Nan giải quản lý thuế livestream bán hàng
Những ngày qua, vấn đề chống thất thu thuế từ hoạt động livestream bán hàng đang rất nóng, bởi đây là phương thức kinh doanh mang lại doanh thu khủng trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Việc thu thuế các giao dịch TMĐT vẫn còn nhiều khó khăn.
Nóng từ nghị trường Quốc hội
Ngày 4-6, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Đỗ Trí Nghĩa đề nghị Bộ trưởng làm rõ “hiện tượng livestream”. Thế nhưng, trong phần trả lời đầu tiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chưa trả lời câu hỏi này, nên trong phần tranh luận, đại biểu Nghĩa đã bày tỏ quan ngại về việc quản lý các cá nhân bán hàng, vì mỗi phiên livestream thu về hàng trăm tỷ đồng. Theo đại biểu Nghĩa, nếu đi không đúng hướng cơ quan quản lý sẽ hết sức vất vả, luôn luôn đuổi theo "mê hồn trận" rất khó khăn mà người tiêu dùng lãnh đủ, cơ quan thuế thất thu.
Ngay sau phiên chất vấn này, ngày 5-6, Tổng cục Thuế đã có công điện yêu cầu cục thuế các địa phương rà soát, kiểm tra toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT trên sàn giao dịch. Các tổ chức, cá nhân tham gia tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ quảng cáo, cung cấp phần mềm, cũng nằm trong diện rà soát lần này. Cùng đó, lãnh đạo ngành thuế lưu ý với nhóm kiểm tra là các tổ chức, cá nhân livestream bán hàng hóa, dịch vụ.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 56/CĐ-TTg ngày 6-6-2024, yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Trong đó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Chưa hết, ngày 10-6, tại hội nghị về kết nối, chia sẻ dữ liệu phát triển TMĐT, nâng hiệu quả quản lý thuế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch TMĐT, livestream.
Thủ tướng đánh giá, quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, TMĐT còn thất thoát. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ sửa Nghị định 123/2020 quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch này.
Việc người có doanh thu và thu nhập từ livestream bán hàng phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân, đã được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 1-6. Theo ông Chi, livestream bán hàng trên mạng có thể phát sinh doanh thu, thu nhập.
Do đó, đây là hoạt động kinh tế, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế, như với TMĐT nói chung. Cụ thể, cá nhân có doanh thu và thu nhập từ hoạt động này sẽ phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân. Còn hộ kinh doanh gia đình thực hiện theo thuế khoán hoặc kê khai thuế định kỳ.
Còn nhiều nút thắt
Một điều dễ nhận thấy là hoạt động TMĐT đang phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm qua. Theo Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Riêng với hình thức bán hàng qua livestream tuy chưa có những con số thống kê về doanh thu cụ thể, nhưng theo dự báo của McKinsey&Company, mua sắm trực tiếp qua livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng TMĐT vào đầu năm 2026. Doanh thu lớn, nhưng thu thuế từ TMĐT nói chung vẫn còn khiêm tốn, cụm từ “thất thu” vẫn được sử dụng thường xuyên khi nói về thuế trong lĩnh vực này.
Chia sẻ cùng ĐTTC, TS. Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ví von chúng ta thu ít nhưng “rung cây dọa khỉ” thì nhiều. Cứ một thời gian câu chuyện cá nhân, tổ chức nào bị truy thu thuế khủng lại nổi lên, thu hút sự quan tâm của dư luận, nhưng rồi vẫn không giải quyết được vấn đề chung.
Cũng theo TS. Tú, nếu kêu gọi sự tự nguyện rất khó, bởi đôi khi “thật thà thì thua thiệt”, vì thế ngành thuế cần đảm bảo công bằng thuế. Với việc livestream bán hàng, Bộ Tài chính cần có những quy định cụ thể, chính sách rõ ràng thu như thế nào, căn cứ vào đâu để xác định thuế… từ đó cán bộ thuế cũng như người kinh doanh hiểu rõ để tránh thất thu thuế và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ cho người tham gia.
Song ông Tú cũng thẳng thắn nhìn nhận, không chỉ thu thuế online mà ngay cả thuế khoán với hộ kinh doanh cũng còn nhiều bất cập, vì có không ít hộ kinh doanh “phía sau cửa hàng”.
Liên quan đến vấn đề thu thuế hoạt động livestream bán hàng còn rất nhiều câu hỏi, trong đó cái không ít người quan tâm là trong trường hợp người livestream xóa link. Trả lời câu hỏi này, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho rằng đặc thù của các phiên livestream có định danh và hình ảnh, thời gian cũng kéo dài, nên cơ quan thuế có thể ghi lại để kiểm soát.
Tất nhiên trong bối cảnh các phiên livestream bùng nổ như hiện nay, không thể kiểm soát hết ngay mà cần có thời gian. Theo ông Thắng, các kho hàng của Trung Quốc đặt gần biên giới không còn là điều mới, họ tuyển cộng tác viên người Việt bán hàng, livestream, thậm chí một số nơi công khai kêu gọi cộng tác viên livestream nhiều trên nền tảng TikTok.
Một câu hỏi khác cũng được nhắc tới trong lúc này, chính là vai trò của các chủ sàn ra sao. Ngay khi các thông tin này nóng lên, một số sàn lớn đã nhanh chóng khẳng định họ có nhiều công cụ để kiểm soát, kết nối với cơ quan thuế để tránh thất thu. Song nếu nhìn vào thực tế những năm qua, việc né thuế khi kinh doanh trên các sàn TMĐT không hề ít. Và lỗi thường được đổ cho việc lượng người tham gia kinh doanh quá đông nên quản không xuể.
Nếu không kiểm soát, không chỉ thất thu thuế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước và người tiêu dùng khó tránh việc mua phải hàng giả, nhái, kém chất lượng.
Thanh Lâm
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nan-giai-quan-ly-thue-livestream-ban-hang-post114882.html