Nam thần lục bát
Hắn là Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông đang nổi, tuổi năm mươi mốt. Khi đã đi qua hơn một phần hai cuộc đời, hắn chợt nhận ra mình có năng khiếu đặc biệt về thơ lục bát.
Ấy là buổi sáng trời bồng bềnh mây trắng, đất óng ánh nắng vàng, tâm hồn bỗng dưng lãng đãng, mơ màng, hắn ngẫu hứng làm bài thơ lục bát bốn câu đăng lên Facebook thì trong một tiếng đồng hồ ngắn ngủi đã nhận được 438 like, 306 comment và 76 lượt share đầy quý báu. Những con số biết nói đó chưa có dấu hiệu dừng lại. Hóa ra, thơ mình vẫn “ngửi” được.
Hắn thấy trong lòng sướng rơn, tựa như đứa trẻ được bố mẹ mua cho đồ chơi mới. Cả ngày, cái đầu hắn không tài nào tập trung vào mớ giấy tờ, sổ sách đang chất đống ngồn ngộn trên bàn được. Thi thoảng, hắn vừa lướt Face đọc bình luận, vừa cười tủm tỉm. Tuyệt nhiên chẳng có một lời chê nào. Chỉ toàn khen là khen. Từng lời khen như thấm vào gan, vào ruột hắn, mát mẻ, ngất ngây. Chao ôi, mình sắp thành nhà thơ rồi!
Kể từ đó, hắn bỏ hẳn những thú vui thường nhật như chơi chim, cầu lông, bia rượu, vân vân và vân vân, để đầu tư trọn vẹn thời gian, tâm huyết cho sáng tác thơ. Mục tiêu của hắn là mỗi ngày hoàn thiện ít nhất một bài thơ đăng lên Facebook.
Hắn làm thơ nhanh đến mức tốc độ gió còn phải gọi hắn bằng cụ. Có khi điếu thuốc trên môi chưa kịp tàn, câu chữ đã ùa ra từng đàn, từng đống. Vài lần, hắn thử gửi thơ đến các tòa soạn báo Trung ương nhưng kết quả hoặc rơi vào lãng quên, hoặc bị thẳng thừng từ chối. Hắn cay cú nghĩ, lũ biên tập viên kia đúng là đầu óc nông cạn, thiển cận mới không cảm nổi cái hay trong thơ mình. Điều ấy không những không làm hắn chùn bước, ngược lại còn thôi thúc hắn “đẻ” nhiều thơ hơn.
Và Facebook luôn là bà đỡ mát tay cho những đứa con tinh thần của hắn, vừa nhanh, vừa tiện. Fan của hắn trên Facebook ngày một đông đảo, là minh chứng sống động nhất cho giá trị thơ ca đích thực mà hắn mang đến cuộc sống ngập tràn sắc màu này.
Tự cổ chí kim, từ Tây sang Đông, những bậc thi sĩ trứ danh đều được công chúng tôn vinh bằng những danh xưng cao quý. Lý Bạch là “Thi tiên”. Puskin là “Mặt trời thi ca Nga”. Hồ Xuân Hương là “Bà Chúa thơ Nôm”. Xuân Diệu là “Ông hoàng thơ tình”… Vậy mình sẽ là gì đây?
Hắn vò đến tóc đứt, bứt đến đỏ tai mà vẫn chưa nghĩ ra một danh xưng xứng tầm thơ hắn. Chủ nhật, hắn mở một cuộc họp kín tập hợp các giáo viên giỏi nhất lại tìm lời giải cho bài toàn danh xưng. Các giáo viên bàn luận đến toát mồ hôi hột, hy vọng tìm ra đáp án khiến hắn hài lòng.
Đầu tiên, trọng trách này bị đè nặng lên đôi vai gầy guộc của giáo viên Văn. Giáo viên Văn ấp úng trả lời mà không dám nhìn mặt hắn: “Thú thực, những thứ Hiệu trưởng viết chưa thể gọi là thơ được ạ”. Không kìm nổi cơn tức bực phừng phực dâng lên, hắn đập bàn bồm bộp: “Cô có thấy xấu hổ khi nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố môn Văn không hả?”. Sự hùng hổ của hắn khiến giáo viên Văn tái mét mặt. Không khí trở nên vô cùng ngột ngạt!
