Nạn nhân mua bán người không biết bản thân bị lừa
Tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, nạn nhân đôi khi không biết mình bị lừa, thậm chí còn coi đối tượng lừa bán như ân nhân...
Ngày 29-6, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp với Sở Tư pháp TP Cần Thơ tổ chức hội nghị thực trạng thi hành pháp luật phòng chống mua bán người (PCMBN) trên địa bàn TP Cần Thơ.
Tội phạm giảm nhưng tinh vi hơn
Theo TS Nguyễn Minh Khuê (Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý), tình hình mua bán người ở nhiều tỉnh, thành có xu hướng giảm nhưng xuất hiện hành vi, phương thức phạm tội mới mang tính chất tinh vi hơn. Việc thực thi pháp luật về PCMBN còn những bất cập nhất định, đặc biệt là công tác về hỗ trợ giải cứu nạn nhân.
Thượng tá Cao Nguyên Vĩnh Phương (Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ) cho biết tình hình mua bán người, theo đánh giá của ngành công an diễn biến rất phức tạp.
Từ năm 2016 đến 2021, TP đã phát hiện, thụ lý ba vụ, 11 đối tượng mua bán người với 10 nạn nhân (trong đó có hai vụ với bốn đối tượng mua bán trẻ em dưới 16 tuổi). Công an TP đã khởi tố một vụ, ba bị can; xử phạt hành chính một vụ với năm đối tượng số tiền 12,5 triệu đồng, xử phạt hành chính và trục xuất khỏi Việt Nam một đối tượng là người Trung Quốc; phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an điều tra, khởi tố một vụ với một đối tượng.
Cạnh đó, công an tiếp nhận và làm rõ 26 tin báo tố giác liên quan đến mua bán người. Trong đó, khởi tố một tin, xử phạt hành chính một tin, tạm đình chỉ xác minh theo Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự sáu tin, 16 tin không có dấu hiệu của tội phạm (môi giới hôn nhân với người Trung Quốc, tự ý bỏ nhà đi, cho nhận con nuôi với người quốc tịch Mỹ, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài), chuyển Cục Cảnh sát hình sự xác minh một tin và chuyển Công an tỉnh Đồng Nai xác minh một tin.
Tuy nhiên, ông Phương cũng thừa nhận: “Còn bao nhiêu người, bao nhiêu chị em bị mua bán thực sự không nắm được vì vấn đề này gia đình có thể biết nhưng cam tâm chịu, chứ nói ra việc con mình, người thân mình bị mua bán thì đau lòng và ảnh hưởng đến các mối quan hệ”.
Ông Phương cho biết theo nắm thông tin thì việc mua bán người hiện nay diễn biến rất phức tạp, đôi khi nạn nhân không biết mình bị lừa mua bán. Có nạn nhân lại gần như coi đối tượng lừa bán là ân nhân chứ không biết đối tượng đó lừa bán mình hoặc khi được tiếp nhận trở về vẫn có ý chí muốn ra nước ngoài để làm kinh tế.
Chuẩn bị sửa đổi Luật Phòng chống mua bán người
TS Nguyễn Minh Khuê cho biết đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình về PCMBN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ Tư pháp được giao khảo sát, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật về PCMBN để phát hiện những hạn chế, bất cập và đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả về PCMBN ở Việt Nam trong thời gian tới, trước mắt là phục vụ sửa đổi Luật PCMBN năm 2011. Qua đó, đoàn khảo sát của Bộ Tư pháp đã đi khảo sát sáu tỉnh, thành, trong đó có Cần Thơ.
Cẩn thận khi kết hôn nước ngoài
Dưới góc độ là người tư vấn cho nhiều vụ ly hôn nước ngoài, luật sư Trần Lâm Sơn (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết 80% những vụ ly hôn nước ngoài là có ngược đãi hoặc có yếu tố mua bán.
Theo luật sư Sơn, phụ nữ ra nước ngoài có khi bắt đầu từ cuộc hôn nhân chính thức hoặc kết hôn kiểu mua bán, phải lao động để trả tiền cho người dắt mối... Có trường hợp bị đưa sang Trung Quốc, vừa phải đi làm thuê nuôi gia đình chồng vừa phải “phục vụ” ba cha con nên tìm cách trốn về Việt Nam. Do quá hoảng loạn mà mãi 5-6 năm sau, người này mới ổn định tinh thần để đi làm thủ tục ly hôn.
Từ đó, luật sư Sơn kiến nghị khi cho kết hôn nước ngoài, cần phải tư vấn kỹ để tránh những trường hợp kiểu như cô gái nêu trên, kết hôn xong, sang ở với cả cha lẫn con như thế, không dám nói với ai vì quá đau lòng. Khi biết chuyện, luật sư hỏi có đi tố giác không thì cô gái đó nói không vì người giới thiệu là chị họ.
Luật sư Sơn cho rằng loại tội phạm này giờ không chỉ nhắm vào phụ nữ, trẻ em nữa mà cả đối tượng là người tìm việc làm. Địa bàn không chỉ nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà cả thành thị, đánh vào tâm lý muốn tìm việc nhẹ, lương cao... Chính vì vậy, việc tuyên truyền pháp luật cần phải làm thường xuyên hơn, phải làm sao nắm bắt được nguyên nhân để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Đề xuất có cơ quan đầu mối phòng chống mua bán người
Thượng tá Cao Nguyên Vĩnh Phương nêu một số khó khăn về công tác điều tra tội phạm này với một số nước lân cận như Trung Quốc, Campuchia. Nếu có mối quan hệ cá nhân thì tìm rất nhanh, còn đi bằng đường ngoại giao thì rất khó và kéo dài. Cạnh đó, thực hiện chính sách cho nạn nhân thì chưa có quy trình thống nhất tiếp nhận tái hòa nhập cộng đồng khi nạn nhân trở về, khó khăn cho nạn nhân không tố giác tội phạm, nạn nhân ở nước ngoài khó có cơ quan xác định là nạn nhân của vụ mua bán người...
Tại hội nghị, có ý kiến đề xuất có một cơ quan đầu mối quốc gia về PCMBN để khi có tin báo về tội phạm này thì cơ quan đầu mối tiếp nhận rồi chuyển giao cho các tỉnh, thành theo thẩm quyền xác minh, điều tra. Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ làm đầu mối về tương trợ tư pháp hỗ trợ cơ quan chức năng trong nước.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nan-nhan-mua-ban-nguoi-khong-biet-ban-than-bi-lua-post686760.html