Nan giải tình trạng ngộ độc thực phẩm

Theo Bộ Y tế, chỉ tính trong 11 tháng của năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 7 vụ, số mắc tăng 2.677 người, số tử vong giảm 7 người.

Mối lo nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố

Mối lo nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố

Liên tiếp nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng

Chỉ trong tháng 12, tại một số địa phương đã xảy ra những vụ ngộ độc tập thể khiến nhiều người nhập viện. Theo đó, ngày 6/12, trên địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 84 trường hợp ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Premium Fashion Việt Nam (khu công nghiệp WHA) và Công ty TNHH JTEC (Khu công nghiệp VSIP) do nghi do Histamin có trong mẫu cá Bạc má chiên và Vi sinh vật (E.coli, Coliforms) trong một số mẫu thức ăn (Dưa xào thịt, cá bạc má chiên, rau cải xào, thịt kho củ cải, cam). Trước đó vài ngày, vụ ngộ độc sau ăn bánh mì tại TP Vũng Tàu cũng khiến gần 300 người nhập viện và 1 trường hợp tử vong.

Mới đây, trưa 19/12 tại quận Long Biên (Hà Nội) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm tử vong 2 người, nhiều người phải cấp cứu. Trong số 20 bệnh nhân nhập viện, có đến 14 bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc - toan chuyển hóa tăng lactate. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ ngộ độc là do ngộ độc hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng mà mọi người sử dụng trong bữa tiệc.

Cũng do rượu, chiều 22/12, Bệnh viện Vũng Tàu, thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tiếp nhận 4 người nhập viện nghi ngộ độc rượu (Methanol), 1 bệnh nhân hôn mê.

Còn trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 7 vụ, số mắc tăng 2.677 người, số tử vong giảm 7 người. Số vụ ngộ độc thực phẩm lớn (nhiều hơn 30 người mắc/vụ) là 29 vụ, khiến 4.049 người mắc và 2 người tử vong; số vụ ngộ độc nhỏ, vừa (dưới 30 người mắc/vụ) là 102 vụ, khiến 747 người mắc và 19 người tử vong.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong số 131 vụ ngộ độc thực phẩm có 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên (chủ yếu do ngộ độc cóc, nấm rừng, so biển, cá nóc, cua lạ); 6 vụ liên quan đến hóa chất; 45 vụ liên quan đến vi sinh vật và 37 vụ chưa xác định nguyên nhân. Trong năm qua đã ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người tại các công ty (tỉnh Vĩnh Phúc, Đồng Nai); bếp ăn trường học và cả căng tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học (tỉnh Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh); do thức ăn đường phố (ở tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai, Sóc Trăng).

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, có 3 hình thức ngộ độc thực phẩm cơ bản. Thứ nhất, thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật và các độc tố của vi sinh vật. Trong nhóm này phổ biến nhất vẫn là vi sinh vật gây bệnh qua đường tiêu hóa như Ecoli, Salmonella, lị… Đây cũng là nhóm nguyên nhân gây ngộ độc nhiều nhất ở nước ta, do việc chế biến, sử dụng thực phẩm mất vệ sinh;

Thứ hai, thực phẩm bị nhiễm các hóa chất do nuôi trồng, bảo quản, chế biến (như hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, phụ gia thực phẩm…). Thứ ba, bản thân thực phẩm có độc (chất độc tự nhiên), ví dụ cá nóc, nấm…

Nếu ngộ độc xảy ra khi vừa ăn xong hoặc trong vòng 6 giờ nôn luôn là do ngộ độc các độc tố có sẵn bên trong thực phẩm, nhẹ nhất là độc tố tụ cầu, vi trùng, vi khuẩn. Nếu bệnh nhân có thêm các triệu chứng về tim mạch, thần kinh, tê bì, yếu cơ, mờ mắt, rối loạn nhịp tim và một số cơ quan khác mà các triệu chứng này không phải do nhiễm trùng, không do mất nước gây ra, không phải là bệnh đường tiêu hóa đơn thuần thì cần nghĩ đến ngộ độc do yếu tố hóa chất hoặc độc tố tự nhiên trong thực phẩm.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm

Mới đây nhất, chiều ngày 2/1, Hà Nội đã tạm dừng hoạt động cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh (11 Hàng Than, quận Ba Đình) – một cơ sở sản xuất bánh cốm nổi tiếng ở Thủ đô.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội cho biết, cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh có 5 nhân công lao động sản xuất và 1 chủ cơ sở. Khu vực sản xuất của cơ sở được tận dụng trong gian bếp sinh hoạt của gia đình, không phân khu riêng biệt. Nền nhà khu vực bếp bong tróc, ẩm mốc, cống rãnh hở, ứ đọng rác, quần áo được phơi giặt ngay trong khu vực sản xuất. Dụng cụ sơ chế, chế biến dùng trong sản xuất cáu bẩn do không có chế độ vệ sinh định kỳ. Đặc biệt, nhà vệ sinh nằm ngay trong khu vực sơ chế, chế biến. Trong khu vực sản xuất còn phát hiện có côn trùng và phân của động vật. Thêm nữa, các bao tải đựng nguyên liệu cốm khô được xếp ngay lối ra vào khu bếp, gần khu vực tường ẩm mốc…

Ngoài ra, qua kiểm tra hồ sơ pháp lý, cơ sở chưa xuất trình được giấy khám sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và 5 nhân viên. Cơ sở này cũng chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của tất cả các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm…

Theo Bộ Y tế, năm 2024, công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm. Tính đến 30/11/2024, toàn ngành Y tế (tại Trung ương và địa phương) đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra; đã xử lý 9.043 cơ sở (chiếm 41% số cơ sở vi phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023), trong đó phạt tiền 6.658 cơ sở với số tiền phạt hơn 33 tỷ đồng (số cơ sở phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, số tiền phạt tăng 1,69 lần số tiền phạt năm 2023).

Bộ Y tế cũng thông tin, trước tình hình ngộ độc thực phẩm có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học và do thức ăn đường phố, Bộ Y tế tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị, Công điện về tăng cường ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Năm 2025, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất một đầu mối từ trung ương đến địa phương.

Về phương án xử lý ngộ độc thực phẩm, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, cần phải xác định ngay xem có nguy cơ cao rủi ro hay không biểu hiện qua triệu chứng rầm rộ, dai dẳng (đau liên tục không hết, không đỡ); mức độ đau, nôn, mệt mỏi, đi ngoài, biểu hiện thần kinh, đau ngực, lơ mơ, chếnh choáng… Khi bệnh nhân đau bụng, nôn, tiêu chảy thì cách xử lý tại nhà dễ nhất là bù nước bằng oresol, uống nước canh cho muối, nước gạo cho thêm muối, uống theo nhu cầu. Đồng thời theo dõi nhiệt độ xem có sốt không. Trong trường hợp uống bù nước không đủ, uống xong lại nôn liên tục, cần đến ngay cơ sở y tế.

THANH MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nan-giai-tinh-trang-ngo-doc-thuc-pham-10297753.html