Nam Tây Nguyên chuyển mình sau nửa thế kỷ

Đứng lên - Đi tới - Vươn mình, đó là hành trình của Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng sau 50 năm từ ngày giải phóng. Mỗi giai đoạn với những quyết sách phù hợp, mảnh đất này đã dần tích lũy đủ tiềm lực để cùng cả nước bước vào chặng đường phát triển mới đầy kỳ vọng.

ĐỨNG LÊN

Trong cuộc trường chinh đầy hy sinh gian khổ vì độc lập, tự do của Tổ quốc có một phần đóng góp quan trọng của quân và dân ở khu vực Nam Tây Nguyên.

Lâm Đồng chú trọng phát triển hạ tầng giao thông để mở đường phát triển

Lâm Đồng chú trọng phát triển hạ tầng giao thông để mở đường phát triển

Với sự chi viện của bộ đội chủ lực Miền và lực lượng vũ trang Quân khu 6, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân hai tỉnh Lâm Đồng (cũ), Tuyên Đức đã kết thúc thắng lợi. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng người dân trên mảnh đất Nam Tây Nguyên hôm nay vẫn như nghe rõ những tin thắng trận liên tiếp ở Lâm Đồng (cũ) và hình ảnh cờ cách mạng tung bay trên thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức được giải phóng (3/4/1975). Từ đây, các đơn vị chủ lực tiếp tục tiến công địch, giải phóng các tỉnh còn lại của Khu VI nối liền Quốc lộ 1A và Đường 20 để chi viện sức người, sức của tiến về giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau giải phóng và nhiều lần thay đổi về mặt tổ chức hành chính, đến ngày 6/1/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết về việc hợp nhất hai tỉnh Lâm Đồng (cũ) và Tuyên Đức cùng thị xã Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng. Từ đây, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở nhanh chóng ổn định. Tuy nhiên, thời điểm này, sự chống phá của tàn quân Fulro đã làm công cuộc tái thiết sau chiến tranh của tỉnh khó càng thêm khó. Song với sự đồng hành của Trung ương và tinh thần nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh khó khăn dần được hóa giải, kinh tế - xã hội cũng dần có những đổi thay.

● ĐI TỚI

Năm 1983, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III đã đánh dấu bước ngoặt trong việc xác định phương hướng phát triển của tỉnh.

Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu để Lâm Đồng từng bước xóa đói - giảm nghèo. Các vùng chuyên canh cây lương thực được hình thành không chỉ đảm bảo lương thực mà còn hướng tới sản xuất hàng hóa với gạo Tùng Nghĩa, bắp Đức Trọng, lúa gạo Cát Tiên... Bên cạnh đó, diện tích cây công nghiệp được mở rộng trở thành động lực phát triển toàn bộ nền kinh tế của tỉnh. Các tài liệu cho thấy, sau gần 25 năm giải phóng, diện tích cây công nghiệp tăng hơn 12 lần, chiếm 50% diện tích canh tác, đạt tỷ trọng 50,42% giá trị toàn ngành và chiếm tỷ trọng 30,02% GDP của tỉnh. Thế mạnh về rau, hoa từng bước được phục hồi và phát triển, các vùng chuyên canh Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng được hình thành.

Phát triển cây công nghiệp là thế mạnh của Lâm Đồng

Phát triển cây công nghiệp là thế mạnh của Lâm Đồng

Nhận thấy rõ những đặc trưng riêng từ cảnh quan và khí hậu nên Lâm Đồng xác định du lịch là thế mạnh chiến lược, là ngành kinh tế mũi nhọn và tập trung các giải pháp đầu tư cả về con người và cơ sở vật chất. Bởi vậy, 25 năm sau giải phóng, ngành du lịch đã mang lại doanh thu trên 168 tỷ, chiếm hơn 6% GDP của tỉnh. Và con số này tiếp tục tăng dần cho đến tận hôm nay. Riêng thành phố Đà Lạt ngày càng khẳng định thương hiệu của mình trên bản đồ du lịch trong nước và vươn tầm quốc tế.

Suốt chiều dài lịch sử, 47 dân tộc anh em luôn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của vùng đất này. Bởi vậy, phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt được tỉnh Lâm Đồng xác định. Ngay sau giải phóng, các nhiệm vụ lần lượt được tiến hành: Định canh định cư, sản xuất lúa nước để đảm bảo lương thực, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình sản xuất cà phê... Hành trình dài và đầy khó khăn ấy được thực hiện bền bỉ với nhiều giải pháp sáng tạo và cả sự hỗ trợ từ Trung ương. Bởi vậy vùng đồng bào DTTS luôn được giữ ổn định và ngày càng phát triển.

Tỉnh Lâm Đồng xác định đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt

Tỉnh Lâm Đồng xác định đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt

Lâm Đồng đã khéo léo xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Bắt đầu từ phát triển kinh tế hộ gia đình đến hình thành các trang trại. Nền kinh tế chuyển từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa tạo điều kiện cho công nghiệp và dịch vụ phát triển. Bởi vậy, đến năm 1999, Lâm Đồng đã thu ngân sách 390 tỷ đồng. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ nét. Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng đã phát huy cao độ nội lực về lao động, đất đai, tri thức... để thu hút vốn đầu tư nước ngoài thúc đẩy sự phát triển.

