Nan giải chuyện học văn hóa của vận động viên

Trong tháng 4 và tháng 5-2023, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã có các buổi khảo sát tại 3 trường THPT năng khiếu thể dục - thể thao trên địa bàn TPHCM liên quan việc triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND TPHCM về chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên (HLV, VĐV). Từ đây, nhiều vấn đề xoay quanh việc học văn hóa của các VĐV được đặt ra.

Khó cân bằng giữa học và tập luyện

Cùng với việc phát triển năng khiếu thể dục - thể thao (TDTT) thì công tác đào tạo văn hóa cho VĐV cũng là yêu cầu cần thiết, đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện và đảm bảo tương lai lâu dài của tuyển thủ. Thực tế cho thấy, một trong những lý do khiến nhiều VĐV chia tay sự nghiệp thể thao đến từ việc không thể cân bằng giữa việc học và tập luyện.

Nhiều gia đình muốn con em mình tập trung học văn hóa, đảm bảo công việc ổn định trong tương lai hơn là theo sự nghiệp thể thao thành tích cao với nhiều bấp bênh.

Cái khó cho VĐV là không có đủ thời gian để học. So với các học sinh bình thường khác, VĐV dành nhiều thời gian tập luyện và thi đấu, chưa kể tập huấn dài hạn, điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập. Tại TPHCM, các VĐV thuộc cấp tiểu học và THCS vẫn học theo chương trình tương tự những học sinh khác, nên gặp khó khăn nếu phải tập huấn, thi đấu dài ngày.

Một HLV ở đội tuyển thể dục nghệ thuật TPHCM cho hay: “Chương trình học ở trường hiện nay của các VĐV thường có 2 buổi/ngày nên chỉ tập luyện vào chiều tối. Cả ngày hoạt động liên tục như thế đôi khi làm VĐV mệt mỏi, khó chuyên tâm tập luyện. Nhiều bậc phụ huynh cũng xót con nên cân nhắc có tiếp tục cho con em mình theo con đường thể thao chuyên nghiệp hay không”.

Học sinh Trường THPT Năng khiếu TDTT học theo chương trình của Bộ GD-ĐT

Học sinh Trường THPT Năng khiếu TDTT học theo chương trình của Bộ GD-ĐT

Trưởng bộ môn cầu lông TPHCM Đặng Anh Đăng nhìn nhận, việc học văn hóa là quan trọng với VĐV, nhất là học ngoại ngữ là điều cần thiết khi các em phải thường xuyên thi đấu quốc tế. Tuy vậy, với VĐV chuyên nghiệp theo chế độ đội tuyển nên có chính sách giảm tải việc học để có thời gian tập trung chuyên môn.

Bổ túc văn hóa hay đào tạo chính quy?

Để tránh ảnh hưởng đến việc tập luyện chuyên môn trong ngày, một số VĐV thể thao thành tích cao thường lựa chọn học văn hóa theo dạng bổ túc vào các buổi tối. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM Lý Đại Nghĩa, ngoài tập trung đào tạo năng khiếu hướng đến tài năng thể thao, trung tâm còn tổ chức những hoạt động khác để VĐV sau khi hoàn thành nhiệm vụ có đầy đủ bằng cấp, kiến thức tiếp tục phục vụ cho ngành thể thao, xã hội.

Trung tâm đang tổ chức phân hiệu bổ túc văn hóa với chức năng là đào tạo bổ túc văn hóa cho VĐV năng khiếu từ lớp 6 đến lớp 12, với hơn 300 VĐV theo học. Đa phần học sinh là VĐV thành tích cao nên thời gian tập trung cho luyện tập và thi đấu rất lớn, do đó thời gian học của phân hiệu bổ túc chỉ tổ chức vào các buổi tối. Đối với những VĐV quốc gia tập huấn dài hạn, trung tâm phải sử dụng phương thức dạy học online để các em có thể hoàn thành chương trình học.

Cũng theo ông Nghĩa, về mặt pháp lý, phân hiệu bổ túc văn hóa này nằm trong trung tâm song chưa đảm bảo hoạt động như một trung tâm giáo dục thường xuyên hay một trường học. Điều này đã gây nhiều khó khăn trong việc đào tạo cũng như việc phối hợp để đào tạo nghề hay những hoạt động khác.

Thời gian qua, trung tâm đã kiến nghị Sở GD-ĐT TPHCM xem xét hướng dẫn đơn vị chuyển đổi phù hợp về mặt tổ chức pháp lý để phân hiệu bổ túc văn hóa này có thể trở thành một trung tâm hay một phân hiệu giáo dục thường xuyên theo đúng Luật Giáo dục hiện nay.

Nếu VĐV không muốn theo học hệ bổ túc thì các trường năng khiếu TDTT là một lựa chọn. Hiệu trưởng Trường THPT Năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Yến Phương cho biết, nhà trường có chức năng giảng dạy văn hóa cho học sinh năng khiếu TDTT thuộc các tuyến do Sở VH-TT TPHCM quản lý. Học sinh được học tập theo chương trình của Bộ GD-ĐT quy định đối với học sinh phổ thông. Những học sinh nào tham gia những chuyến tập huấn, thi đấu ở những giải thể thao thành phố, quốc gia sẽ được nhà trường sắp xếp các lớp bồi dưỡng văn hóa hay tham gia các lớp học trực tuyến giúp trang bị đủ vốn kiến thức.

NGUYỄN ANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nan-giai-chuyen-hoc-van-hoa-cua-van-dong-vien-post692725.html