Nam thanh niên có huyết thanh đục trắng như sữa hiếm gặp

Một nam thanh niên tình cờ phát hiện có huyết thanh đục trắng như sữa trong lần khám sức khỏe định kỳ, đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ dễ bị bỏ sót.

Ngày 15-5, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) cho biết nơi đây vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (29 tuổi) có huyết thanh đục trắng như sữa trong một lần khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện.

Đáng chú ý, người bệnh chưa ghi nhận tiền sử bệnh lý trước đây.

Kết quả xét nghiệm sinh hóa cho thấy nồng độ triglyceride (chỉ số mỡ máu) đạt mức 2.250 mg/dL, cao vượt ngưỡng bình thường gần 15 lần.

Dù không có biểu hiện lâm sàng, người bệnh đang ở trong tình trạng rối loạn lipid máu nặng, tiềm ẩn nguy cơ viêm tụy cấp và đột quỵ thiếu máu não.

Chị Nguyễn Thị Nhã An, kỹ thuật viên xét nghiệm, cho biết huyết thanh đục trắng như sữa sau ly tâm, không còn trong vàng như bình thường. Tính chất huyết thanh đục trắng này là chỉ dấu cho nhiều loại rối loạn, trong trường hợp này là của tình trạng tăng mỡ máu nặng, chủ yếu là chỉ số mỡ máu cao trong huyết tương.

 Huyết thanh đục trắng như sữa cảnh báo nguy cơ đột quỵ dễ bị bỏ sót. Ảnh: BVCC

Huyết thanh đục trắng như sữa cảnh báo nguy cơ đột quỵ dễ bị bỏ sót. Ảnh: BVCC

TS.BS chuyên khoa 2 Kiều Xuân Thy, Phó Trưởng cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định đây là trường hợp đặc trưng cho nhóm bệnh nhân trẻ tuổi nhưng mang yếu tố nguy cơ chuyển hóa đáng lo ngại.

Theo bác sĩ Thy, mức chỉ số mỡ máu trên 1.000 mg/dL đã được coi là nguy cơ rất cao gây viêm tụy cấp. Khi chỉ số mỡ máu vượt trên khoảng hơn 2.000 mg/dL, nguy cơ không chỉ dừng lại ở tụy mà còn liên quan rõ rệt đến bệnh lý mạch máu lớn như đột quỵ thiếu máu não và bệnh mạch vành.

Theo cơ chế bệnh sinh, chỉ số mỡ máu cao làm tăng độ nhớt máu, ảnh hưởng đến tuần hoàn vi mô, gây tổn thương lớp nội mô mạch máu. Sự hình thành các mảng xơ vữa từ phản ứng viêm mãn tính sẽ làm hẹp lòng mạch. Khi các mảng này bị vỡ, huyết khối có thể hình thành, gây tắc nghẽn mạch máu não hoặc động mạch vành.

Với chỉ số mỡ máu mức 2.250 mg/dL, người bệnh trong trường hợp nêu trên thuộc nhóm nguy cơ rất cao xảy ra viêm tụy cấp hoặc các biến chứng tim mạch khác, có chỉ định điều trị tích cực bao gồm thay đổi lối sống kết hợp điều trị hạ lipid bằng thuốc.

“Việc không có triệu chứng lâm sàng khiến bệnh lý này dễ bị bỏ sót, trong khi hậu quả có thể bao gồm viêm tụy cấp, đột quỵ thiếu máu não, nhồi máu cơ tim và tổn thương mạch máu kéo dài” - bác sĩ Thy cảnh báo.

 Huyết thanh bình thường có màu vàng trong. Ảnh: BVCC

Huyết thanh bình thường có màu vàng trong. Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Thy, thống kê gần đây tại các bệnh viện đa khoa tuyến cuối ghi nhận xu hướng đột quỵ ngày càng trẻ hóa, trong đó nhóm tuổi từ 30-40 chiếm tỉ lệ đáng kể.

Các yếu tố nguy cơ thường thấy bao gồm rối loạn lipid máu, đặc biệt là chỉ số mỡ máu tăng cao; béo bụng, ít vận động; chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm siêu chế biến; tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 không triệu chứng.

Đáng lưu ý, nhiều người trẻ vẫn chủ quan với sức khỏe vì không có biểu hiện rõ ràng. Trong khi đó, tổn thương mạch máu và quá trình xơ vữa diễn ra âm thầm từ nhiều năm trước khi xuất hiện biến cố.

Khuyến cáo theo dõi sức khỏe chuyển hóa ở người trẻ

Để kiểm soát mỡ máu hiệu quả, cần duy trì song song 3 nhóm biện pháp.

Thứ nhất, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cụ thể, cần giảm mỡ bão hòa, đường tinh luyện, tránh đồ chiên xào nhiều dầu; Ưu tiên thực phẩm tươi, giàu chất xơ, cá biển, ngũ cốc nguyên hạt.

Thứ hai, tăng vận động thể lực (ít nhất 150 phút mỗi tuần), không bỏ bữa sáng, ngủ đủ giấc, hạn chế rượu bia và ngừng hút thuốc lá.

Cuối cùng, cần xét nghiệm lipid máu ít nhất mỗi 12 tháng với người trưởng thành, đặc biệt là nhóm nguy cơ như người làm việc văn phòng, béo bụng, ít vận động, hoặc có tiền sử gia đình bệnh tim mạch sớm.

TS.BS chuyên khoa 2 Kiều Xuân Thy, Phó Trưởng cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nam-thanh-nien-co-huyet-thanh-duc-trang-nhu-sua-hiem-gap-post849962.html