'Nắm trong tay' nhiều lợi thế, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh, bền vững

Quảng Ninh đang thực hiện lộ trình đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch quốc tế và kinh tế biển với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hàng năm trên 10%.

Quảng Ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Bộ với chiều dài đường bờ biển là 255,9km. (Nguồn: Vietnamnet)

Quảng Ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Bộ với chiều dài đường bờ biển là 255,9km. (Nguồn: Vietnamnet)

Quảng Ninh là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, với di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng khác, thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Bộ với chiều dài đường bờ biển là 255,9km.

Không chỉ thế, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước có biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, Quảng Ninh là điểm nút quan trọng trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung”, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, khu vực hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng và trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.

Kinh tế biển có nhiều chuyển biến tích cực

Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, kinh tế biển được xác định có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.

Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, xây dựng và ban hành chương trình hành động, kế hoạch, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững.

Cụ thể, trong chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh đẩy mạnh việc thể chế hóa bằng việc thành lập Ban chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển Quảng Ninh.

Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng các Đề án để ban hành thêm các Nghị quyết, chương trình hành động liên quan đến phát triển kinh tế biển, như: Đề án phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển Quảng Ninh giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045; Phát triển du lịch Quảng Ninh thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Phát triển kinh tế thủy sản Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030; Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển khu kinh tế Vân Đồn…

Cùng với đó, tỉnh cũng đang tập trung phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường quản lý tổng hợp, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế biển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển.

Quảng Ninh cũng tăng cường thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế. Tiếp tục triển khai các giải pháp quảng bá thương hiệu, định vị thương hiệu hệ thống cảng biển Quảng Ninh đến các hãng tàu lớn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cảng biển trên thế giới.

Qua đó, tăng tốc phát triển từng ngành, lĩnh vực kinh tế biển một cách cụ thể, đóng góp chung cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững.

Đặc biệt, trong chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh luôn chú trọng đến việc gắn với giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa vùng biển Quảng Ninh.

Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển và gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường…

Với sự quan tâm đầu tư đồng bộ, hiệu quả, kinh tế biển của Quảng Ninh đã dần phát huy được hiệu quả và có nhiều chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2011-2021, tỷ trọng bình quân giá trị gia tăng của các ngành kinh tế biển chiếm khoảng 20%; riêng giai đoạn 2019-2023, tỷ trọng này là 17,4% do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đây vẫn là con số khá cao so với mục tiêu phát triển kinh tế biển của cả nước tại Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Quảng Ninh xác định phát triển bền vững kinh tế biển gắn chặt với phát triển dịch vụ tổng hợp ngày càng giữ vai trò chủ đạo. (Nguồn: BQN)

Quảng Ninh xác định phát triển bền vững kinh tế biển gắn chặt với phát triển dịch vụ tổng hợp ngày càng giữ vai trò chủ đạo. (Nguồn: BQN)

Đảm bảo "lợi ích kép"

Quảng Ninh xác định phát triển bền vững kinh tế biển gắn chặt với phát triển dịch vụ tổng hợp ngày càng giữ vai trò chủ đạo. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế.

Phát triển kinh tế biển để cải thiện sinh kế và việc làm cho người dân, nhưng phải bảo đảm sức khỏe của hệ sinh thái đại dương, không đánh đổi tài nguyên, môi trường với tăng trưởng, phát triển du lịch bằng mọi giá.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, Quảng Ninh sẽ ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế biển đa mục tiêu, nhằm bảo đảm “lợi ích kép” trong phát triển.

Tỉnh sẽ tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian hợp lý, khoa học dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển bảo đảm hài hòa lợi ích và giảm xung đột.

Phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển của tỉnh theo phương thức quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia thực chất của các cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các bên liên quan.

Trong tương lai, Quảng Ninh sẽ phát triển các ngành khai thác khoáng sản biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển kiểu mới; huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển.

Tỉnh đang thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm đi đôi với bảo vệ và phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Quảng Ninh sẽ xây dựng các trung tâm du lịch trọng điểm tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Cô Tô. Tỉnh đặc biệt coi trọng bảo tồn, bảo vệ di sản Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Khu bảo tồn Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn biển Cô Tô, khu RamSar Đồng Rui...

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nam-trong-tay-nhieu-loi-the-quang-ninh-dat-muc-tieu-phat-trien-kinh-te-bien-xanh-ben-vung-273160.html