Nâng bước em đến trường
(Báo Quảng Ngãi)- Từ khi Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) triển khai mô hình “Vận động con, em địa phương không bỏ học, không tảo hôn”, tình trạng học sinh nghỉ học, học kiểu giã gạo và tảo hôn ở địa phương giảm hẳn.
Thôn Gò Tranh là địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Minh Long. Đời sống đồng bào Hrê ở đây đa số là hộ nghèo, sống ở sườn núi cao, đi lại cách trở... Vì thế, học sinh phải băng rừng, vượt suối nhiều giờ liền mới xuống được trung tâm xã để học. Năm 2011, toàn thôn có 19 em có nguy cơ bỏ học, tập trung ở các lớp chuyển cấp, tiểu học lên THCS và bậc THCS lên THPT, do đường đi lại xa, cách trở và không có điều kiện ở lại nội trú...
CCB thôn Gò Tranh luôn gần gũi động viên các gia đình quan tâm đến việc học của con em tại địa phương.
Trước thực tế đó, Chi hội CCB thôn Gò Tranh đã phối hợp với ban thôn, chính quyền địa phương thành lập mô hình “Vận động con, em địa phương không bỏ học, không tảo hôn”, với 36 thành viên là hội viên CCB tham gia. Hằng tuần, những CCB phân công đi đến các địa bàn khu dân cư để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em và động viên gia đình tạo điều kiện cho con em đi học. “Chúng tôi gặp và phân tích cho người dân biết lợi ích của việc cho con em theo học con chữ theo kiểu mưa dầm thấm lâu, nên người dân cũng dần hiểu”, Chi hội trưởng CCB thôn Gò Tranh Đinh Nga, chia sẻ.
Những CCB ở thôn Gò Tranh còn xây dựng mô hình “Thắp sáng đường quê”, đem lại diện mạo mới cho địa phương. Từ mô hình này, tuyến đường điện từ Nhà văn hóa thôn đến cầu Sa Van với 22 bóng đèn điện sáng rực cả con đường làng từ nguồn đóng góp của nhân dân (30 triệu đồng). Qua đó, góp phần giúp các em nhỏ đi học và người dân đi lại vào ban đêm an toàn, đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.
Chủ tịch Hội CCB xã Long Sơn HUỲNH CẦU
Trường hợp của em Đinh Văn Đang ở xóm Gò Nay là như thế. Em Đang có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên học hết lớp 9, em có ý định nghỉ học, đi làm ăn xa phụ giúp gia đình. Biết được thông tin đó, Chi hội CCB cùng với cán bộ thôn đến nhà động viên gia đình để em Đang tiếp tục đến trường.
Để giúp gia đình em có điều kiện phát triển kinh tế, Chi hội CCB phối hợp với chính quyền địa phương ưu tiên xét vay vốn, hỗ trợ cây con giống từ các chương trình giảm nghèo. Nhờ đó, em Đang đã hoàn thành chương trình THPT và đang theo học nghề để có điều kiện lo cho cuộc sống sau này.
Em Đinh Văn Duôn cũng vậy. Duôn là một học sinh khá, giỏi, nhưng do nhà ở xa trường, hằng ngày để đến trường, em phải đi bộ hơn 3 giờ đồng hồ xuống trung tâm xã học, nên nhiều lần em có ý định nghỉ học. Nhưng rồi, qua sự can thiệp, giúp đỡ của Chi hội CCB, Duôn đã học xong chương trình THPT và đang theo học đại học. Chi hội CCB trong thôn còn kịp thời can thiệp 10 vụ gia đình có ý định cho con tảo hôn. Như mới đây, gia đình em Đinh Thị B, ở xóm Gò Nay có ý định cho em lấy chồng khi mới 17 tuổi, các CCB đã đến nhà khuyên giải, nên việc kết hôn của em B đã dừng lại trong không khí vui vẻ giữa hai bên gia đình.
“Cuộc vận động này là rất khó, do nhận thức của học sinh và người dân về lợi ích của việc đi học còn hạn chế, song bước đầu cũng đã mang lại hiệu quả tích cực. Nếu như trước đây, tỷ lệ học sinh bỏ học hằng năm khoảng 20%, thì nay tỷ lệ này đã giảm. Nhận thức của người dân trong việc quan tâm chăm sóc việc học cho con em cũng được nâng lên”, CCB Đinh Nga chia sẻ.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2027/201710/nang-buoc-em-den-truong-2849840/