Nam thanh niên đột ngột ngừng tim khi nằm nghỉ

Trước đó, người này hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh lý nền và may mắn sống sót sau khi được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Mới đây, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân H.H.C. (nam, 25 tuổi) làm nghề lái tàu biển, tiền sử khỏe mạnh. Trước đó, bệnh nhân đến thăm người bác đang điều trị tại Bệnh viện K (Hà Nội), trở về nhà trọ nghỉ ngơi và đột ngột xuất hiện triệu chứng ngừng tim, ngừng tuần hoàn.

Gia đình nhanh chóng đưa C. vào Bệnh viện K cấp cứu trong trình trạng đã ngừng tim, tiên lượng nguy kịch. Sau hơn một giờ cấp cứu, ép tim liên tục, sốc điện nhiều lần, nhịp tim của bệnh nhân được tái lập nhưng C. vẫn hôn mê sâu, huyết áp không đo được, các chỉ số sinh tồn rất xấu.

 PGS.TS Nguyễn Văn Chi thăm khám cho bệnh nhân C. Ảnh: Mai Thanh.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi thăm khám cho bệnh nhân C. Ảnh: Mai Thanh.

Sau khi các bác sĩ hội chẩn qua điện thoại, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển tới Trung tâm Cấp cứu A9. Tại đây, sau khi thăm khám, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Quân, Trung tâm Cấp cứu A9, nhận định tình trạng bệnh nhân rất nặng, hôn mê sâu, glasgow 3 điểm, toan chuyển hóa nặng, đồng tử giãn hoàn toàn, huyết áp tụt, sốc nặng.

Do đó, bệnh nhân C. được cho thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều cao và đặt dụng cụ theo dõi huyết động.

Qua hội chẩn nhanh, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Trung tâm Cấp cứu A9, nhận định: "Vấn đề quan trọng nhất lúc này là phải cứu được não, giải quyết toan hóa, suy đa phủ tạng, sốc không hồi phục. Nếu tim đập trở lại nhưng não không cứu được, bệnh nhân sẽ phải sống thực vật".

Theo PGS Chi, việc phối hợp nhiều kỹ thuật cao như hạ thân nhiệt theo đích (TTM), lọc máu, kiểm soát huyết động, thở máy tiên tiến, kiểm soát thăng bằng toan kiềm..., sẽ là điều kiện tiên quyết để cứu sống bệnh nhân C. Nếu không phối hợp nhiều kỹ thuật cao, tiên lượng của bệnh nhân rất khó khăn, ít có cơ hội được cứu.

Ngày thứ 3, sau khi kết thúc kỹ thuật hạ thân nhiệt, giảm và cắt thuốc an thần, giãn cơ, sức khỏe bệnh nhân có dấu hiệu cải thiện tốt, huyết động ổn định, hết tình trạng toan hóa, các tổn thương phủ tạng ổn hơn, ý thức hồi phục dần.

Ngày thứ 5 sau can thiệp, bệnh nhân được rút nội khí quản thành công, tự thở tốt, giao tiếp được. Tới ngày thứ 8, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn về ý thức và vận động, tự đi lại, nói năng giao tiếp bình thường, qua đó được chuyển sang chuyên khoa tim mạch, tiếp tục tìm căn nguyên ngừng tuần hoàn, phòng ngừa nguy cơ tái phát.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-thanh-nien-dot-ngot-ngung-tim-khi-nam-nghi-post1187122.html