Năm tháng không quên
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tuy đã kết thúc 47 năm nhưng với mỗi người con đất Việt, nhất là những người sống trong “Những năm băng đạn vàng như lúa đồng” thì cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh và ngày 30.4.1975 mãi vẹn nguyên trong ký ức. Ngày 30.4 năm ấy mãi mãi là mốc son tự hào trong lịch sử dân tộc, đưa dân tộc Việt Nam bước sang một trang mới.
*Những ngày “đội bom mà sản xuất”
Ông Nguyễn Anh Thạc trao đổi thông tin thời sự với đồng chí Bí thư chi bộ thôn Nghĩa Giang, xã Toàn Thắng (Kim Động)
Trong ký ức của ông Nguyễn Anh Thạc, ở thôn Nghĩa Giang, xã Toàn Thắng (Kim Động), nguyên Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Kho vận Công ty Đay thì cuối những năm 60 của thế kỷ trước, vùng đất Hải Hưng ngày ấy nằm trên đường máy bay Mỹ từ Biển Đông vào đánh phá Thủ đô Hà Nội; hơn nữa, Quốc lộ 5 - tuyến giao thông huyết mạch của miền Bắc, là mục tiêu để giặc Mỹ bắn phá. Có những ngày, máy bay địch quần đảo nhiều lần, thả bom, nã đạn vào các cầu, cống, trục đường giao thông, những nơi mà chúng cho là tập kết khí tài quân sự, hàng hóa và sản xuất công nghiệp của ta. Thời kỳ này Nhà máy Đay ở cả 2 thị xã Hải Dương, Hưng Yên đều bị bom đạn đánh phá. Nhưng vì đất nước, vì miền Nam ruột thịt, nông dân trồng đay và cán bộ, công nhân Nhà máy Đay quyết tâm thực hiện khẩu hiệu “Đội bom mà sản xuất”. Khi có báo động thì xuống hầm trú ẩn, không còn nghe tiếng máy bay Mỹ, anh chị em lại lên mặt đất, tiếp tục làm việc… Ông Thạc còn nhớ như in ngày ông cùng đồng nghiệp đi Hà Nội làm giấy tờ xuất khẩu hàng. Dù đã chọn cung giờ rất ít khi giặc Mỹ đưa máy bay vào đánh phá Hà Nội để sang sông, nhưng khi đi đến giữa cầu Long Biên thì bất ngờ nghe tiếng báo động, ngay sau đó là một đội máy bay lao tới, nã bom xuống khu vực Long Biên. Ông cùng đồng nghiệp chỉ kịp ôm số giấy tờ, nằm áp xuống lòng cầu. Thật may, hôm đó cả người và tài liệu đều an toàn.
Trưa ngày 30.4.1975, vừa lúc cán bộ, công nhân chuẩn bị tan ca, thì đài phát thanh vang lên bản tin thông báo “Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng”. Mấy chục anh chị em khu vực văn phòng nhà máy ngừng hết mọi việc, vui mừng, hò reo chiến thắng. Ra đường, nhiều đoàn người cầm cờ nối đuôi nhau đi cổ động, ăn mừng, cảm giác thật khó tả.
Nhiều ngày sau đó, cảm xúc vui sướng, không khí rộn ràng vẫn được lưu giữ, như động lực tinh thần giúp mọi người hăng say học tập, lao động, sản xuất, cùng đất nước vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả chiến tranh, đưa đất nước từng bước chinh phục những mục tiêu mới. Hàng hóa của Công ty Đay tiếp tục vươn xa đến những thị trường mới.
Năm 1988, ông Nguyễn Anh Thạc được nghỉ chế độ, trở về địa phương tiếp tục tham gia đóng góp cho sự phát triển của Chi bộ thôn Nghĩa Giang. Nay đã ở tuổi 91, được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, ông vẫn minh tiệp, thể hiện tinh thần tuổi cao gương sáng, động viên con, cháu đóng góp cho sự phát triển chi bộ Đảng và kinh tế - xã hội của thôn Nghĩa Giang trong thời kỳ mới.
* Nhớ mãi một thời hoa lửa!
Cựu chiến binh Hà Xuân Bình, xã Việt Hòa (Khoái Châu)
Lần dở những kỷ vật được cựu chiến binh Hà Xuân Bình ở xã Việt Hòa (Khoái Châu) mang về từ chiến trường, ký ức về những năm tháng chiến tranh ác liệt mà ông và đồng đội đã đi qua trở về trong từng câu chuyện kể.
Tháng 12.1971, chàng thanh niên Hà Xuân Bình 17 tuổi đang theo học năm thứ 2 Trường trung cấp sư phạm Hải Hưng (cũ) đã xếp bút nghiên viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ông nhớ lại: Tôi được biên chế vào đơn vị C23, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, đóng quân ở huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc (cũ). Sau một thời gian huấn luyện, tháng 2.1972, đơn vị được lệnh hành quân vào miền Nam chiến đấu.
