Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Yên Bái nỗ lực vươn lên chiến thắng nghịch cảnh

Họ là những người chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự khốc liệt của cuộc chiến tranh cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng những nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Yên Bái hôm nay vẫn kiên cường vượt qua bao gian nan và cả nỗi đau, sống tích cực, đầy ắp những niềm tin và hy vọng.

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bảo trợ người khuyết tật, bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Yên Bái và Hội Nạn nhân da cam/dioxin thành phố Yên Bái thăm hỏi động viên gia đình chị Lê Thị Lan.

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bảo trợ người khuyết tật, bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Yên Bái và Hội Nạn nhân da cam/dioxin thành phố Yên Bái thăm hỏi động viên gia đình chị Lê Thị Lan.

Ông Phạm Xuân Mai, 70 tuổi ở tổ 1, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là một trong những nạn nhân của chất độc da cam/dioxin trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến đấu tại các chiến trường Tây Nguyên, Quảng Trị. Thời điểm ấy, chiến trường B3 được khốc liệt vô cùng, chất độc da cam/dioxin của quân đội Mỹ rải dày đặc khắp vùng này.

Ông Mai nhớ lại: "Tôi nghĩ mình nhiễm chất độc dioxin tại Quảng Trị. Bởi lúc đó, nước ở những con sông, suối, kênh mương đều có mùi, vị rất kinh khủng nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi vẫn phải uống”.

Ông Mai nhận ra mình nhiễm chất độc da cam khi con gái đầu lòng - chị Phạm Thị Như Quỳnh ra đời. Ông Mai chia sẻ: "Con gái tôi thỉnh thoảng lại co giật chân tay, bất tỉnh, người gầy yếu, không lao động được… Còn tôi thì cứ mùa đông là nổi mề đay, nhiều lúc đang làm thì ngồi gục xuống vì không thở được. Khi 2 bố con đi khám, tôi mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam và di chứng sang con”.

Ông Mai bị nhiễm chất độc da cam phải vật lộn với nhiều di chứng: suy giảm sức khỏe, dị tật bẩm sinh và các vấn đề về tinh thần. Bên cạnh những vết thương thể xác, ông Mai còn phải chứng kiến con gái Phạm Thị Như Quỳnh cũng mang trong mình những ảnh hưởng của chất độc da cam. Quỳnh hiện 38 tuổi, suy giảm sức khỏe lên đến hơn 81%.

Thế nhưng, thay vì chìm trong những khó khăn, ông Mai đã thể hiện một tinh thần lạc quan và sự kiên cường đáng khâm phục. Cần cù lao động làm kinh tế gia đình, ông còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, trở thành tấm gương sáng cho những người cùng hoàn cảnh. Ông tham gia Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân da cam cùng chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn, động viên các hội viên cùng cảnh.

Cựu chiến binh Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nạn nhân da cam/dioxin thành phố Yên Bái, phụ trách Chi hội phường Nguyễn Thái Học chia sẻ: "Sáng 5h, tôi đã thấy bác Mai làm vườn ở dưới bờ sông, 7h dọn hàng hoa quả để bán. Chân tay thoăn thoắt, bà con hàng xóm ai có việc gì bác không nề hà, nhiệt tình giúp đỡ. Dù đang mang trong mình nhiều bệnh tật do di chứng chất độc da cam nhưng bác Mai luôn sẵn sàng trong đội tiêu binh của phường thực hiện phủ quân cờ trong lễ tang của cựu chiến binh qua đời. Chúng tôi luôn khâm phục tinh thần lạc quan của bác, lúc nào cũng vui vẻ”.

Ông Mai cũng dành nhiều thời gian chăm sóc con gái tật bệnh. Ông luôn bên cạnh, động viên con gái Như Quỳnh vượt qua thử thách, tin tưởng vào khả năng của con gái. Ông chia sẻ: "Dù cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn giữ được niềm tin và lạc quan. Tôi muốn truyền cảm hứng cho những người khác cùng hoàn cảnh, để cùng nhau vượt qua, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ông Phạm Xuân Mai, 70 tuổi ở tổ 1, phường Nguyễn Thái Học chăm sóc con gái.

Ông Phạm Xuân Mai, 70 tuổi ở tổ 1, phường Nguyễn Thái Học chăm sóc con gái.

Chị Lê Thị Lan ở tổ 12, phường Nguyễn Thái Học là nạn nhân chất độc hóa học dioxin thế hệ thứ 2. Là con gái út của bệnh binh Lê Văn Cường - người đã tham gia chiến đấu tại chiến trường Bắc Sài Gòn - Cần Thơ. Năm lên 3 tuổi, chân phải của chị Lan cứ yếu dần rồi teo cơ, từ đó chị phải đối diện với nhiều khó khăn của cuộc sống. Mặc dù được anh em trong gia đình giúp đỡ nhưng chị luôn tâm niệm không thể sống dựa mãi vào người thân, nhất là sau khi bố chị - bệnh binh Lê Văn Cường qua đời.

Chị Lan chia sẻ: "Mình có ốm yếu nhưng không thể sống dựa dẫm vào những người xung quanh. Mình nghĩ, phải tự mình vươn lên còn làm gương cho cậu con trai; phải tự sống, tự vươn lên, không muốn dựa vào ai, để mẹ già 80 tuổi yên tâm”. Năm 2018, chị tham gia sinh hoạt tại Hội Nạn nhân da cam/dioxin thành phố Yên Bái, trực tiếp tại Chi hội phường Nguyễn Thái Học, chị gặp gỡ các cô chú và các nạn nhân thế hệ thứ 2 nhiễm chất độc da cam dioxin, chị được động viên, chia sẻ.

Chị Lan tâm sự: "Các cô chú trong Hội giúp đỡ động viên tôi rất nhiều. Năm 2018, các cấp Hội và chính quyền địa phương giúp đỡ tôi làm được ngôi nhà tình nghĩa; năm 2024, tôi được hỗ trợ mổ tim; rồi được hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi… Tôi cảm ơn nhiều lắm!”. Với ý thức tự vươn lên, năm 2024, gia đình chị Lan đã thoát nghèo. Mặc dù cuộc sống của chị vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chị luôn giữ được tinh thần lạc quan và ý chí vươn lên. Chị tin rằng với sự cố gắng và quyết tâm, mình sẽ vượt qua mọi thử thách và có thể xây dựng được cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình.

Ông Lê Hồng Cường - Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin thành phố cho biết: "Hiện nay, toàn thành phố có 249 nạn nhân chất độc da cam dioxin, nhiều nhất ở phường Đồng Tâm, Yên Ninh, Nguyễn Thái Học. Nhiều gia đình hội viên còn khó khăn, còn là hộ nghèo, song đều chung một ý chí tự lực tự cường, vươn lên trong cuộc sống”.

Những câu chuyện về sự lạc quan, ý chí vươn lên và khát vọng sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Yên Bái như ông Phạm Xuân Mai, chị Lê Thị Lan là những minh chứng sống động về nghị lực vượt lên hoàn cảnh. Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả của chiến tranh, những vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước cải thiện cuộc sống của mình và gia đình, chiến thắng nghịch cảnh và tạo nên những điều kỳ diệu.

Thanh Ba

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/326804/nan-nhan-chat-doc-da-camdioxin-yen-bai-no-luc-vuon-len-chien-thang-nghich-canh.aspx