Chiếc đồng hồ treo tường tích tắc từng nhịp nặng nề. Những cái đầu vẫn đang quay cuồng để tìm ra một danh xưng đủ sức nặng. Giáo viên Sinh gọi hắn là “Nhà thơ F1”. Giáo viên Hóa gọi hắn là “Hạt nhân của thi ca”. Giáo viên Sử gọi hắn là: “Thi sĩ của thiên niên kỷ mới”. Giáo viên Công nghệ gọi hắn “Cỗ máy thơ siêu tốc”. Giáo viên Lý gọi hắn là “Chiếc ròng rọc nghệ thuật”. Giáo viên Giáo dục công dân gọi hắn là “Nhà thơ của mọi nhà thơ”.
Mỗi cái tên đều có những ưu và nhược điểm riêng nên hắn chưa thực sự thỏa mãn. Hắn đảo mắt lên trần nhà đắn đo cân nhắc. Bỗng dưng, hắn nhìn thấy giáo viên Thể chất đang len lén kê điện thoại dưới gầm bàn xem phim. Hắn nghiêm giọng:
- Giáo viên Thể chất, cô có đề xuất nào mới mẻ hơn không?
Sau một lát lúng túng suy nghĩ, giáo viên Thể chất liến thoắng:
- Lấy tên “Nam thần lục bát” có được không ạ? Thưa sếp, dạo này phim ngôn tình đang hot lắm ý. Cái tên “Nam thần lục bát” có thể diễn tả được độ đẹp trai ngời ngời, chí khí ngất trời cũng như tài năng thơ lục bát có một không hai của sếp.
Duyệt! Một danh xưng tuyệt vời! Cuộc họp kết thúc. Hắn liếc xéo giáo viên Văn một cái sắc lẹm rồi bóng gió xa xôi:
- Có những giáo viên trình độ thấp lại cứ đổ lỗi cho học sinh không đam mê môn học của mình. Nên xem xét lại.
Đố ai tìm ra thứ gì gây nghiện hơn thơ trên Trái Đất này? Đến cả nghiện ma túy còn có cách cai chứ một khi đã nghiện thơ thì mấy ai bỏ được? Hắn làm thơ điên cuồng suối lũ. Ngày nào không sản xuất được thơ, ngày đó hắn thấy ngứa ngáy da đầu, tay chân bứt rứt. Chẳng quản ngại mưa hay nắng, đêm hay ngày, phòng Giám hiệu đàng hoàng hay nhà vệ sinh bẩn thỉu, hắn khai sinh thơ bất chấp thời tiết, thời gian, địa điểm.
Khi đôi mắt đã ngập tràn niềm say mê thì nhìn đâu cũng thấy thơ tràn trề, lai láng. Người hâm mộ vẫn mong thơ “Nam thần lục bát” như cánh đồng khô hạn khao khát mưa rào. Để rồi, như thể chỉ đợi khoảnh khắc Facebook “Nam thần lục bát” đăng thơ, người người ào vào bình luận rộn ràng, hoan hỉ: “Thơ anh là tiếng nói của một trái tim nhân ái; Em chưa từng đọc thơ ai hay như thơ thầy; Bài thơ đã tiêu tốn của tôi cả lít nước mắt; Thượng Đế tạo ra bác đã trao cho bác sứ mệnh làm nhà thơ; Đỉnh cao thơ ca chính là đây; Nam thần lục bát number one…”. Đúng là lời rẻ rúng như bèo, lựa lời khen mãi cho lòng vèo nhau vui!
Và rồi, trong các buổi chào cờ, thay vì bàn luận các vấn đề dạy và học thì thơ trở thành một tiết mục chủ đạo. Tuần nào cũng như tuần nào, kịch bản không thể vắng bóng thơ: Thơ là gì? Thơ là hơi thở cuộc sống. Thơ là nhịp đập con tim. Thơ là phút trở mình của nỗi nhớ. Thơ là nơi ký ức hồi sinh. Một người dù có kiến thức uyên thâm và vốn từ giàu đẹp nhường nào cũng đâu thể định nghĩa đầy đủ về thơ?
