Nắm vững kiến thức để làm chủ hành vi
Cuộc tọa đàm 'Tuổi trẻ với pháp luật Việt Nam' do Đoàn cơ sở Hệ Đại học, Trường Sĩ quan Đặc công (Binh chủng Đặc công) chủ trì tổ chức vừa diễn ra khá thành công. Các ý kiến trao đổi chân thành, cởi mở, đầy trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, thanh niên (CB, ĐVTN) nhà trường khiến buổi sinh hoạt trở nên hấp dẫn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TT-PBGDPL) ở đơn vị.
Với tác phong sâu sát, tỉ mỉ, trước giờ tọa đàm, Thượng tá Phạm Văn Tuyền, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Hệ Đại học, Trường Sĩ quan Đặc công cùng các đồng chí trong ban chấp hành đoàn cơ sở cẩn trọng kiểm tra một lần nữa nội dung kịch bản và các phần việc của công tác chuẩn bị. Anh bày tỏ trăn trở: “Những năm gần đây, vấn đề vi phạm kỷ luật của bộ đội diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Vì vậy, cùng với thường xuyên nắm chắc tư tưởng bộ đội, cần phải tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng sống cho cán bộ, học viên, chiến sĩ thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó chú trọng phát huy hiệu quả hoạt động tọa đàm, diễn đàn, trao đổi kiến thức pháp luật; làm sao để bộ đội dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng”.
Cuộc tọa đàm diễn ra sôi nổi ngay từ những phút đầu tiên, khi các bạn trẻ hào hứng trao đổi về ý nghĩa của Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (9-11); tích cực thảo luận, chia sẻ kiến thức pháp luật cũng như một số bài học của bản thân trong chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước, quy định của đơn vị; những kinh nghiệm trong học tập, tiếp thu kiến thức pháp luật và vận dụng vào thực tế. Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn đại biểu tham gia tọa đàm đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung cũng như kiến thức pháp luật, có sự liên hệ, vận dụng sát thực tế, chứng minh bằng những số liệu thuyết phục, sinh động, khiến không khí cuộc tọa đàm về pháp luật chẳng khác nào buổi sinh hoạt, học tập bổ trợ trên giảng đường.
Thực tế cho thấy, việc nắm chắc kiến thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ quyết định đến thái độ, hành vi và trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, các đại biểu tham gia tọa đàm đều cho rằng, muốn công tác TT-PBGDPL mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bộ đội dễ tiếp cận, vận dụng, thì cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục. Công tác TT-PBGDPL cần được gắn kết chặt chẽ với công tác giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng bộ đội. Bên cạnh đó, cấp ủy, người chỉ huy cần duy trì nghiêm nền nếp, chế độ, sinh hoạt, học tập ngày, tuần, tháng. Cùng với đó, cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trong TT-PBGDPL. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ các cấp phải thực hiện nghiêm việc nêu gương trong chấp hành kỷ luật, pháp luật và tác phong công tác. Đó chính là mệnh lệnh không lời đối với bộ đội trong quá trình duy trì, quản lý kỷ luật ở đơn vị.
Theo Đại tá Phan Ích Dân, Phó chính ủy Trường Sĩ quan Đặc công, trong những năm qua, tình hình vi phạm kỷ luật trong nhà trường có xu hướng giảm dần, không xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng phải xử lý. Có được kết quả đó là do Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm công tác TT-PBGDPL; đưa nội dung này vào nghị quyết lãnh đạo tháng, quý, năm của các cấp ủy, tổ chức đảng. Cùng với đó, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp đảm nhiệm công tác TT-PBGDPL và đội ngũ báo cáo viên (BCV) các cấp.
Làm sao để đội ngũ BCV hoạt động hiệu quả? Trả lời câu hỏi này, Đại tá Phạm Quang Hùng, Phó chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Đặc công, chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức mới về pháp luật, tâm lý quân nhân, kỹ năng tổ chức hoạt động tập thể cho cấp ủy, người chỉ huy và đội ngũ BCV. Đồng thời, cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật,... để cán bộ, học viên, chiến sĩ chủ động tự học, tự rèn, tự hoàn thiện bản thân". Cũng theo Đại tá Phạm Quang Hùng, các tổ, đội BCV ở trường có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chỉ huy, mà còn trực tiếp tiến hành rất hiệu quả công tác TT-PBGDPL ở trường. Với đặc thù là môi trường đào tạo cán bộ, mục tiêu của Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Sĩ quan Đặc công đặt ra là, 100% cán bộ, học viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ phải thực sự mẫu mực trong chấp hành kỷ luật, nắm vững kiến thức pháp luật. Đó chính là cơ sở giúp bộ đội luôn làm chủ được hành vi, thái độ, trách nhiệm của mình trong quá trình học tập, công tác.