'Nâng bước em tới trường' tỏa sáng giá trị nhân văn

Chương trình 'Nâng bước em tới trường' được Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) triển khai thực hiện từ năm 2016. Đối tượng thụ hưởng chương trình là các em học sinh khu vực biên giới, hải đảo có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình được cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá rất ý nghĩa và nhân văn, qua đó, góp phần ươm những mầm xanh cho biên cương Tổ quốc, thắt chặt hơn tình đoàn kết quân dân thắm thiết.

Từ một chủ trương đúng

Khu vực biên giới nước ta có 1.109 xã, phường, thị trấn với dân số hơn 2,3 triệu hộ/9,5 triệu nhân khẩu (dân tộc thiểu số chiếm 15%), với 51 dân tộc anh em sinh sống đan xen; đời sống vật chất, tinh thần của đa số đồng bào các dân tộc còn nhiều thiếu thốn và lạc hậu. Cả nước hiện còn 376 xã biên giới đặc biệt khó khăn với 660 thôn, bản và 28 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; 2.266 thôn, bản chưa có công trình nước sạch, tỷ lệ hộ đói, nghèo, cận nghèo còn ở mức cao. Nhiều con em đồng bào nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phải từ bỏ “con chữ” để phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy.

Đồn Biên phòng Ba Nang (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) tặng quà học sinh đơn vị nhận đỡ đầu trong Chương trình "Nâng bước em tới trường". Ảnh: TRÚC HÀ

Đồn Biên phòng Ba Nang (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) tặng quà học sinh đơn vị nhận đỡ đầu trong Chương trình "Nâng bước em tới trường". Ảnh: TRÚC HÀ

Thấu hiểu khó khăn của con em đồng bào vùng biên, nhằm chung tay hỗ trợ các em tiếp tục con đường học tập, từ năm 2016, Bộ tư lệnh BĐBP triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Theo đó, chương trình sẽ lựa chọn, hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/em cho đến khi học hết lớp 12. Nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ BĐBP đóng góp. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí, Bộ tư lệnh BĐBP cũng tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ nhằm động viên, khích lệ các em khắc phục khó khăn, vươn lên trong học tập. Thiếu tướng Trần Văn Bừng, Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết: “Chương trình là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP trong nỗ lực tuyên truyền, vận động các em tới trường. Hiện nay, đời sống của đồng bào các dân tộc nơi biên giới còn rất nhiều khó khăn. Nhiều gia đình ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, nên các em không có điều kiện để tới trường. Vì vậy, Bộ tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị thường xuyên nắm chắc tình hình, có những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm giúp đỡ các em tiếp tục tới trường. Đặc biệt, chương trình nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc”.

Khảo sát thực tế của chúng tôi tại một số địa phương: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Gia Lai... cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá rất cao chương trình có ý nghĩa rất nhân văn này của Bộ tư lệnh BĐBP. Đồng chí Lộc Văn En, Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh (Mường Lát, Thanh Hóa) chia sẻ: “Nhờ sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, nhiều em nhỏ đã tiếp tục được đến trường. Mỗi tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ biên phòng là địa phương bớt đi một hoàn cảnh khó khăn. Sự chung tay, góp sức đó góp phần vun đắp tình đoàn kết quân dân ngày càng thêm bền chặt”.

Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trao học bổng “Nâng bước em tới trường” tặng các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: QUANG ANH

Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trao học bổng “Nâng bước em tới trường” tặng các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: QUANG ANH

