Nạn mua bán trẻ em 'núp bóng' nhận con nuôi ở Philippines

Bộ Tư pháp Philippines đang phối hợp với Văn phòng Tổng thống nước này để triển khai một loạt hành động nhằm chống nạn buôn bán trẻ sơ sinh qua mạng xã hội dưới hình thức nhận con nuôi.

 Chính phủ Philippines đang nỗ lực ngăn chặn nạn mua bán trẻ em qua mạng xã hội

Chính phủ Philippines đang nỗ lực ngăn chặn nạn mua bán trẻ em qua mạng xã hội

Gỡ bỏ hàng trăm tài khoản liên quan đến buôn bán trẻ sơ sinh

Bộ Phúc lợi và Phát triển xã hội (DSWD) của Philippines đã cảnh báo việc gia tăng đột biến số tài khoản mạng xã hội Facebook ở nước này chứa đầy quảng cáo bán trẻ em, bao gồm những trường hợp bị chính cha mẹ ruột rao bán. Theo những người ủng hộ quyền trẻ em, điều này có thể tạo điều kiện cho các hình thức bóc lột đối với trẻ.

Thông qua Cơ quan Chăm sóc trẻ em quốc gia (NACC), DSWD đã theo dõi 20-40 tài khoản Facebook liên quan đến việc mua bán trẻ em kể từ năm 2023. Những trang này thu hút hàng nghìn người theo dõi, được dùng để bán trẻ sơ sinh và trẻ em dưới chiêu bài nhận con nuôi.

Ngay cả những đứa trẻ chưa chào đời cũng đã được xếp hàng để bán. Một số bậc cha mẹ quảng cáo con mình như hàng hóa trên mạng xã hội, thậm chí, các đại lý còn áp dụng phí nhận con nuôi. Những phát hiện này đã được chuyển cho Cảnh sát quốc gia Philippines để bắt giữ thủ phạm.

Mới đây, một em bé mới 8 ngày tuổi đã được cảnh sát giải cứu tại thành phố Dasmarinas (Cavite). Mẹ của bé đã cố gắng bán con với giá 50.000 peso (tương đương 859 USD). Sau đó, một đại lý môi giới đã nâng giá chào bán em bé này lên 90.000 peso.

Chính phủ Philippines đang nỗ lực ngăn chặn nạn mua bán trẻ em qua mạng xã hội

Chính phủ Philippines đang nỗ lực ngăn chặn nạn mua bán trẻ em qua mạng xã hội

Lực lượng chức năng đã buộc tội người mẹ và kẻ môi giới vì buôn bán trẻ em. Đứa bé đang được chăm sóc tại trại trẻ mồ côi. Vụ bắt giữ xuất phát từ thông tin của NACC về một "chợ đen" trên mạng xã hội. Các nghi phạm đã bị buộc tội theo "Đạo luật chống buôn bán người" với các hình phạt nghiêm khắc, bao gồm tù chung thân và các khoản tiền phạt.

Bán trẻ sơ sinh là bất hợp pháp theo quy định của Đạo luật Cộng hòa 9208 (sửa đổi) hoặc Đạo luật Chống buôn bán người năm 2023, quy định hình phạt tù từ 12 năm đến chung thân và phạt tiền từ 1-5 triệu peso.

Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mico Clavano cho biết, Bộ phận chống tội phạm mạng của Bộ này đang liên lạc thường xuyên với Meta, công ty mẹ của Facebook, để triệt phá hoạt động buôn bán trẻ sơ sinh bất hợp pháp trực tuyến. Ông báo cáo rằng, cơ quan này đã gỡ bỏ hơn 500 tài khoản Facebook được cho là có liên quan đến việc buôn bán trẻ sơ sinh bất hợp pháp.

Ông kêu gọi người dân báo cáo ngay cho chính quyền các tài khoản mạng xã hội có liên quan đến việc bán trẻ sơ sinh trực tuyến và nhắc nhở rằng những người mua trẻ sơ sinh cũng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Nạn mua bán trẻ em “núp bóng” nhận con nuôi ở Philippines

Nạn mua bán trẻ em “núp bóng” nhận con nuôi ở Philippines

"Không thể coi trẻ em như hàng hóa"

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Phúc lợi Xã hội Rex Gatchalian chỉ trích Facebook vì "thiếu trách nhiệm" trong việc xử lý các báo cáo về vi phạm buôn bán người. Ông tuyên bố rằng, nội dung không được kiểm soát trên Facebook cho phép các bà mẹ "bán" con mình, điều mà ông mô tả là một hình thức bóc lột trẻ em và buôn bán người.

"Bất kỳ hình thức nhận con nuôi nào được thực hiện ngoài các hướng dẫn và quy định của NACC đều bị coi là một hình thức buôn người và rửa tiền. Đây rõ ràng là hành vi vi phạm luật chống bóc lột trẻ em. Không nên coi trẻ em như hàng hóa. Ngay cả khi bạn vô tình để con mình được làm con nuôi, bất kỳ loại hành vi nhận con nuôi nào ngoài sự giám sát hoặc ngoài hướng dẫn của NACC đều là tội phạm", ông khẳng định.

Theo Cơ quan Thống kê Philippines, khoảng 25 triệu người Philippines được xếp vào diện nghèo trong nửa đầu năm 2023.

Theo Cơ quan Thống kê Philippines, khoảng 25 triệu người Philippines được xếp vào diện nghèo trong nửa đầu năm 2023.

Bà Amihan Abueva, Giám đốc điều hành khu vực của Liên minh quyền trẻ em châu Á và là đồng sáng lập tổ chức chống buôn bán trẻ em ECPAT, cho biết: "Người mua trong các bài đăng thường là những cặp vợ chồng không có con, gặp khó khăn với các chính sách nhận con nuôi.

Tuy nhiên, trẻ em cũng có thể trở thành đối tượng bị khai thác tình dục bởi các tổ chức chuyên săn tìm con mồi cho những kẻ ấu dâm. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hành vi tình dục vô trách nhiệm ở người lớn và việc thiếu giáo dục có thể khiến các bậc cha mẹ chọn bán con".

Theo Cơ quan Thống kê Philippines, khoảng 25 triệu người Philippines được xếp vào diện nghèo trong nửa đầu năm 2023. Hầu hết các gia đình nghèo ở nước này đều xuất thân từ những hộ gia đình đông người, thường có từ 5 thành viên trở lên. Điều này có liên quan đến các vụ việc trẻ em bị chính người thân trong gia đình buôn bán.

Trong những khu ổ chuột ở Philippines, khi phụ nữ mang thai ngoài ý muốn và không có đủ tiền để phá thai an toàn, giải pháp mà họ chọn là tìm cha mẹ nuôi cho đứa trẻ và nhận một khoản tiền hỗ trợ.

Phần lớn trẻ được nhận nuôi bởi các mục đích như buộc phải đi ăn xin, làm việc trong các đồn điền, hầm mỏ và nhà máy, thậm chí phục vụ trong các ổ mại dâm. Theo thống kê của Phái đoàn Tư pháp Quốc tế, gần 500.000 trẻ em Philippins bị buôn bán phục vụ cho việc bóc lột tình dục để kiếm lời vào năm 2022. Gần 250.000 người lớn đứng sau các âm mưu buôn người này.

Phó giám đốc NACC Janella Estrada nhấn mạnh, các lộ trình pháp lý cho việc nhận con nuôi cần phải sàng lọc. Cô cũng kêu gọi một chiến dịch truyền thông quy mô lớn nhằm nâng cao nhận thức về quy trình nhận con nuôi hợp pháp và mối nguy hiểm của việc buôn bán trẻ em bất hợp pháp.

Nguồn: SCMP, Philstar, Manila Times

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nan-mua-ban-tre-em-nup-bong-nhan-con-nuoi-o-philippines-20240701143740802.htm