Nan giải bài toán rác thải nông thôn

Nhiều năm qua, vấn đề rác thải sinh hoạt nông thôn đang càng ngày càng trầm trọng gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường sống. Để giải quyết được vấn đề này, cần có sự quy hoạch tổng thể, sớm đưa ra các giải pháp phù hợp.

Nhiều địa phương xuất hiện các bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan nông thôn và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Nhiều địa phương xuất hiện các bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan nông thôn và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Rác thải nông thôn hiện nay được phân chia thành 3 nhóm chính là rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp (tại các làng nghề) và rác thải nông nghiệp. Các loại rác này đang được thải ra môi trường nông thôn mỗi ngày, mà phần lớn là chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, việc quy hoạch, quản lý rác thải nông thôn còn nhiều bất cập.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày, khu vực nông thôn phát sinh khoảng hơn 31 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn sinh hoạt khu vực này có tỷ lệ khá cao chất hữu cơ, chủ yếu là từ thực phẩm thải, chất thải làm vườn và phần lớn đều là chất thải hữu cơ dễ phân hủy. Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chỉ mới đạt khoảng 40% đến 55%. Phần lớn, chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp, không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, mỗi năm tại khu vực nông thôn phát sinh khoảng hơn 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại và chất thải rắn phát sinh từ nhóm làng nghề tái chế phế liệu với nhiều thành phần nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người. Đây mới chính là nguồn chất thải khó xử lý.

Không khó để bắt gặp ở nhiều vùng nông thôn những bãi rác tự phát cạnh các con đường liên thôn, liên xã. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn được người dân thiếu ý thức đóng thành bao ném xuống sông, trên các kênh, rạch, sông suối, ở đâu có dòng nước chảy là ở đó có những dòng rác tự phát. Người nọ thấy người kia đổ được thì cũng mặc nhiên vứt rác bừa bãi. Kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác khắp thôn, xóm, đọng mùi hôi thối rất khó chịu, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan nông thôn, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Hầu hết tại các vùng nông thôn hiện nay, mặc dù quỹ đất rộng nhưng không quy hoạch được bãi rác tập trung, không có hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải, do vậy mỗi hộ phải tự xử lý rác thải của gia đình mình. Tại nông thôn, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phần lớn do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận cùng người dân, đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt, từng bước hạn chế tình trạng vứt rác thải tràn lan. Theo đó, hiện đã có khoảng 40% số thôn, xã hình thành các tổ đội thu gom rác tự quản với kinh phí hoạt động do người dân đóng góp.

Tuy nhiên, việc thu gom rác ở khu vực nông thôn thường chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom rác. Hơn nữa, phần lớn các địa phương chưa có hoạt động phân loại và tái chế rác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 03/2016/TT-BTNMT ngày 10/3/2016 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đây là căn cứ kỹ thuật quan trọng mang tính sàng lọc cho việc sản xuất lựa chọn và thẩm định lò đốt ngay từ giai đoạn đầu. Đồng thời, cần dựa vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để triển khai áp dụng công nghệ phù hợp. Nhiều địa phương hiện đang chuyển sang áp dụng công nghệ compost xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ, với 30 nhà máy trên cả nước. Ưu điểm của công nghệ này là đơn giản, không tốn diện tích đất và không phát sinh nước thải ra môi trường ngoài.

Để giải bài toán rác thải nông thôn, trước mắt UBND các xã, thị trấn cần quy hoạch khu xử lý rác thải, thành lập tổ vệ sinh môi trường thu gom rác thải. Các nhân viên thu gom cần được trang bị đủ công cụ đạt tiêu chuẩn như: Xe chở rác, quần áo bảo hộ lao động, khẩu trang, chổi... Từ đó, rác thải được thu gom chuyển đến các điểm tập kết để vận chuyển đến khu xử lý tập trung.

Người dân chủ yếu xử lý rác thải bằng phương thức đốt.

Người dân chủ yếu xử lý rác thải bằng phương thức đốt.

Ngoài ra, các trạm trung chuyển rác thải phải được bố trí tại các địa điểm thuận tiện giao thông, không gây cản trở các hoạt động giao thông chung, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Các khu xử lý rác thải cần được quy hoạch ở vị trí phù hợp với nguồn phát sinh rác thải, tại khu đất trống, không phá hoại cảnh quan, xa khu dân cư, không nằm trong khu vực thường xuyên bị ngập sâu trong nước, không nằm trong vùng phân lũ của các lưu vực sông, không nằm ở vị trí đầu nguồn nước... Quy mô cơ sở xử lý rác thải và các công trình phụ trợ được xác định trên cơ sở quy mô dân số, lượng chất thải hiện tại và thời gian hoạt động.

Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu công nghệ, xây dựng các khu xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng. Phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải.

Mộc Miên

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nan-giai-bai-toan-rac-thai-nong-thon-282087.html