Nắn chỉnh sai sót tại Dự án kết nối giao thông Tây Nguyên
Những sai sót được phát hiện và nắn chỉnh kịp thời sẽ giúp Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới sớm trở về đúng lộ trình ban đầu.
Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai sót tại Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Trong ảnh: Quốc lộ 19 qua Tây Nguyên
Sai sót không đáng có
Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Thông báo số 357/TB - KTNN thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.
Đây là một trong những dự án sử dụng vốn vay ODA trong lĩnh vực giao thông được Kiểm toán Nhà nước vào cuộc ngay từ giai đoạn khởi động, mới ở trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật và lựa chọn nhà thầu xây lắp. Tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc và chốt số liệu (ngày 30/9/2021), chi phí đầu tư Dự án mới dừng ở con số 5,838 tỷ đồng, tương đương 0,159% tổng mức đầu tư.
Thực tế cho thấy, sự vào cuộc sớm của Kiểm toán Nhà nước đối với các dự án hạ tầng giao thông là rất cần thiết khi hàng loạt sai sót không đáng có đã được phát hiện tại Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.
Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên có thời gian thực hiện từ năm 2017 đến năm 2023 (dự kiến khởi công gói thầu đầu tiên tháng 6/2021).
Dự án có mục tiêu nâng cấp tuyến Quốc lộ 19 với tổng chiều dài 143,6 km (Bình Định 17 km, Gia Lai 126,34 km) đạt tiêu chuẩn đường cấp III, tốc độ thiết kế 80 km/h cho các đoạn thông thường, đoạn khó khăn châm chước 60 km/h.
Tổng mức đầu tư là 3.654,4 tỷ đồng, tương đương 155,8 triệu USD, trong đó: vốn vay WB là 150 triệu USD, tương đương 3.518,39 tỷ đồng; vốn đối ứng là 3,7 triệu USD, tương đương 86,79 tỷ đồng. Vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật là 2,1 triệu USD, tương đương 49,26 tỷ đồng.
Cần phải nói thêm rằng, Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao Ban Quản lý dự án 2 tổ chức quản lý và thực hiện. Đây là đơn vị được đánh giá là chuyên nghiệp và có bề dày kinh nghiệm trong quản lý, điều hành các dự án ODA. Chính vì vậy, những hạn chế, sai sót tại Dự án tuy không lớn, nhưng cũng gây ngạc nhiên đối với những người từng theo dõi Ban Quản lý dự án 2.
Sai sót đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra liên quan đến việc chấp hành lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư. Kiểm toán Nhà nước cho rằng, chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt tại Quyết định số 710/QĐ - TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong khi mãi đến tháng 4/2020, Dự án mới được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 515/QĐ - TTg ngày 15/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
“Như vậy, Dự án được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong khi chưa có kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 là chưa đúng quy định tại khoản 1, Điều 16, Luật Đầu tư công năm 2014”, Kiểm toán Nhà nước nêu quan điểm.
Theo khoản 1, Điều 16, Luật Đầu tư công năm 2014, các hành vi bị cấm trong đầu tư công bao gồm việc quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không đúng thẩm quyền; không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; không cân đối được nguồn vốn đầu tư.
Các sai sót tiếp tục được Kiểm toán Nhà nước phát hiện tại khâu khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán cho Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, dự toán xây lắp gói thầu XL-03, XL-04 được thẩm định, phê duyệt cập nhật lại giá gói thầu sau khi nhà thầu đã gửi hồ sơ dự thầu là không tuân thủ quy định tại khoản 1 và 3, Điều 12, Nghị định số 32/2015/NĐ - CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ. Nguyên nhân dẫn đến sai sót này là do tư vấn thiết kế kỹ thuật - dự toán là Liên danh Yooshin - Katahara thực hiện không đảm bảo tiến độ yêu cầu, đồng thời do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến công tác huy động bổ sung nhân sự tư vấn thiết kế kỹ thuật gặp khó khăn. Mặt khác, quá trình thẩm định phê duyệt dự toán chưa cập nhật lại vị trí trạm trộn bê tông nhựa trong thuyết minh thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, gói thầu XL-4 còn có sai sót trong khâu văn bản khi tại Quyết định số 198/QĐ - CQLXD ngày 17/10/2020 về việc phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, xác định chiều dài gói thầu là 28,7 km, tăng so với lý trình gói thầu được duyệt là 5 km.
