Nam thủ lĩnh sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam đam mê nghiên cứu khoa học
Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam là một trong những sinh viên tiêu biểu của TP. HCM được vinh dự nhận Giải thưởng 'Sao Tháng Giêng 2024' bởi thành tích hoạt động Đoàn – Hội và những nghiên cứu khoa học nổi bật.
Một người trẻ thích ‘bay’
Ban đầu, hàng không không phải là giấc mơ đầu tiên của Nguyễn Xuân Dương. Xuân Dương cho biết, anh vô tình biết đến ngành Quản lý hoạt động bay qua một lần tìm hiểu rồi quyết định thử sức. Và ngay khi bước chân vào môi trường này, Dương nhận ra mình đã “say” nó lúc nào không biết.
Cái hay của ngành này, theo Dương, không chỉ là kiến thức mà còn là sự liên kết chặt chẽ giữa các môn học, giữa lý thuyết và thực tiễn. Anh nhanh chóng nhận ra rằng, học một cách có hệ thống, nắm chắc nền tảng là chìa khóa để hiểu sâu và phát triển trong lĩnh vực đầy thử thách này. Chính vì vậy, dù là một sinh viên bận rộn với hàng loạt hoạt động ngoại khóa, Dương vẫn giữ được phong độ học tập với GPA 3.26/4.0.
![Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_176_51444381/3c12a330977e7e20276f.jpg)
Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam.
“Mình ưu tiên học hiểu, thay vì học thuộc lòng. Khi đã nắm được bản chất, mình có thể dễ dàng liên kết kiến thức với thực tế, không chỉ giúp ghi nhớ lâu mà còn áp dụng hiệu quả”, Dương chia sẻ.
Ngay từ những ngày đầu đại học, anh đã tích cực với các hoạt động Đoàn - Hội, từ tham gia đến dẫn dắt các hoạt động. Việc trở thành Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam không phải là đích đến, mà là một hành trình để Dương học hỏi và cống hiến. Dương nói: “Hoạt động ngoại khóa không chỉ là đam mê, mà còn là cách để mình rèn luyện bản thân, kết nối với những người có chung chí hướng. Đó cũng là cách để mình tìm ra câu trả lời cho bản thân: Mình muốn làm gì? Mình phù hợp với điều gì?”.
![Xuân Dương tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_176_51444381/6466c544f10a1854411b.jpg)
Xuân Dương tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội.
Dương không bao giờ coi học tập và hoạt động ngoại khóa là hai con đường tách biệt. Anh luôn tìm cách cân bằng và tận dụng mỗi trải nghiệm để phát triển bản thân một cách toàn diện: “Quan trọng không phải là đạt được bao nhiêu điểm số, mà là mình đã học được những gì, trưởng thành ra sao sau mỗi chặng đường”.
Ứng dụng chuyên ngành vào nghiên cứu khoa học
Không chỉ dừng lại ở việc học và hoạt động ngoại khóa, Nguyễn Xuân Dương còn đam mê nghiên cứu khoa học, với nhiều thành tích cao trong quá trình nghiên cứu. Đối với ngành Quản lý Hoạt động bay – nơi mỗi quyết định có thể ảnh hưởng đến hàng trăm, hàng ngàn sinh mạng, việc nghiên cứu và tìm hiểu chuyên sâu là vô cùng quan trọng.
Dương đã tham gia Vòng Bán kết 2 - Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2024, làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên và bảo vệ thành công đạt loại Giỏi, với đề tài "Đánh giá ảnh hưởng của phương thức cất, hạ cánh đến hoạt động cất, hạ cánh tại các sân bay Việt Nam". Ngoài ra, Dương còn có cơ hội tham gia viết bài nghiên cứu và đóng góp vào hội thảo quốc tế ‘The 20th Asiacall International Conference 2023’. Mặc dù không thể trực tiếp báo cáo do lịch học dày đặc, nhưng việc bài nghiên cứu của anh được trình bày tại một hội thảo tầm cỡ đã trở thành một dấu ấn đáng nhớ.
![Xuân Dương (ngoài cùng, bên trái) nhận được nhiều bằng khen của Hội Sinh viên TP. HCM.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_176_51444381/df257c074849a117f858.jpg)
Xuân Dương (ngoài cùng, bên trái) nhận được nhiều bằng khen của Hội Sinh viên TP. HCM.
“Để có thể thực hiện nghiên cứu, mình thường chủ động tìm kiếm tài liệu từ các nguồn uy tín, các bài báo khoa học, các báo cáo tại hội thảo quốc tế để có thể có thêm nhiều tư liệu nghiên cứu. Một thách thức khác là việc phân tích và áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Không phải lúc nào các mô hình nghiên cứu cũng phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt là ngành của mình. Vì vậy, cần phải liên tục thử nghiệm, điều chỉnh và tham khảo ý kiến từ giảng viên. Ngoài ra, việc cân bằng giữa nghiên cứu và học tập cũng là một thử thách. Mình thường xuyên phải sắp xếp công việc, ưu tiên công việc theo mức độ quan trọng và phải thực hiện một cách hoàn chỉnh”, Dương chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp, Dương dự định sẽ tập trung vào việc thi tuyển để trở thành kiểm soát viên không lưu. Nhưng nếu có cơ hội, anh vẫn muốn tiếp tục nghiên cứu, vì đối với Nguyễn Xuân Dương thì “học không bao giờ là đủ”.