Năm tháng rực rỡ của cổ phiếu thủy sản sắp đến?

Các doanh nghiệp thủy sản đã có những tháng đầu năm chật vật, tuy nhiên dự kiến sẽ khởi sắc vào thời điểm cuối năm…

Ảnh minh họa.

Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản niêm yết đều có lợi nhuận ròng giảm do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh hơn so với giá bán bình quân và chi phí logistic cao hơn trong quý 1/2021. Giá cổ phiếu vì thế cũng ghi nhận những đường giảm giá trong hơn một tháng trở lại đây ngay khi có kết quả kinh doanh.

LỢI NHUẬN QUÝ 1 CHƯA THOÁT "BÓNG MA" COVID

Tại Thủy sản Minh Phú, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 1/2021 đạt 2.809 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 26,6 tỷ đồng, giảm 52,7%. Cổ phiếu MPC của Thủy sản Minh Phú đã giảm một mạch từ 40.000 đồng/cổ phiếu giữa tháng 3 xuống còn 35.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.

Nguyên liệu đầu vào và các chi phí đồng loạt tăng trong khi giá tiêu thụ không tăng là nguyên nhân chính khiến doanh thu Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC) tăng nhưng lợi nhuận lại thụt lùi. Quý 1/2021, FMC ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 969 tỷ đồng, tăng 36% trong đó doanh thu bán thủy sản chiếm 96%, còn lại là doanh thu bán hàng nông sản. Tuy nhiên lãi sau thuế của FMC giảm 23% xuống còn 31 tỷ đồng.

Thị giá của FMC cũng sụt giảm liên tục từ thời điểm 16/3 37.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 30.000 đồng đến đầu tháng 5. Tuy nhiên, giao dịch FMC đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại với thanh khoản cũng trở nên ổn định hơn.

Những điều này diễn ra tương tự tại Công ty CP Camimex Group (CMX), Thủy sản Hùng Vương (VHC). Trong kỳ, doanh thu của CMX giảm 24,54% đạt 215 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 29% còn 11 tỷ đồng. VHC ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.788 tỷ đồng tăng 9% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 14% còn 132 tỷ đồng. Giá cổ phiếu CMX và VHC cũng sụt giảm mạnh ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh.

Riêng Công ty CP Nam Việt (ANV) ghi nhận doanh thu giảm 14% đạt 707 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh 47% lên con số 64 tỷ đồng.

THỜI CƠ SẮP ĐẾN?

Tuy nhiên, thời cơ của các doanh nghiệp thủy sản đã sắp đến khi mà xuất khẩu thủy sản đã trở nên hồi phục mạnh kể từ tháng 4/2021. Theo VASEP, sự phục hồi đã diễn ra trong giai đoạn tháng 3-tháng 4/2021, khi xuất khẩu thủy sản tăng lần lượt 17% -30% so với cùng kỳ. Trong Quý 2/2021, VASEP dự kiến xuất khẩu tôm và cá tra sẽ tăng lần lượt 10% và 7% so với cùng kỳ.

Đến cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ 2 cơ hội chính: Giành thị phần từ đối thủ cạnh tranh có sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và Tiếp tục tăng trưởng từ mảng bán lẻ và bán hàng trực tuyến trong khi nhu cầu từ kênh nhà hàng sẽ sớm phục hồi.

Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ được hưởng lợi từ làn sóng Covid. Ấn Độ, nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, gặp khó khăn với sản xuất và xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ấn Độ sản xuất khoảng 650.000-700.000 tấn tôm trong năm 2020 giảm 30% so với cùng kỳ.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), xuất khẩu tôm nguyên liệu nước ấm của Ấn Độ sang Mỹ giảm 9% so với cùng kỳ về sản lượng và giảm 10% so với cùng kỳ về giá trị trong quý 1/2021. Trong khi đó, các nước đối thủ cạnh tranh của Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng. Ecuador là nước hưởng lợi tức thì, với mức tăng trưởng 37% so với cùng kỳ về sản lượng và 44% về giá trị trong quý 1/2021.

Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ với kết quả khả quan trong quý 1/2021, tăng 41% so với cùng kỳ về sản lượng và 10% so với cùng kỳ về giá trị. Với tôm nguyên liệu, giá xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức khá cao so với các đối thủ cạnh tranh do tỷ trọng tôm sú có giá bán bình quân cao hơn.

"Làn sóng Covid-19 gần đây ở Ấn Độ đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, trái ngược với nhiều dự báo về việc sản lượng sản xuất tôm ở Ấn Độ sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2021. Do đó, điều này tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh cụ thể là Ecuador, Indonesia, và Việt Nam cải thiện thị phần trong các nước nhập khẩu - đặc biệt là ở Mỹ", SSI Research đánh giá.

VASEP dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu toàn cầu tăng nhẹ trong khi nguồn cung từ nhiều nước sản xuất sẽ giảm do Covid.

Dịch Covid-19 cũng đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, trong đó nhu cầu đối với tôm chế biến đã tăng lên đáng kể. Đây luôn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trước Ecuador tại thị trường Mỹ và đối với tất cả các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới (EU và Nhật Bản ưa chuộng tôm chế biến). Trong quý 1/2021, Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng cao nhất về giá trị trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng đầu.

Giá cá tra phi lê đông lạnh tại thị trường Mỹ.

Bên cạnh ngành hàng tôm, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra được hưởng lợi từ nhu cầu tại Mỹ phục hồi. Theo VASEP, xuất khẩu cá tra Việt Nam tăng 3% so với cùng kỳ trong quý 1/2021 và 26% so với cùng kỳ trong nửa đầu tháng 4/2021, trong đó xuất khẩu sang Mỹ (thị trường hàng đầu) tăng trở lại lần lượt ở mức 16% và 120% so với cùng kỳ. Dữ liệu cho thấy ngành thủy sản phục hồi vững chắc.

VASEP cũng dự kiến giá bán bình quân từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021 đã chạm đáy do cả các yếu tố chu kỳ và nhu cầu dễ ảnh hưởng do dịch bệnh và giá bán bình quân của tất cả các thị trường sẽ phục hồi vào cuối năm.

Khánh Linh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nam-thang-ruc-ro-cua-co-phieu-doanh-nghiep-thuy-san-sap-den.htm