Năm thứ 2 liên tiếp kinh tế - xã hội đạt 12/12 chỉ tiêu
Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8% mặc dù thấp hơn mức tăng trưởng 7,08% của năm 2018 nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực và trên thế giới.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tiến hành thẩm tra Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2019 và dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2020.
GDP dự báo tăng 6,8%
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển KTXH chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt. Trong số các chỉ tiêu vượt kế hoạch, đáng lưu ý là là tốc độ tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến năm nay chỉ tăng 2,7-3% trong khi đó chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là tăng khoảng 4% và xuất siêu ước tính 0,4% trong khi đó mục tiêu Quốc hội đặt ra là nhập siêu dưới 3%.
Kết quả đạt được toàn diện này, theo ông Trung thể hiện sự đúng đắn, phù hợp trong chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của Chính phủ, các cấp, các ngành. “Kết quả phát triển KTXH được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, tạo tiền đề vững chắc bước vào năm 2020, năm cuối nhiệm kỳ, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020”.
Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8% mặc dù thấp hơn mức tăng trưởng 7,08% của năm 2018 nhưng hoàn thành mục tiêu ở mức cao theo Nghị quyết của Quốc hội (Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8%) đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực và trên thế giới.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 không chỉ đạt cao mà theo ông Trung, chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, năng suất lao động đạt khá (tăng 5,9%) vượt mục tiêu kế hoạch đặt ra là năng suất lao động bình quân trong 5 năm 2016 - 2020 là 5,5%; mô hình tăng trưởng chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào khoa học, công nghệvà đổi mới sáng tạo.
“Những kết quả đạt được trong điều hành kinh tế trong năm 2019 còn phải kể đến là giữ vững sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động. Cơ cấu lại tổ chức tín dụng, nhất là tổ chức tín dụng yếu kém, gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực (tính đến cuối tháng 6/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu là 5,39% giảm mạnh so với 7,36% vào cuối năm 2017...”, ông Trung cho biết thêm.
Với những diễn biến tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư trong và ngoài nước, xuất khẩu, thị trường trong nước… trong 9 tháng đầu năm rất tích cực và xu hướng tích cực này vẫn tiếp tục trong 3 tháng cuối năm, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nhiều khả năng, GDP năm nay không phải tăng 6,8% như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà có thể tăng tới 7% thậm chí tăng trên 7%; lạm phát được kiểm soát dưới 3%.
“Đây không phải là nhận định riêng của cá nhân tôi mà qua nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm do Ủy ban Kinh tế tổ chức, nhiều chuyên gia cũng đưa ra dự báo khả quan này”, ông Thanh nói thêm.
Không chủ quan 3 tháng cuối năm 2019
Cũng như báo cáo tình hình KTXH hằng năm, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo tình hình KTXH năm 2019 cũng chỉ ra 8 hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức như kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đầu tư tư nhân tiếp tục cải thiện nhưng đầu tư công gặp khó khăn, tiến độ thực hiện, giải ngân đầu tư công chậm và chưa đồng đều ở các bộ ngành, địa phương.
Trình độ khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài tiếp tục được nhắc đến vì những lĩnh vực này vẫn được đánh giá là còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KTXH.
“Thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đáp ứng yêu cầu. Ngành nông nghiệp chịu tác động, ảnh hưởng lớn của dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, biến đổi khí hậu. Năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm chủ lực và daonh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.
Nhiều khả năng, GDP năm nay không phải tăng 6,8% như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà có thể tăng tới 7% thậm chí tăng trên 7%
Thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn hệ chế và còn một số khó khăn, nhất là về định giá đất đai, tài sản và sắp xếp lại nhà đất, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược”, là những hạn chế, tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế tiếp tục được ông Nguyễn Đức Trung liệt kê.
Những hạn chế, yếu kém kể trên, theo ông Vũ Hồng Thanh đã giải thích vì sao hiệu quả đầu tư liên tục được cải thiện (chỉ số ICOR giảm dần qua từng năm), năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào GDP mỗi năm một tăng, năng suất lao động được cải thiện, GDP năm nào cũng đứng vào danh sách các nước tăng trưởng cao nhất thế giới nhưng nhận định nền kinh tế vẫn đứng trước nguy cơ tụt hậu chưa bao giờ hết tính thời sự.
Trước bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động và bất ổn, việc GDP tăng trưởng 6,8%; xuất khẩu ước tăng 7,9%, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay điều gì cũng có thể xảy ra, vì vậy, theo ông Bảo không được chủ quan trong 3 tháng còn lại của năm 2019. “Bối cảnh kinh tế thế giới 3 tháng cuối năm đó là tình hình bất ổn tại Trung Đông, quan hệ Mỹ - Iran chưa có lối ra, thương chiến giữa các nền kinh tế lớn diễn biến phức tạp… còn có Brexit không thỏa thuận. Với nền kinh tế mở như Việt Nam, tất cả các yếu tố này tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài… nên phải theo dõi thật chặt chẽ và có kịch bản ứng phó hữu hiệu”, ông Bảo nhấn mạnh.
Đánh giá rất cao kết quả đạt được, nhất là tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước năm 2019, nhưng ủy viên Ủy ban Kinh tế, ông Huỳnh Thành Chung cho rằng cũng không nên quá vui mừng vì tăng trưởng GDP năm nay có sự đóng góp không nhỏ của ngành công nghiệp khai khoáng.
“Những năm trước đây ngành công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm, còn năm nay ngược lại tăng trưởng ước vào khoảng 6,8%. Nếu ngành công nghiệp này không tăng trưởng thỉ GDP khó có thể tăng được 6,8% trong khi ngành công nghiệp này về bản chất là khai thác tài nguyên, khoáng sản đem đi bán”, ông Chung nói.
Tương tự như vậy, năm nay ngân sách nhà nước dự kiến tăng thu, nhưng nguồn thu từ đất đai đóng góp vào ngân sách nhà nước rất lớn. “Phải tách phần thu từ đất đai ra để mới biết được hiệu quả của nền kinh tế thế nào qua việc thu nội địa”, ông Chung nói thêm.