Từ lối sống lành mạnh đến cơn sốt thành tích
Chạy bộ từng là hoạt động đơn giản để rèn luyện sức khỏe. Nhưng khi trở thành trào lưu, nó cũng mang theo áp lực thành tích, hình ảnh và cả sự so sánh không lời.

Ảnh minh họa
Liều thuốc tinh thần giữa cuộc sống hiện đại
Tại Việt Nam, phong trào chạy bộ phát triển mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Từ Hà Nội, TP.HCM đến các tỉnh thành nhỏ, các nhóm chạy mọc lên khắp nơi, từ hội mẹ bỉm sữa đến giới văn phòng, học sinh – sinh viên.
Chạy bộ đang len lỏi vào đời sống của nhiều tầng lớp, không cần phòng gym, không cần thiết bị cầu kỳ, chỉ cần một khoảng thời gian rảnh và một lý do đủ thuyết phục để bắt đầu.
Anh Tuấn Anh, kỹ sư công nghệ tại Hà Đông (Hà Nội), cho biết mình bắt đầu chạy sau đợt dịch Covid-19. “Tôi thấy rõ sự khác biệt. Ngủ ngon hơn, tinh thần cũng sảng khoái hơn. Quan trọng là cảm thấy mình đang làm chủ cơ thể.”
Cũng giống như yoga hay ăn chay, chạy bộ đã trở thành một phần của xu hướng sống lành mạnh, sống xanh, điều đáng khuyến khích trong một xã hội ngày càng quan tâm tới chất lượng sống.
“Chạy giúp tôi cân bằng lại cuộc sống sau những giờ làm việc căng thẳng,” chị Mai Linh, 38 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội chia sẻ. “Ban đầu là để giảm cân, nhưng rồi tôi nhận ra cảm giác được kiểm soát nhịp thở, từng bước chân và khoảng thời gian riêng tư mỗi sáng là thứ mình trân trọng nhất.”
Các giải chạy cũng ngày càng phổ biến, với quy mô từ vài trăm đến hàng nghìn người tham gia, mang theo tinh thần cộng đồng và mục tiêu sống khỏe.
Trong guồng quay đô thị vội vã, chạy bộ đang trở thành một cách để sống chậm, sống sâu – dù chỉ trong vài chục phút mỗi ngày.
Khi chạy không còn chỉ vì sức khỏe
Thế nhưng, đi kèm với làn sóng tích cực ấy là một mặt khác ít được nói đến: sự cạnh tranh ngầm, áp lực thành tích và cả tiêu chuẩn hóa hình ảnh của người chạy.
Giờ đây, chạy không chỉ để khỏe. Người ta chạy để đăng ảnh đẹp, để có cái “khoe” trên mạng, để đạt chỉ tiêu kilomet trong tháng, để giữ streak 30 ngày liên tục trên ứng dụng sức khỏe.
Những câu hỏi tưởng như đơn giản như “bạn chạy pace bao nhiêu?”, “đã tham gia giải nào chưa?”, “đi giày gì thế?”... dần trở thành thứ định danh, và đôi khi là ranh giới giữa người “chạy thật” và “chạy chơi”.
“Tôi từng cảm thấy hơi ngại khi chia sẻ thành tích vì pace của mình khá chậm. Nhìn ai cũng chạy được 10km, 21km, có người còn tập full marathon, mình thấy mình… kém”, một người chạy phong trào tại Hoàng Mai (Hà Nội) kể lại.
Từ thói quen rèn luyện, chạy bộ dễ dàng trở thành một cuộc so sánh không lời. Việc không đăng ảnh, không tham gia giải, không có thiết bị “xịn” dễ bị coi là thiếu nghiêm túc. Thậm chí, trong một số nhóm chạy, người ta âm thầm “chấm điểm” nhau qua số km chạy hàng tuần hay thương hiệu giày đang dùng.

Một người chia sẻ bộ sưu tập giày và huy chương sau 1 năm theo đuổi trào lưu này
Công nghiệp hóa một lối sống
Sự trỗi dậy của thị trường phục vụ người chạy càng đẩy mạnh quá trình "tiêu chuẩn hóa" ấy. Người ta chạy bộ, còn thị trường thì "chạy theo".
Giày vài chục triệu, đồng hồ thông minh đo nhịp tim, gel năng lượng, quần áo siêu nhẹ hay miếng dán phục hồi cơ – tất cả biến runner thành người tiêu dùng lý tưởng.
Các giải chạy cũng không nằm ngoài làn sóng thương mại hóa. Từ chỗ đơn thuần là hoạt động thể thao, nhiều giải giờ đây trở thành “sự kiện trải nghiệm” kết hợp du lịch, lifestyle – với mức phí không hề rẻ.
Có người không ngại bay ra Đà Nẵng, vào Đà Lạt chỉ để lấy tấm hình về check-in. Phần thưởng nhiều khi không phải là sức khỏe, mà là chiếc áo finisher và tấm huy chương đủ đẹp để đăng lên mạng.
“Tôi từng chứng kiến một bạn bị chê là "chạy không nghiêm túc" vì đi đôi giày bata cũ. Nhưng rõ ràng, chạy bộ đâu đòi hỏi phải có thương hiệu?”, một huấn luyện viên tại Hà Nội bày tỏ. “Nếu việc chạy bộ khiến người ta phải vay tiền mua đồ hoặc cảm thấy tự ti, thì có lẽ chúng ta nên hỏi lại mục đích ban đầu.”
Chạy về đâu?
Chạy bộ không sai. Việc yêu thích thành tích, chia sẻ hình ảnh đẹp, hay tham gia các giải lớn cũng không sai. Nhưng khi chạy trở thành một phần của áp lực thể hiện, để không bị tụt lại sau bạn bè, để không bị xem là "lạc hậu" – thì bản chất lành mạnh ban đầu có thể bị biến dạng.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại: mình chạy vì điều gì? Vì sức khỏe, sự thư giãn, hay vì nỗi sợ bị bỏ lại trong một cuộc đua xã hội?
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/gia-dinh/tu-loi-song-lanh-manh-den-con-sot-thanh-tich-134937.html