Nạn buôn bán chất cấm dần vượt khỏi các thị trường truyền thống

Nhân Ngày Thế giới phòng chống ma túy 26/6, một báo cáo mới công bố của Văn phòng Liên hợp quốc về Phòng chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) đã chỉ ra rằng, cung và cầu đối với chất cấm đang ngày một gia tăng trên toàn cầu và dần vượt khỏi các thị trường truyền thống.

Giới chuyên gia nhận định, đây là một thực tế đáng buồn. Tuy vậy, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng tốc độ phát hiện và thu giữ cocaine đang được các cơ quan chức năng liên quan đẩy nhanh, đồng thời kêu gọi ngăn chặn sự mở rộng của thị trường ma túy bất hợp pháp.

Aljazeera ngày 26/6 dẫn Báo cáo về tình hình ma túy thế giới hàng năm của UNODC cho biết, trên phạm vi toàn cầu, có khoảng 296 triệu người sử dụng ma túy vào năm 2021 - năm gần nhất ghi nhận được dữ liệu, tăng 23% kể từ năm 2011 với khoảng 240 triệu người. Trong đó, UNODC nêu rõ, chỉ một nửa mức tăng nêu trên có thể viện cớ cho việc dân số thế giới tăng ở giai đoạn này. Trong khi đó, số người mắc chứng rối loạn sử dụng ma túy vọt lên đến 39,5 triệu người vào năm 2021, tăng 45% trong vòng 10 năm và chỉ 1/5 số người có liên quan được điều trị vào năm 2021. Ngoài ra, việc trồng cây cocaine và tổng sản lượng cocaine đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021 vẫn đang tiếp tục tăng đều đặn.

Khối lượng lớn ma túy bị phát hiện và thu giữ trong một chiến dịch truy quét của cảnh sát Honduras hồi tháng 12/2022. Nguồn: Reuters.

Khối lượng lớn ma túy bị phát hiện và thu giữ trong một chiến dịch truy quét của cảnh sát Honduras hồi tháng 12/2022. Nguồn: Reuters.

Theo báo cáo của UNODC, lưu vực sông Amazon hiện phải gánh chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do hoạt động mua bán và sản xuất cocaine đang phát triển với mức độ chưa từng có, và tình trạng buôn lậu đang làm gia tăng tội phạm và tàn phá môi trường, trong đó có cả các hoạt động như khai thác gỗ, khai thác mỏ, chiếm đất và buôn bán động vật hoang dã trái phép. UNODC nhấn mạnh, không chỉ khiến ngày càng nhiều người lâm vào tình trạng nghiện ma túy, các nhóm tội phạm còn lợi dụng xung đột và khủng hoảng toàn cầu để mở rộng hoạt động sản xuất chất cấm.

Báo cáo của UNODC có đoạn: “Thế giới hiện đang chứng kiến sự gia tăng kéo dài cả về cung và cầu đối với cocaine, hiện đang được cảm nhận trên toàn cầu và có khả năng thúc đẩy sự phát triển của các thị trường mới vượt ra ngoài giới hạn truyền thống”. Báo cáo cũng chỉ rõ, mặc dù thị trường cocaine toàn cầu tiếp tục tập trung ở châu Mỹ, khu vực Tây và Trung Âu (với tỉ lệ lưu hành cao ở Australia), nhưng các khu vực như châu Phi, châu Á, Đông Nam châu Âu có vẻ đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Đối với methamphetamine hay còn gọi là ma túy đá, dù Đông Á - Đông Nam Á và Bắc Mỹ là những thị trường được ghi nhận có tỉ lệ giao dịch lớn, nạn buôn bán vẫn gia tăng ở những nơi khác, chẳng hạn như Trung Đông và Tây Phi. Hơn nữa, các vụ bắt giữ liên quan đến methamphetamine được sản xuất ở Afghanistan cho thấy nền kinh tế của quốc gia sản xuất 80% cây thuốc phiện bất hợp pháp trên thế giới đang thay đổi.

“Sự sụt giảm mạnh diện tích trồng thuốc phiện ở Afghanistan sau lệnh cấm trồng cây thuốc phiện ở quốc gia Tây Nam Á có thể thúc đẩy xu hướng dịch chuyển sang sản xuất ma túy tổng hợp tại khu vực, vốn là một trong những nơi sản xuất ma túy đá, chất gây nghiện được buôn bán và sử dụng nhiều nhất hiện nay trên thế giới. Nhưng hiện tại, vẫn còn các câu hỏi liên quan đến mối liên hệ giữa sản xuất bất hợp pháp heroin và methamphetamine ở Afghanistan và liệu hai thị trường sẽ phát triển song song hay liệu thị trường này sẽ thay thế thị trường kia hay không”, báo cáo chia sẻ.

Giới chuyên gia nhận định, việc sản xuất ma túy tổng hợp giá rẻ, dễ dàng và nhanh chóng sẽ biến đổi hoàn toàn nhiều thị trường ma túy bất hợp pháp. Tội phạm sản xuất methamphetamine - loại ma túy tổng hợp được sản xuất bất hợp pháp chiếm ưu thế trên thế giới, đang sử dụng mọi thủ đoạn để trốn tránh các cơ quan thực thi pháp luật. Tuy vậy, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng tốc độ phát hiện và thu giữ cocaine đang được các cơ quan chức năng liên quan phối hợp và đẩy nhanh.

Phía UNODC còn đặc biệt lưu ý tới chất fentanyl, được sử dụng như một loại thuốc giảm đau nhưng mạnh hơn morphine 100 lần và mạnh hơn heroin 50 lần (theo Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ - DEA). Theo đó, fentanyl đã làm thay đổi mạnh mẽ thị trường opioid - nhóm thuốc được sử dụng giảm đau, ở Bắc Mỹ với những hậu quả nghiêm trọng. Vào năm 2021, phần lớn trong số khoảng 90.000 ca tử vong do dùng quá liều opioid ở Bắc Mỹ đều liên quan đến fentanyl sản xuất trái phép.

Trước tình trạng trên, Giám đốc điều hành UNODC Ghada Waly kêu gọi: “Chúng ta cần đẩy mạnh việc chống lại các đường dây buôn bán ma túy đang lợi dụng các cuộc khủng hoảng toàn cầu để mở rộng việc trồng và sản xuất ma túy trái phép, nhất là ma túy tổng hợp nhằm ngăn chặn sự mở rộng thị trường ma túy bất hợp pháp cũng như hạn chế tác hại mà nó gây ra cho cộng đồng”.

Trong một diễn biến có liên quan, hồi đầu tháng 6, Liên hợp quốc cảnh báo rằng các mạng lưới buôn bán chất cấm tại châu Á đang gia tăng sử dụng các tuyến đường biển để vận chuyển methamphetamine từ Myanmar. UNODC nêu rõ: “Ma túy đá từ bang Shan thuộc vùng Đông Bắc Myanmar - trung tâm sản xuất ma túy trong khu vực, đang được vận chuyển bằng thuyền để tránh các cuộc tuần tra chặt chẽ hơn trên các tuyến đường bộ qua Trung Quốc và Thái Lan. Khối lượng lớn ma túy đá do Myanmar sản xuất còn đang được tuồn đến Bangladesh và Ấn Độ”.

Kim Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/nan-buon-ban-chat-cam-dan-vuot-khoi-cac-thi-truong-truyen-thong-i698247/