Nam thanh niên nhập viện cấp cứu vì nhiễm khuẩn huyết khi tự nặn mụn trứng cá

Tự nặn mụn ở vùng miệng, nam thanh niên 19 tuổi ở Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao nhiều ngày không hạ kèm cơn rét run, vùng môi, má trái sưng nề, chảy dịch.

Bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng sốt cao 38,5 độ C, có cơn rét run, môi khô, vùng môi má bên trái sưng nề, chảy dịch mủ, há miệng hạn chế, khó thở nhẹ, đau tức ngực, hỗ trợ thở oxy gọng kính 3l/p.

Trước đó, bệnh nhân có mụn ở mép môi dưới bên trái, kèm theo sưng nề, nóng đỏ. Bệnh nhân tự nặn mụn, sau đó sốt 38 độ C, gai rét, ở nhà tự dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ mới được gia đình đưa đến viện.

Tại bệnh viện, nam thanh niên đã được làm các xét nghiệm và được chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus cửa vào từ ổ áp xe vùng mặt - cằm trái, có ổ nhiễm khuẩn thứ phát viêm phổi hoại tử 2 bên.

Sau khi được điều trị đúng phác đồ, bệnh nhân dần ổn định, vùng mặt - cằm đỡ sưng nề rõ, thân nhiệt trở về bình thường, ổn định và được ra viện.

Bệnh nhân Nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus cửa vào từ ổ áp xe vùng mặt - cằm do tự nặn mụn trứng cá

Bệnh nhân Nhiễm khuẩn huyết do Staphylococcus aureus cửa vào từ ổ áp xe vùng mặt - cằm do tự nặn mụn trứng cá

Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, cho biết nhiễm khuẩn huyết là tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tỷ lệ tử vong cao.

Nhiễm khuẩn huyết xảy ra do vi khuẩn hay virus, nấm giải phóng những hóa chất vào máu để chống lại các phản ứng viêm của cơ thể. Những phản ứng này tạo ra hàng loạt các thay đổi bên trong dẫn đến tổn thương các cơ quan như: gan, thận và khiến cơ thể suy yếu nhanh.

Phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn huyết bằng cách nào?

Thực hiện các biện pháp vệ sinh, an toàn lao động, xử trí sớm các ổ nhiễm khuẩn.
Không tự ý nặn mụn.
Theo dõi và điều trị các bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường, xơ gan,… để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.
Hạn chế các thủ thuật, đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn, dự phòng chuẩn.
Không lạm dụng corticoid, dùng kháng sinh đúng chỉ định.

Phương Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nam-thanh-nien-nhap-vien-cap-cuu-vi-nhiem-khuan-huyet-khi-tu-nan-mun-trung-ca-169240729210526129.htm