Nạn buôn bán trẻ sơ sinh ở Kenya: Đằng sau sự lựa chọn của một người mẹ
Tháng 11-2020, nhóm Africa Eye của BBC đã phanh phui hoạt động buôn bán trẻ sơ sinh tại 'chợ đen' đang phát triển mạnh ở thủ đô Nairobi, Kenya. Từ bài điều tra của BBC, cảnh sát đã bắt giữ 7 đối tượng vì tội buôn người. Nhưng còn những phụ nữ đằng sau các giao dịch đau lòng này thì sao? Điều gì khiến người mẹ phải bán con mình?
Vật lộn với cuộc sống khó khăn
Cuộc sống của Adama thật dễ dàng khi cô có bố mẹ, cô cho biết. Nhưng cuộc sống của Adama trở nên khó khăn sau khi bố mất lúc cô 12 tuổi và mẹ mất vài năm sau đó. "Cuộc sống lúc đó trở nên thật khó khăn. Tôi đã phải bỏ học và tự vật lộn với bản thân" - Adama cho hay trong một cuộc trò chuyện từ ngôi làng của mình ở vùng nông thôn miền tây Kenya.
Năm 22 tuổi, Adama gặp một người đàn ông và có thai, nhưng anh ta đã chết ba ngày sau khi đứa con gái nhỏ của họ chào đời. Adama ngày càng trở nên cô đơn đến cùng cực. Cô một mình chăm sóc đứa con nhỏ qua một cơn ốm đau quặt quẹo cho đến khi sức khỏe của bé được cải thiện. Khi con gái được 18 tháng, hai mẹ con cần có thu nhập ổn định để giữ cho cả hai sống sót. Vì vậy, Adama để con lại với bà ngoại già cả và đến Nairobi tìm việc làm. "Hãy nhớ rằng, bạn sẽ kiếm sống vì con mình" - Adama nói.
Adama đến Nairobi và bắt đầu bằng việc bán dưa hấu trên phố, nhưng không đủ cho các chi phí, chưa kể bạn thuê cùng đã lấy trộm số tiền tiết kiệm mà cô để lại tại phòng. Cuộc sống ở thành phố cũng khó khăn, để lại một vết sẹo ở đỉnh trán cô do tự vệ trước một người đàn ông.
Cô chuyển sang làm việc trên một công trường xây dựng - nơi cô không được trả lương và từ đó dẫn bước cô bước vào hộp đêm. Cô hướng dẫn ông chủ hộp đêm trả tiền công thẳng về cho bà của cô ở làng. Sau một thời gian, Adama kiếm thêm được chút ít để có thể thuê một nơi ở tại Nairobi. Cô tìm được một công việc mới với mức lương tốt hơn một chút trên một công trường xây dựng khác và gặp một người đàn ông ở đó. Hai người hẹn hò một thời gian và anh ta nói với cô rằng muốn có con.
Adama đề nghị với anh ta một thỏa thuận rằng, nếu cô có thể mang con gái của mình đến sống với họ thì họ có thể có với nhau một đứa con. Anh ta đồng ý. Trong 5 tháng Adama mang thai, anh ta đã trả tiền thuê nhà, các hóa đơn và mua thức ăn. Adama đợi thời điểm thích hợp để đưa con gái vào thành phố. Rồi một ngày, anh ta ra đi và không bao giờ quay lại.
Nhiều phụ nữ lo lắng khi chuẩn bị sinh một đứa trẻ mà không có đủ tiền để nuôi, chứ đừng nói đến hai đứa trẻ. Hầu hết sẽ không bao giờ nghĩ đến việc bán con cho một người lạ. Nhưng đối với một số bà mẹ tương lai trong hoàn cảnh nghèo khó ở Kenya, việc bán con cho những kẻ buôn người đã trở thành phương án cuối cùng trong một số lựa chọn sinh tồn ít ỏi.
Những kẻ buôn người trả số tiền thấp đến kinh ngạc. Sarah 17 tuổi khi mang thai đứa con thứ hai mà không có gì để nuôi đứa trẻ, cô cho hay. Cô đã bán con trai cho một người phụ nữ đề nghị giá 3.000 shilling (khoảng 20 bảng Anh). "Lúc đó, tôi còn trẻ. Tôi chưa bao giờ nghĩ điều mình làm là sai. Sau 5 năm, quá khứ giày vò tôi và tôi muốn trả lại tiền cho người đàn bà đó để nhận lại con" - Sarah chia sẻ.
Sarah nói rằng, cô biết những phụ nữ khác đã bán trẻ sơ sinh với số tiền tương tự. "Nhiều cô gái bán con do bị nhiều thách thức. Có thể, cô ấy bị mẹ đuổi khỏi nhà và không có gì trong tay, hoặc còn đang đi học khi mang thai. Có quá nhiều vấn đề đối với một cô gái 15, 16 tuổi. Bạn sẽ thấy các cô gái mất đi đứa con và mọi thứ họ sở hữu vì không có ai dẫn dắt" - theo Sarah.
Kenya là một trong những quốc gia có tỉ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Châu Phi. Các chuyên gia y tế cho hay, vấn đề trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch COVID-19, với một số phụ nữ bị đẩy vào con đường hành nghề mại dâm để tồn tại và trẻ em gái thất học.
"Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về những phụ nữ và trẻ em gái trong hoàn cảnh này. Những phụ nữ trẻ đến các thành phố tìm việc làm, tham gia vào các mối quan hệ, mang thai và bị cha của đứa trẻ bỏ rơi" - Prudence Mutiso, một luật sư về nhân quyền chuyên về bảo vệ trẻ em và quyền sinh sản, cho hay.
"Nếu người cha không trả tiền, thì những phụ nữ và trẻ em gái này phải tìm cách khác để thay thế cho khoản thu nhập đó. Và đó chính là lý do thúc đẩy họ đến với những người buôn bán trẻ em này, để họ có thể kiếm được một số hình thức thu nhập nhằm nuôi sống bản thân và có thể là con cái khi họ trở về nhà. Mọi người không công khai nói về điều này, nhưng nó tồn tại" - Mutiso nói.
Câu chuyện của một người mẹ bán con
Adama đã che giấu việc mang thai của mình lâu nhất có thể ở công trường, cho đến khi cô không thể mang vác những bao xi măng nặng hay ngụy trang cho cái bụng lùm lùm của mình nữa. Sau đó, cô không có thu nhập để trang trải tiền thuê nhà. Trong ba tháng, chủ nhà đã ban ơn cho cô, sau đó anh ta không cho cô ở nữa, do đó cô "dạt" lên nơi này.
Khi mang thai được 8 tháng, Adama bắt đầu đột nhập vào căn nhà lúc đêm khuya chỉ để ngủ và rời đi vào buổi sáng. "Vào một ngày đẹp trời, tôi sẽ may mắn kiếm được thức ăn. Đôi khi, tôi chỉ uống nước, cầu nguyện và ngủ" - Adama chia sẻ.
Khi một phụ nữ ở vào vị trí của Adama, một số yếu tố có thể hội tụ lại để đẩy họ vào tay bọn buôn người. Phá thai là bất hợp pháp trừ khi tính mạng của người mẹ hoặc đứa trẻ gặp rủi ro. Ngoài ra, sự thiếu thốn đáng kể về giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên, đặc biệt là ở các vùng nông thôn cũng như thiếu nhận thức về quy trình nhận con nuôi hợp pháp.
"Phụ nữ và trẻ em gái mang thai ngoài ý muốn không được chính phủ hỗ trợ. Những phụ nữ này thường trở thành nạn nhân và bị kỳ thị, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và họ có xu hướng trốn chạy. Điều đó khiến họ rơi vào tình huống dễ bị tổn thương ở các thành phố" - Ibrahim Ali, Giám đốc Chương trình Kenya của tổ chức từ thiện Health Poverty Action (HPA), cho biết.
Adama không biết có những lựa chọn pháp lý nào để cô từ bỏ đứa con của mình một cách an toàn và không hiểu gì về quy trình nhận con nuôi. "Tôi hoàn toàn không nhận thức được điều đó. Tôi chưa bao giờ nghe nói về nó" - Adama nói. Cô ấy đã dự tính phá thai nhưng lại không thể dung hòa ý tưởng với đức tin của mình. Sau đó, cô suy nghĩ về việc tự định liệu lấy cuộc sống của mình. "Tôi đã rất căng thẳng, bắt đầu nghĩ rằng mình sẽ tự tử nào" - cô tâm sự.
Nhưng vài tuần trước ngày dự sinh của cô, một người nào đó đã giới thiệu Adama với một người phụ nữ ăn mặc đẹp tên là Mary Auma - người nói với cô đừng phá thai hay kết thúc cuộc đời mình. Mary Auma điều hành một phòng khám đường phố bất hợp pháp ở khu ổ chuột Kayole tại Nairobi. Cô ta đưa cho Adama 100 shilling và bảo cô ấy đến phòng khám vào hôm sau.
Phòng khám tạm của Mary Auma không thực sự là một phòng khám. Đó là hai phòng nằm ẩn sau một cửa hàng kín đáo trên đường Kayole. Bên trong phòng có một vài giá để trống, rải rác những sản phẩm thuốc cũ, phía sau là phòng dành cho phụ nữ sinh nở. Auma ngồi bên trong với trợ lý của mình, mua và bán trẻ sơ sinh để kiếm lời.
Cô ta nói với Adama rằng, người mua của cô ta là những bậc cha mẹ yêu thương trẻ con mà không thể thụ thai nên mong muốn nhận con nuôi. Nhưng trên thực tế, Auma sẽ bán trẻ sơ sinh cho bất cứ ai khi được trả giá hợp lý. Auma cũng nói với các bà mẹ tương lai rằng, cô ta là một cựu y tá, nhưng cô ta lại không có thiết bị y tế, kỹ năng hay hệ thống vệ sinh để đối phó với vấn đề nghiêm trọng trong quá trình sinh nở. "Chỗ của cô ta rất bẩn. Cô ta sẽ sử dụng một hộp đựng nhỏ để hứng máu, không có chậu và giường cũng không sạch sẽ. Nhưng tôi đã tuyệt vọng vì không có sự lựa chọn" - Adama nhớ lại.
Khi Adama đến phòng khám, Mary Auma đã đưa cho cô hai viên thuốc kích thích chuyển dạ. Auma đã có khách hàng và cô ta đang nóng lòng muốn xong vụ mua bán. Nhưng khi Adama sinh con, cậu bé có vấn đề về ngực và cần được chăm sóc khẩn cấp nên Auma bảo Adama đưa cậu bé đến bệnh viện.
Sau một tuần nằm viện, hai mẹ con Adama được xuất viện với cậu bé khỏe mạnh. Chủ nhà - người đã đuổi Adama ra ngoài khi cô đang mang thai đã cho phép cô trở lại và cô ta chăm sóc đứa trẻ. Ngay sau khi tình cờ gặp lại Mary Auma ở chợ và Auma đưa cho cô 100 shilling nữa và bảo cô đến phòng khám vào hôm sau. "Đứa trẻ đã được sinh ra. Giá 45.000 shilling" - Auma nhắn tin cho người mua.
Mary Auma chào giá 45.000 shilling (300 bảng Anh) với Adama mà chỉ đề nghị Adama với mức 10.000 shilling (khoảng 70 bảng Anh). Song Mary Auma không hề biết người mua lần này chính là phóng viên của BBC hóa thân làm khách mua. Đó là một phần của cuộc điều tra kéo dài một năm về nạn buôn bán trẻ em.
Khi Adama đến phòng khám tạm bợ vào lần sau này, cô ngồi trong căn phòng phía sau, ôm đứa con trai bé bỏng trên tay. Trong một cuộc thảo luận rì rầm, phóng viên đóng vai người mua đã nói với cô rằng, cô có nhiều lựa chọn khác và Adama đã thay đổi ý định. Hôm đó, cô ôm con trai rời phòng khám và đưa cậu bé đến một nhà chăm sóc trẻ do chính phủ quản lý. Nơi đó, cậu bé sẽ được chăm sóc cho đến khi có thể thu xếp được việc nhận con nuôi hợp pháp. BBC đã yêu cầu Mary Auma trả lời về những cáo buộc trong câu chuyện này, nhưng cô ta từ chối.
Adama hiện đã 29 tuổi và trở về sống tại ngôi làng - nơi cô đã lớn lên. Cô ấy vẫn thỉnh thoảng đi ngủ với cái bụng đói. Cuộc sống còn nhiều vất vả. Cô thỉnh thoảng nhận công việc ở một khách sạn nhỏ gần đó nhưng không đủ cho cuộc sống. Cô ấy đấu tranh để không chìm vào bia rượu. Cô ước mơ mở một cửa hàng giày của riêng mình trong làng và đánh hàng giày từ Nairobi về, nhưng đó là một ước mơ xa vời. Cô không có liên lạc với con trai mình, nhưng cô không hối tiếc. "Tôi không vui vẻ gì khi bán con của mình. Thậm chí, tôi không muốn đụng đến số tiền đó" - Adama nói.
Cô biết khu phố xung quanh nhà chăm sóc trẻ em - nơi cô để lại con trai mình. Nơi đó gần ngôi nhà mà cô đã bị đuổi ra khi gần đến ngày sinh nở. "Tôi biết khu vực này là an toàn. Và những người chăm sóc thằng bé thật tốt" - Adama cho hay.