Nam thanh niên 23 tuổi đau nhức khắp người vì 5 con giun hiếm gặp
Các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận nam thanh niên bị áp xe, đau nhức, mệt mỏi do 5 con giun hiếm gặp gây ra.
Đau nhức kéo dài vì giun
Trao đổi với PV VietTimes, BS. Trần Thượng Việt – Trưởng Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho biết, bệnh nhân nam, 23 tuổi, sống ở Yên Bái, vào viện ngày 22/5 trong tình trạng xuất hiện khối áp xe ở 2 chân, đau nhức, mệt mỏi kéo dài.
Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ đã tiến hành điều trị khối áp xe, gắp ra khoảng 5 con giun từ cơ thể bệnh nhân. Con giun đầu tiên được gắp ra từ cơ thể người bệnh dài khoảng 50-60cm.
Trước đó, bệnh nhân đã được điều trị ở Khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày 12/5 do phát hiện có giun ở chân.
BS. Trần Thượng Việt – Trưởng Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
Qua điều tra tiền sử dịch tễ, các bác sĩ phát hiện khi ở nơi sinh sống, bệnh nhân hay ăn cua, cá sống. Ban đầu khi thấy đau nhức ở chân, anh này chỉ nghĩ rằng mình bị sán.
Theo BS. Việt, sau khi làm xét nghiệm mẫu giun được lấy từ cơ thể bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện loại giun này chưa từng xuất hiện ở Việt Nam mà chỉ gặp ở Châu Phi và một số nước khác.
Trong quá trình điều trị, cơ thể bệnh nhân xuất hiện một vài ổ mủ sau đó giun bắt đầu xuất hiện. Khi tiến hành mổ áp xe, các bác sĩ phát hiện 2 con giun trưởng thành phát triển trong cơ thể người bệnh.
BS. Việt cho hay: Loại giun được gắp ra từ cơ thể người bệnh có tên là Dracunculus medinensis. Đến thời điểm hiện tại, loại giun này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế trong quá trình chữa trị cho nam thanh niên, các bác sĩ không sử dụng thuốc có tác dụng quá mạnh bởi khi giun chết, xác của giun có thể sản sinh ra độc tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Giun Dracunculus medinensis được găp ra từ cơ thể bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Do loại giun ở cơ thể bệnh nhân hiếm gặp nên BS. Việt cho rằng cần phải điều tra lại nguồn nước ở nơi sinh sống của người bệnh. Bệnh nhân có thể nhiễm giun qua nguồn nước.
Khi người dân uống phải nguồn nước có ấu trùng giun, ấu trùng sẽ phát triển hình thành giun trưởng thành. Giun cái trưởng thành có thể chui vào nhiều bộ phận trên cơ thể để đẻ trứng. Thực tế, mỗi lần giun chui ra, người bệnh vô cùng đau nhức, khó chịu.
Để chủ động phòng bệnh, BS. Việt khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, sử dụng nguồn nước đảm bảo, không nên ăn những thực phẩm sống, chín chưa được chế biến kỹ lưỡng.
Loại giun hiêm gặp
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Dracunculus medinensis là một bệnh ký sinh trùng sắp được diệt trừ đã có 54 trường hợp mắc được báo cáo vào năm 2019.
Khi bị nhiễm bệnh, bệnh nhân phải mất từ10 tháng 14 tháng để chu kỳ truyền hoàn thành cho đến khi một con giun trưởng thành xuất hiện khỏi cơ thể. Ký sinh trùng của giun lây truyền chủ yếu khi người uống nước tù đọng có bọ chét nhiễm ký sinh trùng.
Các chuyên gia y tế cho biết, Dracunculus medinensis hiếm khi gây tử vong, nhưng những người nhiễm bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
BS. Trần Duy Hiến thăm khám vết thương ở tay cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Thúy
Thống kê cho thấy, vào giữa những năm 1980, ước tính có khoảng 3,5 triệu trường hợp mắc bệnh xảy ra ở 20 quốc gia trên toàn thế giới, 17 quốc gia trong số đó là ở châu Phi. Số trường hợp được báo cáo đã giảm xuống dưới 10.000 trường hợp lần đầu tiên vào năm 2007, giảm xuống còn 542 trường hợp (2012). Trong 8 năm qua, các trường hợp của con người đã ở mức hai con số (28 người vào năm 2018 và tăng lên 54 trường hợp vào năm 2019).
Đến thời điểm hiện tại chưa có thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, để chủ động phòng bệnh, WHO khuyến cáo người dân cần giám sát nâng cao để phát hiện mọi trường hợp trong vòng 24h sau khi xuất hiện giun; ngăn chặn sự lây truyền từ mỗi con giun bằng cách điều trị và thường xuyên làm sạch và băng bó các vùng da bị ảnh hưởng cho đến khi con sâu bị trục xuất hoàn toàn khỏi cơ thể. Cùng với đó, ngăn ngừa ô nhiễm nước uống bằng cách ngăn chặn những người bị nhiễm giun mới nổi lội vào nước.
Cùng với đó, người dân phải đảm bảo tiếp cận rộng hơn với nguồn cung cấp nước uống được cải thiện để ngăn ngừa nhiễm trùng; lọc nước từ các vùng nước mở trước khi uống; thực hiện kiểm soát véc tơ bằng cách sử dụng thuốc temephosn diệt bọ gậy và thúc đẩy giáo dục sức khỏe, thay đổi hành vi.