Nạn nhân kể ký ức kinh hoàng trong phòng ngủ của bác sĩ 'cắt não'

Cuốn sách 'The Sleep Room' về các phương pháp điều trị phi đạo đức của bác sĩ tâm thần William Sargant ở London, Anh vào những năm 1960 có nhiều lời chứng chân thực của bệnh nhân, theo The Guardian.

Một đứa trẻ 14 tuổi bị buộc phải bước lên sân khấu và cởi đồ lót trước đông đảo sinh viên y khoa. Em được một bác sĩ tâm thần 44 tuổi yêu cầu làm như vậy để họ được học về trường hợp của em.

Đó là năm 1966, thời kỳ đỉnh cao của chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa tự do và phản văn hóa của giới trẻ những năm 1960. Nhưng nhiều người không nghĩ rằng điều như trên lại xảy ra tại một khoa tâm thần bị đóng kín trong bệnh viện Royal Waterloo ở London, nước Anh, nơi rất nhiều hành vi vi phạm không thể diễn tả đang được thực hiện đối với bệnh nhân.

 Bệnh viện Royal Waterloo ở London. Ảnh: Panoramic Images/Alamy.

Bệnh viện Royal Waterloo ở London. Ảnh: Panoramic Images/Alamy.

Kẻ thủ ác William Sargant là trung tâm trong cuốn sách phi hư cấu của nhà văn Jon Stock, The Sleep Room: A Very British Medical Scandal. Là một trong những nhân vật khét tiếng nhất trong ngành tâm thần học Anh, Sargant ban đầu muốn trở thành một bác sĩ. Ông chuyển sang ngành tâm thần học sau khi một trong những nghiên cứu đầu tiên của ông bị Học viện Y khoa Hoàng gia chỉ trích thậm tệ. Quá nhục nhã, ông bị suy nhược thần kinh và phải nằm viện tâm thần.

Kinh hoàng trong "Phòng ngủ"

Vào thời điểm này, những năm 1930, các phương pháp điều trị tâm thần còn rất sơ sài. Nếu một bệnh nhân bị bệnh tâm thần nghiêm trọng, họ có thể bị giam cầm suốt đời trong bệnh viện.

Còn Sargant thì cho rằng não bị tổn thương không khác gì các cơ quan hoặc chi bị tổn thương. Và do đó, cách chữa trị tốt nhất là điều trị vật lý tích cực. Đối với ông, những cách chữa bệnh bằng lời nói là không hiệu quả. Thay vào đó, các bệnh tâm thần như trầm cảm, lo âu và tâm thần phân liệt đều có thể chữa khỏi bằng uống thuốc hay sốc điện, hoặc nếu không thành công, bằng phẫu thuật cắt thùy não.

Bệnh nhân của Sargant bị giam giữ sau những cánh cửa khóa chặt ở tầng cao nhất của bệnh viện. Khu vực khét tiếng nhất trong khoa của ông là một khu vực có sáu giường được gọi là Phòng ngủ.

Tại đây, bệnh nhân, hầu hết là nữ, bị cho dùng thuốc gây mê trong thời gian dài, chỉ được đánh thức khỏi giường để được cho ăn, tắm rửa hoặc thực hiện sốc điện gây mê (ECT). Một liệu trình điều trị điển hình bao gồm ba tháng gần như bất tỉnh hoàn toàn, sau thời gian đó, bệnh nhân thường trở thành "thây ma biết đi" với chứng mất trí nhớ vĩnh viễn.

Cuốn sách là những câu chuyện ám ảnh tận mắt về cách điều trị kinh hoàng của William Sargant. Ví dụ, nữ diễn viên Celia Imrie, chính là đứa trẻ được đề cập ở trên, đã được đưa tới Sargant khi sắp chết đói vì tâm lý chán ăn. Cô kể lại việc bị ép uống liều lượng lớn chlorpromazine, một loại thuốc chống loạn thần, đến nỗi cô nhỏ dãi, run rẩy không kiểm soát được và thấy tóc mình bết lại trên gối.

 Cuốn sách ra mắt ngày 3/4. Ảnh: Amazon.

Cuốn sách ra mắt ngày 3/4. Ảnh: Amazon.

Cô được tiêm insulin hàng ngày khiến cô buồn ngủ, yếu ớt, đổ mồ hôi và gần như hôn mê. Cô nhớ những người phụ nữ khác xung quanh bị nhét nút cao su lớn giữa răng trước khi dòng điện cao thế của ECT truyền qua thái dương và cơ thể họ "run rẩy và co giật" vì "mùi tóc và thịt cháy".

Đôi khi, một bệnh nhân được đưa trở về phòng với đầu băng bó dày, hầu như không thể đi lại sau khi bị cắt thùy não. Giữa tiếng rên rỉ, la hét và mùi hôi thối, Imrie nhớ lại các y tá đã báo cáo với Sargant về khả năng kháng thuốc của cô và ông đã trả lời: "Mỗi con chó đều có điểm giới hạn của nó".

Lời chứng chân thực của nạn nhân

Nhà bình luận Rachel Clarke của tờ The Guardian đã phải nổi da gà về tính chân thực của cuốn sách này. Stock đã đưa lời khai của bệnh nhân vào vị trí trung tâm tác phẩm, cung cấp đủ không gian để một số bệnh nhân kể lại câu chuyện của họ bằng chính lời văn của họ, không hề chỉnh sửa dù có dài dòng.

Bản thân Sargant được miêu tả là một con quái vật nham hiểm và toàn năng. Sargant điều hành khoa của mình như một lãnh địa cá nhân, nơi ông có thể theo đuổi, không bị kiểm soát, niềm tin rằng các phương pháp điều trị hiệu quả có tác dụng xóa bỏ và lập trình lại những tâm trí bị rối loạn.

Một lợi ích đen tối hơn của khu Phòng ngủ là quyền lực tuyệt đối Sargan được nắm giữ ở đây. Một khi bất tỉnh, bệnh nhân có thể phải chịu các phương pháp điều trị mà nếu còn tỉnh thì họ sẽ không bao giờ đồng ý, chẳng hạn như hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm lần ECT.

Như chính Sargant đã nói: "Điều hay là họ (bệnh nhân) thường không nhớ về thời gian thực tế của quá trình điều trị hoặc số lần ECT đã sử dụng".

Không lâu sau, các đồng nghiệp đã đặt biệt danh cho Sargant là “người cắt não” hay “kẻ sốc điện”. Ít nhất năm bệnh nhân của ông đã chết khi mê man.

Trong khi không thể phủ nhận Sargant thiếu đạo đức y khoa, độc đoán, quá phụ thuộc vào giáo điều trái ngược với bằng chứng lâm sàng, The Sleep Room cũng cho thấy một vấn đề thực tế rất phức tạp về cách điều trị cho bệnh tâm thần nghiêm trọng.

Sự đồng thuận của bệnh nhân, nền tảng của mọi hoạt động y tế tốt, không phải lúc nào cũng được đánh giá đúng đối với bệnh nhân tâm thần khi họ được cho là không có khả năng tự đưa ra quyết định. Ngay cả ngày nay, dù quyền của bệnh nhân ngày càng được đề cao, thì việc điều trị bắt buộc đôi khi vẫn được thực hiện, vì đây được coi là cách duy nhất để ngăn chặn một bệnh nhân tâm thần nặng làm hại mình hoặc tự tử.

Ví dụ, ECT, mặc dù ít được sử dụng hơn nhiều so với thời Sargant, hiện vẫn được coi là phương sách cuối cùng cứu sống những bệnh nhân bị trầm cảm Catatonia. Không chỉ dừng ở việc phơi bày một “thảm án” y khoa thế kỉ trước, cuốn sách còn là lời tự vấn sâu sắc về việc tìm ra cách điều trị tốt nhất cho bệnh tâm thần nghiêm trọng.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/nan-nhan-ke-ky-uc-kinh-hoang-trong-phong-ngu-cua-bac-si-cat-nao-post1542066.html