Nan giải bài toán xe buýt ở Hà Nội

Hạ tầng giao thông bất cập, tỉ lệ chạy đúng giờ thấp, khả năng tiếp cận của người dân hạn chế... là những nguyên nhân khiến xe buýt ở Hà Nội chưa phát huy hiệu quả

Vận tải công cộng được kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nóng của giao thông đô thị Hà Nội. Thế nhưng, thời gian qua, tuy được đầu tư mạnh nhưng Hà Nội vẫn loay hoay với bài toán phát triển xe buýt.

Vẫn giữ tỉ lệ 20%

Năm 2019, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP Hà Nội, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, khẳng định tình trạng ùn tắc giao thông cơ bản được giải quyết. Năm 2018, trên địa bàn TP còn 33 điểm ùn tắc, đến tháng 7-2019 giảm còn 27 điểm. Vận tải công cộng được nâng cao về chất lượng dịch vụ; mạng lưới xe buýt được mở rộng, đáp ứng 15,7% nhu cầu đi lại của người dân. TP phấn đấu đến hết năm 2019, dự kiến hệ thống xe buýt đáp ứng khoảng 17,3% nhu cầu đi lại của người dân và vào năm 2020 tăng lên khoảng 20%-21%.

Những năm qua, trung bình mỗi năm TP Hà Nội trợ giá khoảng 1.300 tỉ đồng cho xe buýt. Giai đoạn 2015-2019, TP Hà Nội đã đầu tư mới hơn 1.100 xe buýt. Thông qua tổ chức đấu thầu 68 tuyến xe buýt, đầu năm 2020, mạng lưới xe buýt Hà Nội đã thay mới được 139 xe. Nỗ lực hiện đại hóa hệ thống xe buýt, nâng cấp nhà chờ xe buýt được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều hành khách.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể khẳng định hệ thống xe buýt của TP Hà Nội đã không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Bất cập về hạ tầng giao thông cùng với tốc độ khai thác chậm, tỉ lệ chạy đúng giờ thấp vẫn luôn là những nguyên nhân chính khiến nhiều người dân không mặn mà với xe buýt. Trung bình mỗi năm có 180.000 lượt xe buýt phải điều chỉnh lộ trình do ùn tắc, ảnh hưởng đến khoảng 3,5% tổng số chuyến. Tỉ lệ chậm chuyến chiếm 50%-60% tổng số chuyến khiến xe buýt không thể cạnh tranh với taxi, xe ôm, những loại hình nhỏ và cơ động khác.

Bên cạnh đó là việc tiếp cận xe buýt của người dân bị hạn chế. Toàn TP có trên 3.800 điểm dừng xe buýt với khoảng cách trung bình giữa các điểm dừng khoảng 1,1 km. Nếu phân theo khu vực, trong nội thành, tỉ lệ người dân tiếp cận xe buýt với cự ly dưới 500 m đạt khoảng 80% nhưng ở ngoại thành, con số này chỉ đạt khoảng 30%.

Từ thực tế khách quan, Hà Nội lại phải điều chỉnh chỉ tiêu cho năm 2021. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đề ra chỉ tiêu năm 2021, phấn đấu đạt tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ vận tải công cộng đạt 20% (bằng mức tối thiểu đề ra năm 2020). Đến năm 2025, tăng tỉ lệ này lên 30%-35%.

Xe buýt nhanh BRT được TP Hà Nội đặt nhiều kỳ vọng nhưng không mang lại hiệu quả. Ảnh: NGÔ NHUNG

Xe buýt nhanh BRT được TP Hà Nội đặt nhiều kỳ vọng nhưng không mang lại hiệu quả. Ảnh: NGÔ NHUNG

Phải đồng bộ các giải pháp

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội, nhận định mạng lưới tuyến xe buýt ngày càng được mở rộng, "phủ sóng" đến 30/30 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, ùn tắc giao thông đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ vận hành của xe buýt, thời gian hành trình. Nếu được ưu tiên về hạ tầng, tổ chức lại giao thông thì xe buýt mới tăng được tính đúng giờ, qua đó thu hút ngày càng nhiều người dân đi xe buýt, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Hiệp hội đã đề xuất thêm 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt. Đây đều là những tuyến đường đã có trong các kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng của TP.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng giải pháp cho một đô thị hiện đại là phải hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, bao gồm đường trên cao lẫn đường hầm với nhiều loại hình giao thông đường sắt đô thị, phương tiện công cộng cùng tham gia. Hiện Hà Nội đang hướng tới lộ trình giảm xe cá nhân và hoàn thiện các công trình đường trên cao. Đây là một hướng đi đúng đắn.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần kết hợp thực hiện các giải pháp, như đầu tư thêm giao thông tĩnh, đường, cầu vượt, đường sắt trên cao; di chuyển nhiều cơ quan, trường học ra xa trung tâm; phát triển đô thị vệ tinh; hiện đại hóa công tác quản lý giao thông... Đặc biệt, trong lúc chờ giải pháp tối ưu để chống ùn tắc, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người tham gia giao thông tuân thủ luật hiện hành.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 là sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc xây dựng kế hoạch triển khai các dự án ngay từ đầu năm sát với khối lượng thi công thực tế, phù hợp với tiến độ giải phóng mặt bằng; hoàn thành và thông xe 18 dự án, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý dự án trên tất cả các khâu từ khi chuẩn bị đầu tư cho đến thi công và nghiệm thu bàn giao, đưa vào khai thác…

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhấn mạnh lãnh đạo TP đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội tập trung khắc phục ngay vướng mắc, hạn chế; phấn đấu hoàn thành thông xe các dự án trong kế hoạch, giải ngân 100% vốn kế hoạch giao. Đối với các dự án khởi công mới, khẩn trương các khâu chuẩn bị đầu tư, mặt bằng, bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, không bị thất thoát.

Sụt giảm vận chuyển do dịch Covid-19

Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Thành Nam cho rằng trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xe buýt ở TP Hà Nội bị cắt giảm 80% sản lượng vận chuyển từ ngày 22-3 và dừng toàn bộ hoạt động từ ngày 1 đến 22-4. Doanh thu cả năm chỉ ước đạt 2.500 tỉ đồng, giảm khoảng 17,5% so với năm 2019.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong năm 2021, Transerco đưa ra chỉ tiêu kế hoạch doanh thu, lợi nhuận phấn đấu tăng 5%-7% so với năm 2020. Transerco sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý rà soát, tối ưu hóa, điều chỉnh luồng tuyến, sức chứa phương tiện phù hợp với lộ trình phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt và bảo đảm khớp nối với các tuyến đường sắt đô thị sắp đi vào hoạt động.

BẠCH HUY THANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nan-giai-bai-toan-xe-buyt-o-ha-noi-20210116214840846.htm