Nạn đói gia tăng trở lại đòi hỏi các nước đầu tư lớn cho nông nghiệp
Nạn đói đang tăng trở lại trên toàn thế giới và các nước cần đầu tư vào hệ thống nông nghiệp để tăng cường sản xuất lương thực và giảm bớt sự phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Les Echos của Pháp, ông Alvaro Lario, Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế của Liên hợp quốc (IFAD) nhận định tình hình lương thực toàn cầu đang ngày càng trở nên tồi tệ. Từ năm 2019, tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu đi nhanh chóng. Có thêm 150 triệu người phải đối mặt với nạn đói. Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động khốc liệt đối với chuỗi cung ứng lương thực và giá cả các mặt hàng.
Ngay cả ở các nước phát triển, nhiều gia đình không còn đủ khả năng mua thực phẩm có lợi cho sức khỏe và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Tại các nền kinh tế đang phát triển, tình hình còn khó khăn hơn, vì các chính phủ đã nợ nần quá nhiều để có thể có các biện pháp khắc phục.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến tình trạng này thêm tồi tệ. Mặc dù tác động ban đầu của cuộc xung đột lên sản lượng lương thực đã được giảm bớt nhờ vào "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen", nhưng giá thức ăn và nguyên liệu đầu vào đã tăng rất nhiều. Phân bón đắt gấp ba lần trước đây. Đối với những hộ nông dân nhỏ ở các nước nghèo, tình hình rất phức tạp. Rất nhiều người không còn đủ khả năng nuôi bản thân một cách đầy đủ và chắc chắn không thể đầu tư vào khai thác trang trại của họ.
Cũng theo ông Alvaro Lario, tình trạng này sẽ ngày càng xấu đi bởi vì không chỉ bị tác động bởi xung đột hay dịch bệnh, mà chuỗi giá trị thực phẩm còn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Ví dụ lũ lụt ở Pakistan khiến nước sản xuất gạo lớn thứ tư thế giới này không thể xuất khẩu sản phẩm của mình và đã phải nhập khẩu ngũ cốc với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chủ tịch IFAD nhấn mạnh: "Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng những cú sốc trên không phải là nguyên nhân của vấn đề. Chúng ta đang phải trả giá cho hàng chục năm thiếu đầu tư vào hệ thống lương thực, từ cách thức sản xuất đến cách lưu trữ và phân phối".
Ông Lario cho rằng thế giới sẽ cần đầu tư từ 300 đến 400 tỷ USD mỗi năm để hệ thống lương thực toàn cầu có khả năng cung cấp đủ thực phẩm cho mọi người một cách bền vững và chống chịu được với các thách thức môi trường và kinh tế, từ đó chấm dứt nạn đói trên thế giới. Nhưng để huy động đầu tư với qui mô lớn như vậy không phải là điều đơn giản.
IFAD là nhà đầu tư vào nông nghiệp lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ngân hàng Thế giới (WB) và là nhà đầu tư lớn nhất ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, cùng với các nhà đầu tư đồng hành (chính phủ, ngân hàng phát triển, quỹ chống biến đổi khí hậu...), quỹ này chỉ huy động được khoảng 10 tỷ USD mỗi năm. Khoảng cách giữa số tiền hiện có và số tiền cần đầu tư để giải quyết vấn đề đói nghèo vẫn là rất lớn.
Ông Alvaro Lario chia sẻ: "Khó có thể giải thích để mọi người hiểu rằng nếu chúng ta không đầu tư vào hệ thống lương thực hôm nay, chi phí sẽ cao hơn nhiều vào ngày mai vì phải hỗ trợ nhân đạo, giải quyết xung đột, đối phó với di cư bắt buộc...".
Ở châu Phi, 10 triệu thanh niên tham gia thị trường lao động mỗi năm, trong khi chỉ có 4 triệu việc làm được tạo ra. Nếu muốn tránh những bi kịch mới ở Địa Trung Hải, các nước phải tạo ra cơ hội. Từ quan điểm đạo đức cũng như kinh tế, ông Alvaro Lario cho rằng giải pháp tốt nhất là đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp địa phương. 1 USD đầu tư vào nông nghiệp có thể tiết kiệm được từ 6 đến 10 USD để dùng cho viện trợ trong tương lai. Ngày nay, hỗ trợ y tế và nhân đạo chiếm từ 15 đến 20% viện trợ phát triển - gấp 3 đến 4 lần so với đầu tư cho nông nghiệp. Rõ ràng chúng ta đang cứu sống được những sinh mạng, nhưng lại không coi trọng đầu tư vào tương lai.
Cũng theo ông Alvaro Lario, khu vực tư nhân có thể đóng một vai trò quan trọng. Một số quốc gia thành viên, như Pháp, đang huy động vốn đầu tư, nhưng các chính phủ sẽ không thể tìm được 300 đến 400 tỷ USD mỗi năm nếu không vận động được sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.
IFAD đã làm điều này. Thậm chí đây còn là quỹ đầu tiên của Liên hợp quốc ngoài Nhóm Ngân hàng Thế giới đã nhận được hai điểm tín dụng từ các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế và phát hành trái phiếu để gọi vốn. Cần tạo ra các cơ chế tài chính sáng tạo khác nhằm thu hút vốn đầu tư và tài trợ từ các nguồn khác nhau.
Mục tiêu của thế giới là có thể xóa nạn đói vào năm 2030. Nhưng sự trì trệ trong việc triển khai hành động trong ba năm qua khiến cho mục tiêu này khó đạt được. Ông Alvaro Lario khẳng định: "Tôi không thể nói một cách chắc chắn là chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này hay không bởi thế giới đang quay trở lại cấp độ của năm 2005 và chỉ còn một nửa thời gian để hành động. Nhưng chúng ta sẽ phải tiếp tục đấu tranh để đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo"./.