Năm thành phố lớn phát huy vai trò đầu tàu về chất lượng giáo dục và đào tạo

Đại diện Bộ GD&ĐT yêu cầu Cụm thi đua số 1 phát huy vai trò đầu tàu ngành giáo dục, thể hiện qua các thành tích trên các đấu trường trí tuệ trong và ngoài nước, cải tiến chất lượng dạy và học.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ngày 1/8, tại Cần Thơ, Cụm thi đua số 1 (5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo nêu nhiều kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét và điều chỉnh Nghị định số 105/2020 ngày 8/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; Nghị định số 111/2022 ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, điều chỉnh Thông tư số 50/2020 ngày 31/12/2020 về ban hành chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ em mẫu giáo: Xem xét điều kiện về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non đối với giáo viên người nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên bản ngữ, giáo viên người nước ngoài tham gia tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh.

Bộ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện học bạ số cấp Tiểu học; quy định về sử dụng học bạ số cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Giáo dục phổ thông (dự kiến sẽ triển khai từ năm học 2024-2025)...

 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ Trần Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ Trần Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Nhiều đại biểu kiến nghị việc tổ chức đánh giá công tác triển khai, kết quả thực hiện việc phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở đi học nghề trình độ trung cấp, sơ cấp; giảm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông đi học giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng.

Bởi, theo thống kê năm 2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông trúng tuyển vào đại học trên 60%, đồng nghĩa với khó có thể đạt chỉ tiêu ít nhất 45% theo học giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết các ý kiến của đại biểu được Vụ Tổ chức cán bộ tập hợp, trình các cấp lãnh đạo theo đúng thẩm quyền.

 Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo), phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo), phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Hạnh cũng yêu cầu Cụm thi đua số 1 phát huy vai trò đầu tàu ngành giáo dục cả nước. Điều này phải được thể hiện qua các “con số biết nói” như thành tích trên các đấu trường trí tuệ trong và ngoài nước, mô hình cải tiến chất lượng dạy và học, lộ trình số hóa trong trường học…

So với cả nước, 5 thành phố hiện có 6.730 cơ sở giáo dục từ Mầm non đến Trung học phổ thông, chiếm 17,6% tổng số cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Trong đó, theo từng bậc học, tỷ lệ trường Mầm non là 24,1%, trường Tiểu học 14,7%, trường Trung học cơ sở 14,4%, trường Trung học phổ thông 25,8% so với toàn quốc.

Tổng số học sinh năm học 2023-2024 tại các thành phố là 4.957.770 em, chiếm 23,4% tổng số học sinh cả nước.

Đại diện Cụm thi đua số 1, ông Đặng Hùng, Trưởng phòng Hành chính-Giáo dục chính trị, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng thông tin năm học 2023-2024, kết quả thực hiện nhiệm vụ, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” Cụm thi đua số 1 diễn ra sôi nổi, thiết thực, hiệu quả và đã tác động mạnh mẽ đến chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Các thành phố chú trọng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, xây dựng phòng học kiên cố. Tỷ lệ phòng học kiên cố hơn 90%, cao hơn trung bình chung toàn quốc (79,7%).

Các mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo và gương điển hình tiên tiến tiểu biểu như Hải Phòng thí điểm triển khai dạy tiếng Hàn Quốc là ngoại ngữ 1 tại các cơ sở giáo dục phổ thông thành phố. Đà Nẵng triển khai chữ ký số trên học bạ; sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

Cần Thơ có mô hình “Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn xã hội và không bạo lực học đường.” Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi số và nền tảng lưu trữ toàn vẹn dữ liệu kết quả học tập của học sinh...

Trong năm học vừa qua, giáo dục phổ thông 5 thành phố đạt nhiều thành tích tiêu biểu như Cần Thơ tham gia Cuộc thi Global Robotics Games 2023 tại Singapore, xuất sắc mang giải vô địch về cho Việt Nam và thành phố; đoạt giải Á quân 2 kỳ thi Toán trí tuệ quốc tế 2023 PAMA tại Ấn Độ.

Hải Phòng có 4 học sinh xuất sắc được chọn tham dự kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, đoạt 1 huy chương Vàng Olympic môn Sinh học, 1 huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á, 1 huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nam-thanh-pho-lon-phat-huy-vai-tro-dau-tau-ve-chat-luong-giao-duc-va-dao-tao-post968108.vnp