Sau khi tham gia cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, đơn vị ông được lệnh tập kết, đóng quân tại khu vực gần cầu Lai Phước (Quảng Trị). Tháng 3.1975 đơn vị ông tiếp tục tiến quân, đánh vào khu vực các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng. Đầu tháng 4.1975, đơn vị nhận được lệnh hành quân thần tốc tấn công theo hướng Đông Nam của Chiến dịch Hồ Chí Minh để vào Sài Gòn. Ông Bình xúc động kể lại: Tối ngày 28 và ngày 29.4, Sư đoàn 325 của chúng tôi tiến công làm chủ chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, áp sát bến phà Cát Lái (Đồng Nai), sau đó phát triển, đánh chiếm các quận 4, 9 của Sài Gòn. Lúc này chúng tôi nhận lệnh chốt giữ bảo vệ kho lương thực tại Sài Gòn để các đơn vị khác làm nhiệm vụ tiến công vào dinh Độc Lập. Ngày 30.4, quân ta giành chiến thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, ai cũng vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, quên hết nhọc nhằn, gian khổ mấy mươi năm, những đồng đội ôm chầm lấy nhau, nhảy lên reo hò sung sướng. Phố phường Sài Gòn rực rỡ cờ, hoa, hai bên đường rất đông người dân tay cầm cờ, cầm hoa vẫy chào đoàn quân chiến thắng.
Sau những năm tháng chiến đấu, gửi lại tuổi xuân nơi chiến trường, năm 1976, ông Bình trở về với cuộc sống đời thường. Là thương binh hạng 4/4, ở tuổi 68, di chứng từ trận sốt rét rừng và chất độc da cam khiến sức khỏe của ông bị giảm sút, nhưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tinh thần gương mẫu của đảng viên vẫn ngời sáng trong ông. Khi trở về địa phương, từng là Phó Bí thư Đoàn xã, Phó Chủ tịch UBND xã... ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1993, ông được UBND tỉnh Hải Hưng (cũ) tặng danh hiệu "Người công dân kiểu mẫu". Giở cho chúng tôi xem những phần thưởng cao quý ông đã được nhận như: Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Chiến sỹ Giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba… ông không giấu nổi sự xúc động và niềm tự hào.
* Qua gian khổ mới thấy hết giá trị của độc lập, thống nhất
Bà Hoàng Thị Thư với những kỷ vật một thời TNXP
Bà Hoàng Thị Thư, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) huyện Yên Mỹ bắt đầu câu chuyện như thế, khi kể về một thời tham gia lực lượng TNXP, làm đường ở Trường Sơn, bảo đảm huyết mạch giao thông phục vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.
Tháng 5.1972, tỉnh Hải Hưng (cũ) thành lập 7 đại đội TNXP thuộc Ban Xây dựng 67 của Bộ Giao thông - Vận tải. Cô gái Hoàng Thị Thư quê ở xã Nghĩa Hiệp (Yên Mỹ) vừa tròn 20 tuổi, tạm gác lại ước mơ làm cô giáo, tham gia lực lượng TNXP. Đến năm 1973, các đơn vị TNXP được nhập vào Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Đoàn 559), bà Thư khi đó thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 529, Sư đoàn 473. Nhiệm vụ của đơn vị là làm đường, sửa đường, bảo đảm giao thông các tuyến đường ở Trường Sơn; bốc dỡ hàng hóa, tải thương…
Dù biết phía trước là khó khăn, gian khổ, cái chết luôn cận kề, song ai nấy đều hăng hái lên đường. Ngay từ khi hành quân từ Bắc vào tỉnh Quảng Bình, các địa danh như: Cầu Hàm Rồng; cầu Bến Thủy; đèo đá đẽo Minh Hóa, phà Xuân Sơn, phà Long Đại… được xem như các “Tọa độ lửa” bởi sự bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ. Nguy hiểm là vậy vẫn không ngăn được bước hành quân của các TNXP. Đơn vị bà Thư đã in dấu chân trên các tuyến đường. Làm việc trên mỗi tuyến đường đều có những kỷ niệm không bao giờ quên. Không kể những khó khăn, thiếu thốn trong sinh hoạt, sốt rét hành hạ mà là mối nguy hiểm rình rập hằng ngày khi ra đường làm nhiệm vụ dưới mưa bom của kẻ thù. Bà Thư nhớ nhất lần “hút chết” năm 1972, khi đang làm đường ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), nhóm của bà Thư do bà làm tiểu đội trưởng, làm việc gần một đơn vị tiểu tu phương tiện của bộ đội. Rất may được cảnh báo sớm nên khi cả nhóm của bà và bộ đội với hơn chục người, vừa chui được vào hầm trú ẩn thì bom bi dội xuống. Kỳ diệu thay, không ai bị thương, kể cả 2 chiến sĩ TNXP không kịp vào hầm phải núp vào bên lốp ô tô. Khi về đến lán, chị em chỉ biết ôm chầm lấy nhau mà khóc vì nghĩ rằng không còn được gặp lại.
Tháng 10.1975, bà Thư ra quân, trở về công tác tại ngành giáo dục Hải Hưng, tham gia giảng dạy và làm quản lý, đến năm 2007, bà nghỉ hưu. Những câu chuyện một thời TNXP của bà được truyền thụ cho học sinh, thế hệ trẻ để thấy được sự hy sinh, mất mát của lớp lớp cha anh để đổi lấy hòa bình, thống nhất đất nước.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202204/nam-thang-khong-quen-4b90ae5/