Nam Việt (ANV): Chưa tăng tốc như kỳ vọng

Được kỳ vọng hồi phục từ nền thấp trong năm 2023, nhưng kết thúc quý I/2024, Công ty cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán ANV) ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 71,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường xuất khẩu cá tra chủ lực của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc

Thị trường xuất khẩu cá tra chủ lực của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc

Kỳ vọng xuất khẩu cá tra phục hồi từ đáy

Ngành xuất khẩu cá tra trong những năm qua liên tục biến động mạnh khi qua giai đoạn hưởng lợi là bước vào giai đoạn thăng trầm. Trong đó, nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là thời điểm hưởng lợi của ngành khi giá bán tăng và các nhà nhập khẩu tăng cường tích trữ tồn kho, giúp doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lãi lớn.

Tuy nhiên, gió đã đổi chiều từ nửa cuối năm 2022 và bước sang năm 2023, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra gặp khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ ở nhiều thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… đều suy yếu, các nhà nhập khẩu thận trọng trong việc nhập khẩu dẫn tới giá xuất khẩu liên tục giảm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ước tính, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2022.

Trong bối cảnh khó khăn của ngành, năm 2023, Nam Việt ghi nhận doanh thu 4.439 tỷ đồng, giảm 9%; lợi nhuận trước thuế 64 tỷ đồng, giảm 92% so với năm 2022 và chỉ hoàn thành 10,8% kế hoạch.

Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước sẽ phục hồi 8%, đạt khoảng 2 tỷ USD.

Dữ liệu của VASEP cho thấy, tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 580 triệu USD cá tra, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 4/2024, giá trị xuất khẩu cá tra đạt hơn 168 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái (2 tháng trước đó đều giảm).

Theo phân tích của VASEP, quý I năm nay, xuất khẩu cá tra có những dấu hiệu tích cực, nhưng nhu cầu tại các thị trường chính chưa phục hồi mạnh. Dự báo, tình hình sẽ tốt lên từ quý III, kéo theo xu hướng giá được điều chỉnh tăng ít nhất 10% so với giá hiện tại.

Tương tự, Công ty Chứng khoán BIDV nhận định, năm 2024, nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ dần hồi phục khi lạm phát hạ nhiệt, chi tiêu của người dân tăng trở lại, nhất là những tháng cuối năm. Ngoài ra, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc kỳ vọng sẽ tăng nhờ nhu cầu hồi phục, trong khi nguồn cung thu hẹp và điều kiện thủy văn không thuận lợi giai đoạn đầu năm 2024.

Chu kỳ xuất khẩu cá tra thường kéo dài từ 3 - 5 năm, thời gian thả nuôi trung bình khoảng 10 tháng/lứa. Chính vì vậy, việc thị trường gặp khó khăn từ nửa cuối năm 2022 tới nay khiến nguồn cung suy giảm, kỳ vọng giá cá tra dần hồi phục từ năm 2024 và ngành cá tra bắt đầu bước vào chu kỳ mới.

Lợi nhuận quý đầu năm vẫn lao dốc

Với triển vọng tích cực của ngành cá tra, Nam Việt lên kế hoạch năm nay đạt doanh thu 5.000 tỷ đồng, tăng 12,6%; lợi nhuận trước thuế 360 tỷ đồng, tăng 458% so với năm ngoái. Doanh nghiệp dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vào ngày 29/6 tới để thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm nay.

Nam Việt cho biết, Công ty đã tự chủ được 100% vùng nguyên liệu, đồng thời có sẵn đối tác tại các thị trường lớn. Vì vậy, khi nhu cầu hồi phục, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi ngay lập tức so với các doanh nghiệp không tự chủ vùng nguyên liệu, phải thu mua bên ngoài.

Tuy nhiên, kết thúc quý I/2024, Nam Việt ghi nhận doanh thu 1.016 tỷ đồng, giảm 12%; lợi nhuận trước thuế 30,4 tỷ đồng, giảm 71,8% và mới hoàn thành 8,5% mục tiêu cả năm; biên lợi nhuận gộp giảm từ 17,6% xuống 9,97%.

Trước đó, theo dữ liệu trên iBoard của Chứng khoán SSI, từ năm 2010 tới năm 2023, biên lợi nhuận gộp của Nam Việt đều trên mức 10%. Trong đó, giai đoạn thuận lợi năm 2022, biên lợi nhuận gộp đạt 27,27%, còn năm khó khăn 2023 giảm về 10,08%.

Duy Bắc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nam-viet-anv-chua-tang-toc-nhu-ky-vong-post345961.html