Nam Trực đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp
Huyện Nam Trực có Quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C chạy qua, các CCN: Đồng Côi, Vân Chàng, Nam Hồng, Nam Thanh và các làng nghề truyền thống như: Bình Yên (Nam Thanh), Vân Chàng, Đồng Côi (thị trấn Nam Giang), Đồng Quỹ (Nam Tiến)… là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Huyện Nam Trực có Quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C chạy qua, các CCN: Đồng Côi, Vân Chàng, Nam Hồng, Nam Thanh và các làng nghề truyền thống như: Bình Yên (Nam Thanh), Vân Chàng, Đồng Côi (thị trấn Nam Giang), Đồng Quỹ (Nam Tiến)… là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 400 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 10 nghìn lao động. Để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, huyện Nam Trực đã triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, tạo môi trường làm việc an toàn, hiệu quả.
Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ huyện xây dựng kế hoạch hoạt động; chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn tổ chức cao điểm Tháng hành động về ATVSLĐ. Trung tâm VH-TT-TT huyện và các đài truyền thanh xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền để các chủ doanh nghiệp và người lao động hiểu ý nghĩa của việc thực hiện ATVSLĐ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh sử dụng hệ thống phát thanh nội bộ tuyên truyền phổ biến ATVSLĐ cho người lao động vào giờ nghỉ giữa ca. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều thành lập Hội đồng bảo hộ lao động hoặc bộ phận ATVSLĐ. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn thiết bị, nhà xưởng, xử lý khói bụi, khí thải, nước thải, tiếng ồn; tổ chức hệ thống y tế cơ sở chăm lo sức khỏe người lao động tại chỗ. Để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, hàng năm, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện kỹ thuật ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện. Công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ và hướng dẫn các doanh nghiệp tự kiểm tra, phát hiện, khắc phục những tồn tại trong công tác ATVSLĐ được tăng cường.
Đồng chí Trần Phương Thảo, Trưởng Phòng LĐ-TB và XH huyện Nam Trực cho biết: Năm 2021, Đoàn kiểm tra ATVSLĐ huyện đã tổ chức kiểm tra 8 doanh nghiệp. Qua kiểm tra cho thấy, khi lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm, hàng quý, các doanh nghiệp đều lập kế hoạch, biện pháp cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Xây dựng và trang bị các nội quy lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, biện pháp làm việc an toàn, nhất là đối với các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (ATLĐ); đồng thời tổ chức tập huấn, huấn luyện hoặc chỉ dẫn ATLĐ cho người lao động. Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện một số thiếu sót, sai phạm của doanh nghiệp trong công tác ATVSLĐ và đã nhắc nhở, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục kịp thời. Công ty Cổ phần May thêu Việt Pháp là một trong những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Công ty hiện tạo việc làm cho 270 lao động. Hàng năm, hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ, công ty lập chương trình hành động cho các phòng, ban thực hiện; treo băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về pháp luật lao động, chế độ chính sách với người lao động; thực hiện kiểm định kỹ thuật các máy có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ đúng hạn và thường xuyên tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa các loại máy móc, thiết bị. Công ty thành lập đội xung kích phòng cháy chữa cháy; trang bị đầy đủ thiết bị, vật tư phục vụ chữa cháy tại chỗ như: bình bọt, tiêu lệnh, hướng dẫn chữa cháy tại các vị trí cần thiết như trạm điện, trạm phát điện; thường xuyên kiểm tra toàn bộ thiết bị, nhà xưởng, nhà kho để phát hiện kịp thời những nơi chưa đảm bảo an toàn để xử lý khắc phục, ngăn ngừa sự cố mất ATLĐ. Với sự chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ, nhiều năm liền Công ty không xảy ra tai nạn lao động. Trong đợt dịch COVID-19, Công ty Cổ phần Kết cấu thép Việt Thắng vẫn đảm bảo việc làm đều đặn cho người lao động với nhiều đơn hàng lớn. Để đảm bảo công tác ATVSLĐ, Công ty đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất và các thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng và độ an toàn cao; đầu tư hệ thống thiết bị thông gió, giảm thiểu bụi, tiếng ồn trong quá trình sản xuất, trang bị hệ thống ánh sáng đúng tiêu chuẩn đảm bảo các yêu cầu về ATVSLĐ, hạn chế những yếu tố độc hại đối với sức khỏe người lao động. Gần đây, Công ty đầu tư thêm 1 nhà máy mới với tổng giá trị đầu tư trên 10 tỷ đồng trang bị hệ thống rô bốt tự động hiện đại. Ngoài việc cải thiện điều kiện làm việc, về chăm sóc y tế Công ty duy trì việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và chăm lo đời sống cho người lao động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn huyện Nam Trực vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại. Tại các cơ sở sản xuất ở làng nghề, phần lớn lao động nông nghiệp nên còn nặng thói quen làm việc tự do; ý thức kỷ luật lao động chưa cao và chưa có tác phong làm việc công nghiệp. Chất lượng, trình độ chuyên môn, tay nghề; kiến thức pháp luật, nhất là hiểu biết về pháp luật lao động của người lao động còn thấp. Nhiều doanh nghiệp hình thành và phát triển từ sản xuất hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân nên cơ cấu, tổ chức bộ máy làm công tác ATVSLĐ còn kiêm nhiệm, chồng chéo… Một số chủ sử dụng lao động và người lao động còn chưa quan tâm đến bảo vệ môi trường khu vực sản xuất. Một số làng nghề nhà xưởng còn chật hẹp, hệ thống nước thải, khí thải chưa đảm bảo theo quy định gây ô nhiễm môi trường.
Để đảm bảo ATVSLĐ và phát triển kinh tế bền vững, thời gian tới, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác ATVSLĐ, trong đó tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện ATVSLĐ của doanh nghiệp và người lao động trong sản xuất, kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư các trang thiết bị an toàn, cải thiện điều kiện làm việc, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.
Bài và ảnh: Viết Dư