Nạn chuột phá hoại lúa xuân
Nhiều tháng nay, bà con nông dân đau đầu đối phó với nạn chuột phá hoại lúa xuân. Dẫu bà con đã đặt bẫy, bả sinh học, bắt thủ công… nhưng chuột vẫn đang tăng nhanh theo cấp số nhân, đe dọa mùa màng.
Cứ chiều đến, bà con nông dân xã Lang Quán (Yên Sơn) lại tay xẻng, tay thúng đựng thuốc diệt chuột sinh học ra đồng đặt bẫy. Bà Lương Thị Cần, thôn 7, xã Lang Quán cho biết, nhà làm 3 sào thì chuột ăn vãn mất 1 sào rồi. Từ ngày gieo sạ xuống là chúng đã phá hoại, ngày nào bà Cần cũng ra đồng hết bỏ bả đến đào hang nhưng vẫn không hạn chế được, những khóm lúa đang thì làm đòng bị chuột cắn gục moi lấy đòng non. Bà Cần chia sẻ, nếu như thời kỳ lúa non, chuột gây hại ở ven bờ thì ở thời điểm này chúng đi sâu vào giữa ruộng cắn phá khiến cho việc tìm diệt chuột gặp vô cùng khó khăn.
Cũng tại huyện Yên Sơn, trên cánh đồng xã Hoàng Khai, Nhữ Hán, Nhữ Khê nhiều diện tích lúa được bà con lấy nilon bao vây để ngăn chặn chuột xâm nhập. Anh Vũ Duy Vũ, thôn Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai cho biết, dùng nilon cũng chỉ hạn chế được phần nào vì chuột quá nhiều. Với tốc độ phá hoại như hiện nay, diện tích lúa của gia đình khó có thể bảo toàn.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Yên Sơn đang bị thiệt hại nặng nhất do nạn chuột phá hoại. Thống kê sơ bộ đã có 30 ha lúa xuân bị chuột cắn phá, chủ yếu trên địa bàn các xã Nhữ Khê, Nhữ Hán, Hoàng Khai, Lang Quán, Thắng Quân…
Dù không bị thiệt hại nhiều như Yên Sơn, nhưng người dân huyện Sơn Dương cũng rất lo ngại đối tượng dịch hại này. Bà Phan Thị Lý, thôn Đồng Dài, xã Thượng Ấm cho biết, chuột là loài tinh ranh, chúng đánh hơi rất giỏi nên mọi giải pháp đều không cho hiệu quả tuyệt đối. Đặc biệt, trong thời điểm lúa đang làm đòng chuột cắn phá sẽ không còn khả năng phục hồi.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năm 2019 vừa qua, toàn tỉnh có trên 422 ha lúa bị chuột phá hại. Thời điểm này, lúa mới đang trong giai đoạn làm đòng đã có trên 41 ha, khả năng vào giai đoạn trỗ, vào chắc chuột tiếp tục gây hại nặng. Điều đáng nói là năm nay nạn chuột hoành hành ở tất cả vùng, miền và địa phương, đặc biệt là những xã có nhiều gò đồi nạn chuột phá hại càng lớn. Để ngăn chặn chuột phá hại mùa màng, chi cục đã có công văn yêu cầu Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố phối hợp với các xã, phường, thị trấn khẩn trương hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp diệt chuột: đặt bẫy, bắt thủ công, kết hợp với nuôi mèo và đặt bả; giữ ổn định mực nước để chuột sợ không dám vào sâu trong ruộng cắn phá.
Ông Nguyễn Ngọc Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn khuyến cáo, chuột không phải như một số dịch bệnh khác, lây lan theo chu kỳ hoặc cơ chế cố định, chúng di chuyển rất nhanh, xa và liên tục tăng đàn theo cấp số nhân vào mùa sinh sản. Do đó, để diệt trừ hiệu quả, trung tâm khuyến khích các địa phương tuyên truyền, phát động các đợt “diệt chuột tập trung” bằng các biện pháp đặt bả, bẫy sinh học, đào hang diệt chuột. Tại xã Thắng Quân, các đợt diệt chuột tập trung đang được bà con triển khai bước đầu đem lại hiệu quả, diện tích cây trồng, đặc biệt là lúa bị chuột cắn phá giảm hẳn.
Ông Hà Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND xã Thắng Quân chia sẻ, khuyến khích diệt chuột tập trung, xã cũng đề nghị bà con nếu sử dụng thuốc diệt chuột hóa học phải có thông báo rộng rãi vùng có sử dụng thuốc; tuyệt đối không được sử dụng điện để diệt chuột gây nguy hiểm cho người và gia súc. Sau khi thực hiện các biện pháp diệt chuột phải thực hiện thu gom xác chuột chết chôn sâu, hạn chế ô nhiễm môi trường.