Đối với công tác lựa chọn nhà thầu, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu một số gói thầu tại Dự án do Ban Quản lý dự án 2 thực hiện đã vượt quy định so với thời gian tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước, 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế, trong đó gói thầu XL-3 vượt 26 ngày, gói thầu XL-04A vượt 69 ngày, gói thầu TV-04 vượt 101 ngày.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước phát hiện đơn vị quản lý dự án đã không tổ chức đấu thầu qua mạng các gói thầu: XL-3, XL-04A theo quy định tại Nghị quyết số 01/NQ - CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT - BKHĐT ngày 24/5/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng.
Yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm
Cấn cá lớn nhất tại Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong Thông báo số 357 chính là công tác quản lý tiến độ thực hiện và giải ngân.
Tại Thông báo số 357, Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên thực hiện từ năm 2017 đến năm 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán (28/11/2021), Dự án mới chỉ lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng thi công xây lắp được 2/8 gói thầu xây lắp, chưa phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, trong khi thời gian đóng Hiệp định vay vốn là ngày 30/6/2023.
Căn cứ theo hợp đồng xây lắp, các gói thầu xây lắp đều được yêu cầu hoàn thành trước thời gian 6 tháng trước ngày đóng hiệp định và ngày hoàn thành dự kiến là 24 tháng (gói XL-04) và 23 tháng (gói thầu XL-03). Chính vì vậy, việc ký hợp đồng muộn (18/6/2021) sẽ dẫn đến rủi ro nhà thầu không thực hiện được tiến độ gói thầu. Trên thực tế, đến thời điểm kiểm toán, cả 2 gói thầu đều chưa có bất kỳ khối lượng thanh toán nào.
Hậu quả trực tiếp của việc chậm trễ này là Ban Quản lý dự án 2 đã không thể hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn năm 2021 như đăng ký với Bộ GTVT. Tại thời điểm 30/9/2021, Dự án mới giải ngân được 116/700 tỷ đồng kế hoạch vốn giao, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Đây là điều đáng tiếc, bởi tuyến Quốc lộ 19 là tuyến đường có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường kết nối giao thông và logistics với hành lang Đông - Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung. Việc hoàn thành nâng cấp Quốc lộ 19 sẽ góp phần phát triển hệ thống đường bộ châu Á kết nối Việt Nam với các nước láng giềng; phát triển hành lang an toàn giao thông đường bộ trên Quốc lộ 19 đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn giao thông.
Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện chủ đầu tư đã không lập, phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký kết điều ước quốc tế, kế hoạch thực hiện hàng năm. Điều này là không tuân thủ quy định tại Điều 46, Nghị định số 16/2016/NĐ - CP ngày 16/3/2016 và Điều 42, Nghị định số 56/2020/NĐ - CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Được biết, tại Thông báo số 357, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 phải tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm tập thể và cá nhân liên quan đến việc quản lý tiến độ dự án ở các giai đoạn, các khâu còn thể hiện buông lỏng.
Trước đó, vào cuối tháng 9/2021, Bộ GTVT đã có Công văn số 1010/BGTVT - CQLXD yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 rà soát, kiểm điểm trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đối với Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.
Bộ GTVT cho biết, theo hợp đồng ban đầu ký với tư vấn, tiến độ hoàn thành thiết kế kỹ thuật và dự toán là tháng 10/2020, trình Bộ GTVT phê duyệt hoàn thành vào tháng 12/2020.
Tuy nhiên, mặc dù đã gia hạn hợp đồng, đến nay tiến độ hoàn thành thiết kế kỹ thuật và dự toán chậm so với kế hoạch ban đầu là 8 tháng. Việc lập, trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu và giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng của Dự án chậm so với tiến độ yêu cầu, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân chung của Dự án.
Thực hiện chỉ đạo của Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 các dự án do Bộ GTVT quản lý (Tổ công tác theo Quyết định số 1619/QĐ-BGTVT ngày 1/9/2021 của Bộ GTVT), ngày 16/9/2021, các thành viên Nhóm giúp việc Tổ công tác đã làm việc với Ban Quản lý dự án 2 về tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân của Dự án (Biên bản ngày 16/9/2021). Qua kết quả kiểm tra, các bên liên quan đã đánh giá nguyên nhân Dự án chậm tiến độ ngoài các yếu tố khách quan còn yếu tố chủ quan do tổ chức quản lý điều hành Dự án của Ban Quản lý dự án.
Để đáp ứng tiến độ triển khai thực hiện, tiến độ giải ngân của Dự án, trong thời gian tới, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 thực hiện việc rà soát, đánh giá tổng thể quá trình quản lý, điều hành Dự án, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân của Ban.
“Trên cơ sở đó thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Quản lý dự án 2; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2, báo cáo Bộ GTVT xem xét quyết định”, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu.