Nạn nhân bị mua bán thuộc hộ nghèo được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập
Điều 23 Nghị định số 09/2013/NĐ-CP quy định hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam.
Nghị định số 09/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người quy định nạn nhân bị mua bán được hưởng nhiều chế độ ưu đãi trong học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu.
Cụ thể, Điều 23 Nghị định số 09/2013/NĐ-CP quy định hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam.
Chế độ hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu gồm: Nạn nhân thuộc hộ nghèo được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của pháp luật hiện hành; Nạn nhân có nhu cầu học nghề thì được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Mức hỗ trợ theo chi phí đào tạo nghề tương ứng tại các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương.
Đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu theo mức do Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ của nạn nhân hoặc của gia đình nạn nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định; văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận người đề nghị hỗ trợ là nạn nhân;
Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân, nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân làm đơn gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn của nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Tiếp đó, trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định chi hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân.
Bên cạnh đó, nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo quy định hiện hành đối với các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.