Những “chiến sĩ” biên cương tương lai

Đồn Biên phòng Tam Chung (BĐBP tỉnh Thanh Hóa) đang nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng em Vi Văn Thắng và Hoàng Văn Tuất, dân tộc Thái, ở bản Poọng, xã Tam Chung (Mường Lát). Đây là hai hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong bản, do bố các em mất sớm, mẹ phải ly hương làm ăn xa. 5 năm cùng ăn, cùng ở, cùng học tập, sinh hoạt với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung, Vi Văn Thắng và Hoàng Văn Tuất đã trở thành những “chiến sĩ biên phòng nhí” nơi biên cương và hiện đang là học sinh lớp 8A, Trường THCS bán trú Tam Chung. Em Vi Văn Thắng tâm sự: “Em thích ở trên đồn lắm. Sáng dậy theo các chú tập thể dục, được các chú dạy võ, hướng dẫn trồng rau, nuôi gà. Ngoài giờ học, em thường phụ giúp các chú quét sân, cho gà ăn và tưới rau. Em sẽ cố gắng học để sau này trở thành người chiến sĩ biên phòng, cùng bảo vệ biên cương như các chú ở đồn”.

Từ năm 2019, hai anh em Sồng Lao Cường và Sồng Lao Việt ở bản Suối Cút, xã Chiềng On, huyện Yên Châu (Sơn La) được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng On (BĐBP tỉnh Sơn La) nhận chăm sóc và đón về đồn ở cùng khi bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng. Hơn một năm làm “chiến sĩ” biên phòng, Sồng Lao Cường không còn rụt rè, nhút nhát như trước. Em được cán bộ, chiến sĩ nơi đây ân cần chăm sóc, chỉ bảo, dạy học, rèn luyện kỹ năng sống và yêu thương như những người con, người em trong gia đình. “Con sẽ quyết tâm học thật tốt, chăm ngoan để không phụ lòng các chú, các bố ở đồn”, Sồng Lao Cường chia sẻ.

Sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ biên phòng trong thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã cho về những quả ngọt, đó là kết quả học tập ngày càng tiến bộ của các em, trong đó nhiều em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Tiêu biểu như em La Thị Ngà, ở bản Tùng Hương, xã Tam Quang (Tương Dương, Nghệ An) đã tốt nghiệp Khoa Nông học, Trường Đại học Vinh; em Hà Chung Kiên ở thị trấn Trà Lĩnh (Trùng Khánh, Cao Bằng) hiện là học viên của Học viện Biên phòng...

Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng trao học bổng “Nâng bước em tới trường” tặng học sinh trên địa bàn xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung. Ảnh: VĂN LONG

Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng trao học bổng “Nâng bước em tới trường” tặng học sinh trên địa bàn xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung. Ảnh: VĂN LONG

Với kết quả và ý nghĩa vô cùng nhân văn mà chương trình đem lại, Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP đã yêu cầu các đơn vị trong toàn lực lượng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, nhân rộng chương trình. Theo đó, các đơn vị tiến hành rà soát, hoàn thiện lý lịch của tất cả học sinh trong chương trình để quản lý và nắm chắc kết quả học tập, rèn luyện, năng khiếu của từng em được đỡ đầu. Kết thúc mỗi học kỳ phải có báo cáo kết quả học tập chung của từng cháu. Trong năm 2021, các đơn vị tiến hành tổ chức sơ kết và tuyên dương những em học sinh giỏi trong chương trình và coi đây là một trọng tâm công tác. Bên cạnh đó, tổ chức thêm một số hoạt động bổ trợ, như: Tổ chức gặp mặt, trại hè, tuyên dương các em có thành tích học tập tốt; đối với cấp tiểu học có thể tổ chức cho các em tham gia “Học kỳ quân đội”..., qua đó, tạo sức lan tỏa sâu rộng của chương trình.

Thực hiện chương trình, qua mỗi năm học, số lượng học sinh do BĐBP đỡ đầu có sự biến động tăng, giảm do một số em đã tốt nghiệp THPT. Đến năm học 2020-2021, các đơn vị BĐBP trực tiếp nhận đỡ đầu 2.549 em (trong đó có 82 học sinh Lào, 102 học sinh Campuchia). Các đơn vị biên phòng cũng nhận nuôi 355 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi bố, mẹ... Tính đến tháng 10-2020, có 180 em đã tốt nghiệp THPT; 83 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

THÀNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/nang-buoc-em-toi-truong-toa-sang-gia-tri-nhan-van-652042