Với tôi, thơ giống như con cáo trắng chín đuôi trong truyền thuyết, thoắt cái hóa thành mĩ nữ khiến nhiều người khao khát, trầm trồ thì trong nháy mắt đã hiện nguyên hình là một ả hồ ly làm bao kẻ hoảng hồn, khiếp sợ. “Nam thần lục bát” cứ thao thao bất tuyệt một thôi một hồi cho đến lúc các giáo viên tròn xoe mắt nhìn nhau, các em học sinh há miệng ngáp tròn ngáp méo thì thay đổi không khí và kết thúc buổi chào cờ bằng một bài thơ hắn mới sáng tác.
Dù chỉ mới bước vào con đường văn chương chưa đầy một năm nhưng gia tài của “Nam thần lục bát” được xếp vào hàng đồ sộ với gần năm trăm bài ngắn dài các kiểu. Con số khổng lồ ấy, có người làm thơ cả đời còn chưa theo kịp ấy chứ! Hắn hãnh diện lắm. Giờ đi đâu, hắn cũng được người ta gọi là nhà thơ “Nam thần lục bát”.
Lắm hôm, hắn đang đi trên đường thì học sinh ùa đến mở sổ ríu rít xin chữ ký, hệt như trong tivi. Bao giờ cũng thế, hắn sẽ chỉnh lại chiếc cà vạt thật ngay ngắn. Rồi bằng phong thái tự tin, đĩnh đạc, hắn hí hoáy ký tặng từng em một và không quên gửi đến các em những lời chúc ngọt ngào, thân thiện. Học sinh trường mình hâm mộ mình thế, sao kỳ thi khảo sát tới đây, mình không thử đưa thơ mình vào đề Văn nhỉ? Hắn búng tay một tắc rồi lắc lắc cái đầu hói trơn nhẵn: “Ý tưởng hay! Ý tưởng hay!”.
Giáo viên Văn hôm nọ được tạo cơ hội lập công chuộc tội. “Thơ tôi đấy, cô ra cái đề nào hay hay một chút”. Giáo viên Văn trộm nghĩ, thơ thậm tệ mà yêu cầu phải ra đề thật hay thì khác nào đưa mình nắm mầm đá rồi bắt chế biến thành mười món thơm ngon hảo hạng. Lắc đầu từ chối, cô vẫn cương quyết khẳng định thơ hắn chưa phải là thơ. Đấy là áp dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh rồi nhé.
Có lẽ, cô là người duy nhất tính đến thời điểm hiện tại dám chê thơ hắn thẳng đuột ruột ngựa thế này. “Nam thần lục bát” tức anh ách, nhưng lần này, hắn kiềm chế được. Hắn hằn học nghĩ, trường này còn tồn tại những giáo viên Văn bảo thủ, mù mờ như cô, thảo nào tâm hồn học sinh ngày càng cằn cỗi. Mới nhận danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh mà ta đây tưởng rằng đứng trên đỉnh cao danh vọng! Lời chê của cô cũng chỉ là giọt - nước - cống bé nhỏ trong đại dương lời khen thơ tôi thôi! Được rồi, cô không đủ năng lực thì tôi giao cho người khác. Đầy người xếp hàng chờ tôi trao cơ hội, nhé!
Và thế là, bỏ qua những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên…, cái tên “Nam thần lục bát” chễm chệ xuất hiện trong phần nghị luận văn học của cả ba khối với câu hỏi chung: “Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên và tiếng lòng nhân vật trữ tình qua thi phẩm “Vào thu”: “Cây bàng đón gió là đà/ Lá vàng rụng xuống vậy là vào thu/ Sân trường ai khóc hu hu/ Nghỉ hè chưa đã mà thu đã vào”.
Một đề thi độc nhất vô nhị chưa giáo viên nào từng bình giảng, chưa tài liệu nào từng nhắc qua. Học sinh mặt méo xệch, méo xẹo. Lệch tủ! Lệch tủ rồi! Biết viết gì đây? Phòng thi rung lên tiếng lốc cốc, lào rào. Ban đầu giám thị coi thi tưởng phòng có chuột, nhưng nhìn kỹ hóa ra là các em đang gặm bút. Bút đâu cho lại để gặm hết 90 phút dài dằng dặc?
