Nan giải vấn nạn lao động 'chui'

Thị trường đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian gần đây đã có những đột phá vượt bậc, dự kiến sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu (đưa 90.000 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài). Tuy nhiên, một trong những vấn đề nhức nhối là tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, cư trú bất hợp pháp tăng cao.

Tăng cường kết nối việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước được xem giải pháp hữu hiệu hạn chế lao động bỏ trốn.

Tăng cường kết nối việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước được xem giải pháp hữu hiệu hạn chế lao động bỏ trốn.

Thông tin về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ LĐTB&XH cho biết, hiện nay có trên 600.000 người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3 – 3,5 tỷ USD/năm. Số lượng lao động tăng dần các năm, trung bình tăng 10%/năm.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, năm 2020-2021 hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, số đưa đi làm việc năm 2020 là 78.641 người, năm 2021 là 45.058 người.

Tuy nhiên, từ năm 2022, hoạt động này có dấu hiệu phục hồi (8 tháng năm 2022 số lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt 81.000 lao động, bằng 90% kế hoạch năm 2022). Dự kiến, năm 2022 số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể đạt 105.000 người.

Mặc dù vậy, một trong những vấn đề nhức nhối nhiều năm liền tồn tại trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đó là tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, cư trú bất hợp pháp.

Thực tế trong 2 tháng vừa qua, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã bắt giữ hàng trăm người lao động trái phép, trong đó có 49 người Việt Nam. Con số trên tiếp tục là lời cảnh tỉnh về tình trạng lao động phá hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc tại thị trường này. Tại Thanh Hóa, một trong những tỉnh có đông lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết trong giai đoạn 2017 – 2021, Thanh Hóa đã đưa trên 42.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các thị trường như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông và các thị trường khác. Hàng năm, số tiền người lao động tỉnh Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài gửi về gia đình ước khoảng 120-150 triệu USD, tương đương 2.700 - 3.400 tỷ đồng.

Các gia đình có con em đi xuất khẩu lao động gửi tiền về đã đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ…giải quyết thêm nhiều việc làm mới làm thay đổi diện mạo nông thôn. Những hộ nghèo sau khi đi làm việc ở nước ngoài cơ bản đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu” - ông Tùng thông tin.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Sở LĐTB&XH Thanh Hóa thừa nhận việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là việc lao động bỏ ra ngoài, cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng đã làm ảnh hưởng đến tình hình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nói chung.

Theo số liệu của Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH, tính đến tháng 6/2022, Thanh Hóa có gần 900 lao động bất hợp pháp trong tổng số 6.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm 8,77% tổng số lao động cả nước đang cư trú trái phép tại nước này.

Tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do chênh lệch về thu nhập của người lao động làm việc trong nước và nước ngoài rất lớn, từ 7 – 10 lần. Vì vậy, nhiều người lao động vì lợi ích trước mắt đã tìm mọi cách để ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hợp đồng.

Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH cho biết, giai đoạn 2016 - 2017, số lượng các huyện bị tạm dừng đưa người lao động đi nước ngoài là khoảng 40 - 50 huyện, của 20 tỉnh. Đến năm 2018, số huyện bị tạm dừng đã giảm xuống 20 huyện và đến năm 2022 này, số huyện bị tạm dừng đã giảm xuống còn 8 huyện. Đây đã là nỗ lực rất lớn của các địa phương trong việc giải quyết vấn đề lao động bỏ trốn.

“Việc người lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài xuất phát từ trình độ nhận thức, tác phong lao động yếu. Vì vậy, người lao động không nhận thức được sự nguy hiểm, tác hại của việc bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp với lợi ích của bản thân, gia đình và xã hội. Nếu bị phát hiện, lao động sẽ bị nước bạn bắt giam, trục xuất và mất cơ hội nhập cảnh trở lại” - ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.

Trước thực trạng gần đây có nhiều cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại quảng cáo, mời chào người lao động nộp tiền tham gia các khóa học nghề, thi tuyển để đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E7 không đúng quy định pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc. Do đó, Cục Quản lý lao động đề nghị người có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành nghề kỹ thuật thị thực E7 cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và có hợp đồng cung ứng lao động thị thực E7 được cơ quan quản lý chấp thuận để được tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ tuyển dụng.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nan-giai-van-nan-lao-dong-chui-5694961.html