do bầu không khí ấm hơn có thể giữ nhiều độ ẩm hơn, gây ra nhiều mưa hơn.

Thế giới đã ấm hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và châu Phi nói chung đang chứng kiến nhiệt độ tăng cao hơn mức trung bình toàn cầu.

John Payai Manyok, Phó Giám đốc phụ trách về biến đổi khí hậu của đất nước cho biết:“Chúng tôi đang cảm nhận được sự thay đổi khí hậu khi hạn hán và lũ lụt xảy ra cùng một thời điểm. Điều này đang trở thành một cuộc khủng hoảng dẫn đến mất an ninh lương thực và nhiều xung đột hơn trong khu vực vì mọi người đang tranh giành những nguồn tài nguyên ít ỏi sẵn có”.

Những ngôi trường tại Nam Sudan ngập trong biển nước. Ảnh: CNN.

Những ngôi trường tại Nam Sudan ngập trong biển nước. Ảnh: CNN.

Trong khi hạn hán và lũ lụt nghe có vẻ như là hai cực đối lập, nhưng chúng lại có nhiều mối quan hệ hơn. Caroline Wainwright, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Reading, người nghiên cứu khu vực Đông Phi cho biết:“Sau khi trải qua một thời gian dài hạn hán, đất có thể bị cứng lại, sẽ rất khô và vì vậy dòng chảy từ nước mưa sẽ dễ dàng hơn, chính điều đó sẽ làm trầm trọng thêm nguy cơ lũ lụt”.

Câu hỏi bây giờ không chỉ là làm thế nào để dọn dẹp đống lộn xộn này, mà là làm thế nào thích nghi để chống chọi tốt hơn với những thảm họa thời tiết khắc nghiệt ngày càng gia tăng.

Giống như nhiều quốc gia đang chịu tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, Nam Sudan chiếm 0,004% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới. Ngược lại, Hoa Kỳ chiếm hơn 15%. Nhưng phần lớn những đau khổ mà quốc gia này hứng chịu đến từ việc thiếu các công cụ và hệ thống để ngăn chặn biến đổi khí hậu biến thành thảm họa nhân đạo.

Một phái bộ của Liên Hợp Quốc sửa chữa một con đê bị hư hỏng tại Nam Sudan. Ảnh: CNN.

Một phái bộ của Liên Hợp Quốc sửa chữa một con đê bị hư hỏng tại Nam Sudan. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, thế giới công nghiệp hóa - đóng vai trò lớn nhất trong cuộc khủng hoảng khí hậu, vẫn không đạt được con số 100 tỷ đô mỗi năm mà họ đã hứa với các quốc gia đang phát triển để giúp họ cắt giảm lượng khí thải và thích ứng với những thay đổi lớn hơn.

Mai Nguyễn (Theo CNN)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nam-sudan--quoc-gia-moi-nhat-the-gioi-chiu-thien-tai-kep-han-han-va-lu-lut-5674621.html