Kết quả kỳ thi khảo sát môn Văn thấp kỷ lục với hơn 75% học sinh dưới điểm trung bình. Gần 25% còn lại là những học sinh bị sâu răng hoặc viêm lợi không gặm được bút nên vì nuối tiếc thời gian vàng bạc mà dặn lòng cố gắng vẽ hươu vẽ vượn kín mít ba đến bốn tờ giấy đôi. Này thì cảnh thiên nhiên quá đỗi hài hòa, sống động. Này thì tâm hồn nhà thơ thật tinh tế, đa sầu…
Vừa viết, đa số các em vừa tự hỏi, khi làm bài thơ củ chuối này, tác giả có cùng suy nghĩ với mình chăng? Những tưởng với cương vị lãnh đạo, “Nam thần lục bát” sẽ lo lắng, sốt sắng lắm. Trái lại, hắn tỏ ra rất khoái chí. Chứng tỏ thơ mình đã đạt đến độ hàn lâm đa tầng, đa nghĩa. Mặc dù mình sáng tác nó chỉ mất 9 phút nhưng muốn hiểu tận cùng cái hay của nó thì 90 phút đâu dễ gì khai thác hết được?
Sau kỳ thi khảo sát, nhà trường nhận được công văn về việc tinh giản biên chế khiến ai nấy đều nháo nhào như ong vỡ tổ. Thật kỳ lạ, từ khi có cái công văn ấy, lượt like, comment và share thơ “Nam thần lục bát” trên Facebook vùn vụt tăng chóng mặt. Giờ chẳng cần hắn chỉ đạo nữa, các giáo viên bất cứ bộ môn nào cũng đều tự biết khéo léo lồng ghép thơ hắn vào các bài kiểm tra trên lớp, hình thành rộng rãi trào lưu nịnh thơ.
Chẳng hạn, giáo viên Lý ra đề: “Biết vận tốc nước mắt rơi của nhân vật trữ tình đang khóc hu hu trong “Vào thu” là 3m/s và người đó cao 3m bẻ đôi. Tính thời gian để giọt nước mắt chạm chiếc lá bàng vừa rụng xuống dưới chân?”. Giáo viên Sinh thì trích nguyên bài thơ “Vào thu” kèm câu hỏi đầy thử thách: “Tại sao lá bàng và các loại lá khác thường chuyển màu vàng khi rụng?”.
Đề kiểm tra của giáo viên tiếng Anh thì ngắn gọn hơn nhưng đủ độ hóc búa khiến học sinh tá hỏa: “Translate the poetry “Vào thu” into English”. Giáo viên Giáo dục công dân nhẹ nhàng hơn chút: “Về một bài học cuộc sống mà em tâm đắc sau khi đọc xong “Vào thu””.
Duy chỉ có giáo viên Ngữ văn nọ nhất quyết một mình một ngựa, chẳng chịu chấp nhận hòa tan vào trào lưu cuồng thơ “Nam thần lục bát” mà cô cho rằng đó là trò nịnh bợ trơ trẽn, lố lăng. Nhiều đồng nghiệp khuyên cô học cách nhắm mắt tâng bốc thơ hắn hoặc ít ra hãy giữ mồm, giữ miệng để mọi chuyện trôi chảy, trơn tru. Nhưng cô vẫn chọn con đường gập ghềnh, trúc trắc. Hậu quả, khi sắp hết hạn hợp đồng, cô bị sa thải vì lý do bằng tốt nghiệp chỉ đạt loại trung bình khá.
Hắn giải thích, cô thực lực giỏi giang thế nào, tâm huyết ra sao, đã nhận bao nhiêu bằng khen nọ, giải thưởng kia cũng không thể xóa đi hai chữ trung bình trên tấm bằng của cô để nó trở thành loại khá được. Suốt đời cô nỗ lực bằng mười người khác cũng vẫn xếp dưới loại khá mà thôi. Ngoài kia, còn rất nhiều thủ khoa xuất sắc ngành Sư phạm đợi thế chân cô. Cô nên nhớ điều đó!
