Đầu tiên là máy bay Grumman F14 Tomcat và tên lửa không đối không tầm xa AIM-54 Phoenix. Từng là biểu tượng của không quân Mỹ, tiêm kích F-14 có 2 động cơ, phi hành đoàn gồm 2 người; có nhiệm vụ bảo vệ hạm đội Mỹ trước máy bay của đối phương.
Tên lửa không đối không tầm xa AIM-54 Phoenix được trang bị trên F-14, có hệ thống dẫn đường và ra đa cực kỳ tinh vi vào lúc bấy giờ. Được biên chế từ năm 1974, với khả năng bắn hạ 6 mục tiêu cùng lúc, tầm bắn gần 200 km.
Máy bay F-14 mang được 6 tên lửa Phoenix, 2 tên lửa dẫn đường hồng ngoại tầm ngắn Sidewinder và một pháo hàng không 20mm bên trong. F-14 có chiều dài hơn 18 m và sải cánh hơn 19 m, tổng trọng lượng khá nặng khoảng 27 tấn; chỉ những tàu sân bay lớn nhất của Mỹ khi đó, mới có thể triển khai F-14 Tomcat.
Tên lửa Phoenix trang bị trên F-14 dài 4 m, trọng lượng 450 kg, tốc độ tối đa là Mach 5, trong khi Tomcat có tốc độ tối đa là trên Mach 2,4. Tên lửa Phoenix đã bị loại biên vào năm 2004 và F-14 cũng loại biên sau đó 2 năm, vào năm 2006.
Thứ hai là súng trường không giật M-40 106 mm, được thiết kế là một vũ khí chống tăng, có thể gắn trên xe bọc thép hạng nhẹ và nặng hơn 200 kg. M-40 được đưa vào trang bị từ năm 1955, để thay thế cho khẩu M-27 105 mm kém chất lượng.
Là loại hỏa lực bắn thẳng, tầm bắn hiệu quả là 1.400 m, xạ giới tầm và hướng rộng, để phù hợp cho nhiệm vụ chống tăng. Súng không giật M-40 thường được gắn trên xe cơ giới hạng nhẹ như Jeep, Humvee hoặc M274; nếu sử dụng trên mặt đất, có giá ba chân.
Đạn của M-40 được sử dụng rất linh hoạt, với nhiều loại đạn có tác dụng khác nhau. Một cách sử dụng khác của M-40, là gắn 6 khẩu súng lên một chiếc xe bọc thép hạng nhẹ gọi là "Ontos", súng được nạp đạn từ bên ngoài và có thể khai hỏa từ bên trong xe. M-40 được sử dụng đến năm 1981 thì ngừng sử dụng.
Thứ ba trong danh sách là vũ khí Napalm, chất gây cháy được phát minh vào năm 1942, được sử dụng để đốt cháy các thành phố của Nhật Bản, các hang động và boongke của kẻ địch trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam.
Ngày 21/1/2009, ngày đầu tiên nhậm chức của Barack Obama, Mỹ cuối cùng đã ký Công ước của Liên hợp quốc đồng ý không sử dụng Napalm. Được sản xuất bằng các chất làm đặc và tạo keo của muối nhôm đồng axit naphthenic và axit palmitic, phiên bản hiện đại hơn được sản xuất bằng cách sử dụng nhựa polystyrene chất làm dày và kết dính đặc biệt.
Là một loại vũ khí quái ác, có nhiệt độ cháy từ 760 đến 1.200 độ C, dính chặt vào bất cứ thứ gì nó tiếp xúc, kể cả da thịt. Napalm sẽ tiêu diệt sinh lực ẩn náu trong boongke hoặc trong xe bọc thép, thiêu rụi các thành phố. Nhưng Napalm cũng gây ra hậu quả khủng khiếp đối với dân thường, bằng chứng là bức ảnh nổi tiếng “cô gái Napalm”.
Thứ tư là dao găm chiến đấu Marine Raider Stiletto, con dao găm một lưỡi nhọn, hai mặt mỏng với phần bảo vệ tay hình thánh giá. Được trang cho Thủy quân Lục chiến trong thế chiến thứ hai.
Được thiết kế và sản xuất bởi Camillus, đã có hơn 15.000 dao được chế tạo vào năm 1942. Dao có lưỡi dài hơn 17cm, Stiletto có thể đâm trực tiếp vào các cơ đối phương hoặc sử dụng để cắt cổ họng kẻ địch một cách lặng lẽ. Tuy nhiên Stiletto đã bị dừng sản xuất vào năm 1943, do đã có loại dao mới hiện đại hơn.
Cuối cùng trong danh sách là súng phóng lựu M-79 40 mm, được gọi với nhiều cái tên khác nhau, như “Blooper” hay “Thumper”, M-79 gắn liền với một chiếc áo đựng đạn, chứa vô số loại đạn cho các mục đích khác nhau.
Binh lính được biên chế M-79, sẽ không mang theo M-16, họ sẽ được trang bị một khẩu súng ngắn cỡ nòng .45. Các loại đạn của M-79 bao gồm đạn nổ, khói, khí CS, chất nổ cao, đạn nổ kép, pháo sáng và các loại đạn kiểm soát chống bạo động. M-79 được biên chế từ năm 1961, và đến những năm 1970 được thay thế bằng M-203, gắn dưới nòng súng M-16.
M-79 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu sau khối chắn như toàn nhà, dưới hào, với tầm bắn hiệu quả là 350 mét và tầm bắn tối đa là 400 mét. Khoảng 350.000 khẩu đã được chế tạo ở Mỹ; 40 quốc gia trên thế giới, đã chế tạo M-79 theo phiên bản của riêng họ và hiện nay, nhiều quốc gia vẫn còn trang bị M-79 trong biên chế quân đội. Nguồn ảnh: QPVN
Tiến Minh