5 thập kỷ với những giải pháp phù hợp Lâm Đồng vừa đảm bảo ổn định xã hội, vừa phát triển kinh tế và trở thành động lực, cực tăng trưởng của cả vùng Tây Nguyên.

VƯƠN MÌNH

Như dòng sông lớn không ngừng chảy, đất nước luôn chuyển mình. 50 năm qua hay hôm nay vẫn thế, Lâm Đồng vẫn luôn gắn chặt mình trong sự chuyển mình ấy.

Lâm Đồng coi phát triển nông nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.

Lâm Đồng hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Lâm Đồng hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Với ngành nông nghiệp, Lâm Đồng tập trung đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo hướng thông minh. Sau 20 năm tiên phong trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện Lâm Đồng có 69.637 ha sản xuất công nghệ cao (chiếm 21,2% diện tích canh tác toàn tỉnh); có 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; trên 465 ha ứng dụng công nghệ thông minh, tập trung trên rau, hoa, dâu tây và chè… Đây là cơ sở để Lâm Đồng từng bước hướng tới trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.

Đến cuối năm 2024, Lâm Đồng đã chào đón vị khách du lịch thứ 10 triệu. Đây là minh chứng rõ nét cho sự phát triển vượt bậc của ngành Du lịch, đồng thời khẳng định những nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch Lâm Đồng đến bạn bè quốc tế. Tỉnh Lâm Đồng phấn đấu trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Lâm Đồng hiện xuất khẩu 35 triệu cây giống invitro sang các quốc gia trên thế giới

Lâm Đồng hiện xuất khẩu 35 triệu cây giống invitro sang các quốc gia trên thế giới

Lâm Đồng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, gắn với tiềm năng, vùng nguyên liệu sẵn có như: năng lượng tái tạo, chế biến nông sản, khai thác, chế biến alumin… Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy tại Khu công nghiệp Lộc Sơn 85,1%, Phú Hội 75,8%, còn tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp 56%. Lâm Đồng đang thu hút 117 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 7.615 tỷ đồng và hơn 140 triệu USD…

Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Với những gì đã và đang có trên và những yếu tố quan trọng khác đã được xác định, Lâm Đồng quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 9 đến 10% trong năm 2025. Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học khẳng định: “Mục tiêu này là hoàn toàn có thể đạt được dựa vào những tiềm năng và lợi thế”.

Để phát triển, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư và phát triển khoa học và công nghệ toàn diện trên các lĩnh vực. Cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, giai đoạn 1 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh. Bên cạnh đó địa phương cũng tiếp tục nâng cấp quốc lộ nối Lâm Đồng với các tỉnh lân cận, xây dựng cảng cạn tại huyện Đức Trọng và nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Liên Khương...

Lâm Đồng cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư bằng việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” nhất là về bộ máy và quy hoạch, đồng thời nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư, quảng bá và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính… Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái đã chỉ đạo rà soát kỹ và tiến hành thu hồi các dự án không triển khai, không đủ nguồn lực. Đồng thời kiểm tra tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cho các dự án để thu hút các nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái khẳng định: “Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ được phát huy, trở thành một trụ cột động lực để các ngành kinh tế của Lâm Đồng có thể phát triển đột phá”. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là “kim chỉ nam” để Lâm Đồng phát triển khoa học công nghệ. Tỉnh dành ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, quyết tâm tạo ra một môi trường số hóa đồng bộ và hiệu quả… Tất cả những giải pháp đồng bộ đầy trăn trở và tâm huyết đó nhằm hướng tới mục tiêu đưa Lâm Đồng bứt phá và vượt lên.

Sẽ có rất nhiều việc phải làm và phải làm quyết liệt bởi vậy Lâm Đồng cần đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm, sẵn sàng hành động mạnh mẽ vì sự phát triển của tỉnh. Vì vậy Quyền Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt phương châm: “Đúng quyết làm - sai phải tránh; tốt quyết làm - xấu phải tránh; nên quyết làm - hư phải tránh”. Đồng thời quyết tâm, quyết liệt trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đó là những "liều thuốc đủ mạnh" để trị "căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp, có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…" như quán triệt của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Lâm Đồng cần đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm, sẵn sàng hành động mạnh mẽ vì sự phát triển của tỉnh

Lâm Đồng cần đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm, sẵn sàng hành động mạnh mẽ vì sự phát triển của tỉnh

Chuyến tàu vươn mình của đất nước đang tăng tốc, những gì đã và đang có của 50 năm qua là nền tảng để giờ đây Nam Tây Nguyên vững tâm thế, sẵn sàng cùng đất nước vươn mình.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202504/nam-tay-nguyen-chuyen-minh-sau-nua-the-ky-51743e4/