Loại đi được cái gai trong mắt, “Nam thần lục bát” thở phào nhẹ nhõm. Một trưa mưa giăng nhè nhẹ, hắn vừa làm xong mấy bài thơ thì giáo viên Toán gõ cửa phòng tặng hắn Tuyển thơ của Tomas Transtromer kèm lời giới thiệu: “Tác giả đoạt giải Nobel Văn chương năm 2011 đấy, sếp ạ”. Hắn giở một trang bất kỳ. Bài thơ “Tháng Tư và im lặng”, hiện ra với những câu mở đầu thế này: “Mùa xuân hoang vu/ Một rãnh nước màu nhung sẫm/ Bò sát bên cạnh ta/ Không hình phản ánh”.
Hắn thốt lên, trời ơi, thơ thẩn kiểu gì mà khô như ngói, không vần, chẳng nhịp. Hắn hào hứng nhìn giáo viên Toán, hãy xem bài thơ “Hoa tháng Tư” của tôi đây: “Tháng Tư phượng nở bập bùng/ Ta ngồi ta nhớ cánh rừng thuở xưa/ Bằng lăng vừa nở lưa thưa/ Ta ngồi ta nhớ thuở chưa mọc rừng”. Giáo viên Toán hí hửng vỗ tay đôm đốp: “Thơ hay! Thơ hay! Bài thơ của ông Tomas kia chỉ như một bản fake bài thơ của sếp thôi ạ. Sếp cũng xuất bản một tuyển thơ đi sếp. Em ủng hộ sếp!”.
Xuất bản thơ để làm gì? Chung hàng rào với nhà hắn là nhà một hưu trí làm thơ. Ông ta không chơi Facebook nên chưa biết hắn là “Nam thần lục bát” lẫy lừng, đình đám. Năm thì mười họa, có những bài thơ cỏn con được chiếu cố đăng trên các tờ báo nho nhỏ, ông ta lại tong tả sang nhà hắn rình rang khoe mẽ. Hắn phải uốn lưỡi nặn cho ra lời khen giòn tai chút chút, ông ta mới chịu về. Đợi ông ta khuất bóng, hắn lầm bầm: “Gớm! Thơ ấy chỉ đáng lót mâm hoặc gói xôi thôi!
Tháng trước, ông ta bỏ cả chục triệu để in một cuốn thơ mỏng dính rồi rêu rao mãi chẳng bán được nên đành phải mang đi tặng cùng quê, khắp phố vẫn chưa hết. Chuyện vỡ lở, biết ông lập “quỹ đen” in thơ, mụ vợ sư tử lên cơn tam bành banh tành khói lửa suýt mang cả đống thơ xếp trong xó buồng của ông ta ra hỏa thiêu. May mà hàng xóm kịp thời ngăn cản”.
Chấp ông ta lắp mười cái moteur vào thơ cũng đừng mơ sánh kịp “Nam thần lục bát”. Một bên vô danh tiểu tốt, một bên sở hữu lượng fan hùng hậu lên đến hàng nghìn người. Quá chênh lệch đẳng cấp. Sau nhiều đêm vắt tay lên trán đau đáu nghĩ suy, hắn dự định in một ấn phẩm thơ đặc sắc năm nghìn bản trên khổ giấy lớn chống thấm nước, mỗi bài thơ đều có một minh họa bắt mắt, tươi vui.
Nhà xuất bản báo giá chi phí trọn gói là năm mươi triệu đồng. Hắn lẩm nhẩm, riêng số lượng giáo viên và học sinh trường mình đã hơn ba nghìn rồi, chưa kể những người muốn mua hai đến ba, thậm chí là mấy chục cuốn. Còn ngồi chiếc ghế nóng, sợ gì ế thơ? Có mà sợ cháy hàng không đáp ứng nổi nhu cầu của độc giả ấy! Một cuốn bán ra lãi hai mươi nghìn, nếu bán hết năm nghìn bản, vị chi đã lãi một trăm triệu ngon ơ.
Những tưởng sự nghiệp thơ ca sẽ ngày càng thuận gió, xuôi buồm thì một scandal liên quan đến sai phạm trong quy trình tuyển dụng bất thình lình ập tới khiến “Nam thần lục bát” trở tay không kịp, bị cách chức xuống làm giáo viên bình thường. Đúng lúc ấy, mẻ thơ năm nghìn bản ra lò, nóng thơm hôi hổi. Hắn khẩn trương chụp ảnh hai mươi thùng carton đựng đầy sách kèm theo một bài thơ khuyến mãi post Facebook quảng cáo.
Nào ngờ lượng tương tác tụt dốc không phanh. Sau một ngày chỉ nhận được 12 like bọt bèo, 4 comment èo uột và không có lượt share nào. Người hâm mộ rút nhanh như nước vào ruộng nẻ. Hắn ngồi buồn rũ buồn rượi như mực một nắng. Đời bạc bẽo quá mà! Những giáo viên từng tung hô thơ hắn, những học sinh từng chen chúc xin hắn chữ ký, họ vẫn ở đó nhưng lòng dạ đã đổi thay? Hắn chua chát nhận ra, chất lượng thơ hắn tỉ lệ thuận với cái địa vị của hắn theo từng thời kỳ. Thơ ơi là thơ!
Nếu thơ dễ tiêu thụ như hắn từng nghĩ thì cả xứ này đã đồng loạt bỏ kinh doanh, bỏ làm ruộng rồi dìu dắt nhau đi làm thơ rồi! Thơ hắn, bán không ai thèm mua, tặng không ai muốn nhận. Thơ tấp thành đống ngất nghểu, ngổn ngang chiếm hết diện tích ngôi nhà. Phòng ngủ thơ. Phòng khách thơ. Phòng bếp thơ. Gác xép thơ. Thơ, thơ, thơ và thơ. Thơ làm giường ngủ cho mèo. Thơ làm thức ăn cho chuột. Thơ làm sân bay cho gián. Thơ làm bãi xả thải cho chim.
Vợ hắn làu bàu quở trách: “Đang yên đang lành lại phải gió muốn thành nhà thơ để giờ trong nhà nhìn đâu cũng ra rác”. “Cái gì? Cô dám gọi sản phẩm kết tinh từ trí tuệ và tâm hồn của tôi là rác?”. “Chả thế còn gì, có giỏi thì ông tiêu hủy cái đống rác này đi cho tôi lấy oxy hít thở”. Đến lúc khó khăn hoạn nạn, chẳng nói đâu xa, ngay cả người vợ mấy chục năm kề gối, chung chăn cũng xẵng giọng coi thường. Thế mới thấm thía chỉ có thơ là tri âm, tri kỷ. Thơ ơi! Thơ ơi!
Thơ là nguồn sáng mãnh liệt thắp lên niềm tin yêu cuộc sống trong tâm hồn “Nam thần lục bát”. Một chiều thong dong tản bộ trên đường phố tìm cảm hứng, hắn bắt gặp một chiếc tủ quần áo từ thiện đề dòng chữ: “Ai thừa thì ủng hộ, ai thiếu đến lấy về”.
Ngay lập tức, ý tưởng làm một tủ sách từ thiện tương tự lóe lên trong đầu hắn. Nghĩ và thực hiện luôn. Sáng hôm sau, hắn thuê xe tải chở chiếc tủ kính đựng chật ních thơ hắn cùng những cuốn kinh điển giấy đã lốm đốm ố vàng như “Chiến tranh và hòa bình”, “Tội ác và trừng phạt”, “Cuốn theo chiều gió”, “Giết con chim nhại”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, “Trà hoa nữ”… đặt ngay góc vỉa hè cạnh ngã tư đường kèm thông điệp: “Tiện tay thì lấy bạn ơi/ Đọc thơ để thấy cuộc đời đẹp ghê”.
Xong xuôi, hắn tưng tửng tưởng tượng cảnh những trí thức đeo kính nghiên cứu thơ hắn làm luận văn, luận án, những hưu trí kê thơ hắn đầu giường, những lao công mê thơ hắn vấn vương, những học trò đọc thơ hắn quên cả chơi điện tử. Nghĩ đến đó bao nhiêu cái muộn phiền trong đời bỗng dưng tan biến hết. Mình sẽ là một nhà thơ quốc dân!
Mấy ngày trôi qua, những cuốn sách vẫn gần như nguyên vẹn trong chiếc tủ chật chội. Xe cộ nườm nượp lại qua, người tò mò thì lật vài trang xem thử rồi vứt chỏng chơ không theo thứ tự, kẻ bận rộn thì liếc mắt nhìn tủ sách như người dưng nước lã rồi rảo bước vội vàng chẳng chút bận tâm. Tủ sách lặng lẽ đứng đó, dãi gió, dầm sương, hoang mang sống một cuộc đời vô danh, vô nghĩa.
“Nam thần lục bát” thấy hụt hẫng, nhói đau như thể có mũi dao khoét rỗng con tim. Số phận những cuốn sách miễn phí không được đứng chung hàng với quần áo miễn phí, thức ăn miễn phí. Hắn thườn thượt thở dài, cũng đúng thôi, khi cuộc sống quá xô bồ, bức bối, người ta chưa đủ cái mặc, miếng ăn thì lấy đâu ra thời gian để đầu tư tâm sức đọc những cuốn sách dày cả gang tay?
Như một giấc mơ dịu ngọt, chiều ấy, sau khi tản bộ ba vòng quanh công viên, “Nam thần lục bát” quay lại thăm tủ sách từ thiện thì thật bất ngờ, cả một lô một lốc thơ hắn đã “bay hơi” hết sạch. Nơi đáy tủ, những cuốn kinh điển vẫn co cụm gối đầu lên nhau như muốn hợp sức lên tiếng than thân trách phận hẩm hiu, quạnh quẽ. Một thứ cảm giác lạc quan khoan khoái trào lên trong lồng ngực hắn như rau muống gặp mưa.
Đấy nhé, tiểu thuyết của đại văn hào Lev Tolstoy người ta chẳng thèm đoái hoài mà thơ mình lại thành đặc sản. Ở nhà còn mười sáu thùng thơ nữa, mình sẽ chuyển ra đây dần dần. Chiến thuật thả con săn sắt, bắt con cá rô này xem ra sẽ hiệu nghiệm đây. Một khi công chúng đã nghiện thơ mình thì lần sau dù thơ đắt đến mấy, họ cũng sẽ vui vẻ móc hầu bao ra mua thôi.
Rồi một hôm, như thói quen thường lệ, Nam thần lục bát ghé thăm tủ thơ thì ngẫu nhiên phát hiện một thằng bé gầy gò, đen nhẻm đang bốc thơ hắn, tấp đầy lút chiếc xe mu rùa, đẩy đi đâu đó. Hắn lẳng lặng theo sau như thám tử trong truyện trinh thám.
Men dọc lối mòn đất đỏ, xe thơ ì ạch tiến vào một xóm liều nằm ven công trình nghìn tỷ bị bỏ hoang. Hắn đứng bên gốc sấu già, đợi xem thằng bé sẽ đối xử thế nào với thơ mình. Khi thằng bé bắt đầu thoăn thoắt xé toạc từng trang thơ ra, hắn trố mắt kinh hoàng, hơi thở dập dồn, gấp gáp. Trời ơi, nó đang làm gì vậy? Tiếp đến, thằng bé vừa dán thơ hắn lên những cái lỗ thủng nhin nhít trên bức vách thưng tạm bằng thứ tôn gỉ sét, vừa thỏ thẻ nói:
- Mẹ ơi, có giấy chống thấm nước này thì mùa mưa đến không lo bị dột ướt nữa, mẹ nhỉ?
Im lặng…
Lát sau, một người phụ nữ từ trong ngôi nhà u uẩn rệu rã bước ra, đầu tóc bù xù, đôi mắt thất thần, quần áo cũ sờn, miệng mút chùn chụt những ngón tay cáu bẩn. Sửng sốt, “Nam thần lục bát” dùi dụi mắt để nhìn rõ hơn. Kia chẳng phải là… là… Hắn chợt ớn lạnh sống lưng như lên cơn sốt rét. Và hắn khuỵu xuống, dằn vặt vò đầu: Thơ mình có thực là thơ?
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/nam-than-luc-bat-551040/