'Nâng bước em tới trường' xuyên biên giới
Thực hiện chủ trương lớn của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, các đơn vị trong toàn lực lượng đã triển khai thực hiện Chương trình 'Nâng bước em tới trường'-'Con nuôi đồn Biên phòng' một cách thiết thực, hiệu quả. Cùng với việc nhận đỡ đầu con em nhân dân trên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn 'nâng bước' nhiều em học sinh nghèo ở những bản làng biên giới đối diện của các nước láng giềng (Lào, Campuchia).
“Trao con chữ, truyền hy vọng”
Trên các tuyến biên giới của nước ta chủ yếu có địa hình, thời tiết khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, địa bàn định cư chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong suốt quá trình dài, Đảng, Nhà nước luôn có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo xây dựng vùng biên giới vững mạnh, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân khác nhau, địa bàn biên giới vẫn nằm trong tình trạng còn nhiều khó khăn, trong đó có một bộ phận người dân vẫn nằm trong diện nghèo khó. Trong khó khăn chung của nhân dân biên giới, trẻ em luôn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Có rất nhiều em trong độ tuổi đến trường có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng vì gia cảnh quá khó khăn.
Từ khi thành lập cho đến nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn xác định rõ phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Cùng với quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác Biên phòng, trên cơ sở bám sát thực tế, BĐBP đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhiều chương trình, mô hình được BĐBP triển khai đạt hiệu quả cao, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng biên giới, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nổi bật nhất phải kể đến các chương trình, mô hình như: “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Phân công đảng viên phụ trách, giúp đỡ các hộ gia đình khu vực biên giới phát triển kinh tế”, “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”...
Đặc biệt, với phương châm “Trao con chữ, truyền hy vọng”, năm 2016, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phát động, triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường” để giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới vươn lên học tập, thay đổi cuộc đời. Theo đó, chương trình sẽ lựa chọn, hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/em cho đến khi học hết lớp 12, nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP đóng góp. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí, các đơn vị BĐBP cũng tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ nhằm động viên, khích lệ các em khắc phục khó khăn, rèn luyện trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội.
Hưởng ứng chủ trương lớn này, các đơn vị trong BĐBP đã triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” đạt hiệu quả, thiết thực cao. Tính đến nay, toàn lực lượng BĐBP đã nhận đỡ đầu 2.487 em học sinh nghèo ở địa bàn biên giới. Nhờ nguồn kinh phí, sự quan tâm về mọi mặt của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, đã có hàng trăm em học sinh vươn lên học tập đạt kết quả tốt, nhiều em thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học.
Ý nghĩa nhân văn của chương trình do BĐBP triển khai đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và cũng tạo sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay cùng BĐBP nuôi dưỡng các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội nhận hỗ trợ 10 cháu ở khu vực biên giới tỉnh Kon Tum; Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trao 350 chiếc xe đạp tặng các cháu con nuôi đồn Biên phòng, trị giá 500 triệu đồng; đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La nhận hỗ trợ 2 học sinh nghèo ở khu vực biên giới của tỉnh...
Lan tỏa thông điệp nhân văn xuyên biên giới
Hai nước Việt Nam và Lào có đường biên giới tiếp giáp kéo dài, nhân dân sinh sống hai bên vốn có mối quan hệ dân tộc, thân tộc gần gũi. Cũng như nhân dân Việt Nam, nhiều bản làng ở khu vực biên giới của Lào còn gặp rất nhiều khó khăn và nhiều em học sinh nước bạn đứng trước nguy cơ phải bỏ học. Thông qua việc trao đổi thông tin, phối hợp triển khai nhiệm vụ với lực lượng bảo vệ biên giới của Lào, BĐBP Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân Lào ở các bản làng đối diện ổn định, nâng cao đời sống.
Ngay từ những ngày đầu, khi triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở mở rộng đối tượng đỡ đầu là con em đồng bào các dân tộc Lào ở các bản làng biên giới đối diện. Trên cơ sở chủ trương lớn đó, các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào đã trao đổi với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng của Lào để BĐBP Việt Nam nhận đỡ đầu các em học sinh nghèo trên biên giới nước bạn. Sau khi chủ trương được hai bên thống nhất, các đơn vị bảo vệ biên giới của hai nước Việt Nam - Lào đã khảo sát, lựa chọn những em học sinh Lào có hoàn cảnh phù hợp để nhận đỡ đầu.
Tính đến nay, các đơn vị BĐBP trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào đã nhận đỡ đầu 81 em học sinh Lào có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học tập tốt. Trong đó, có những đơn vị như: BĐBP Nghệ An, BĐBP Thanh Hóa, BĐBP Điện Biên, BĐBP Quảng Bình... đã thực hiện rất hiệu quả chương trình này.
Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ, BĐBP Nghệ An đang nhận đỡ đầu 5 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong số đó, có em Vừ Kia Dùa, sinh năm 2014, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Nậm Táy, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Các em học sinh ở hai bên biên giới Việt Nam và Lào do Đồn Biên phòng Thông Thụ đỡ đầu đều đang vươn lên học tập tốt.
Ông Lầu Bá Thò, Phó Chánh Văn phòng huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào cho biết: “Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai thực hiện có ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc đối với học sinh nghèo nói chung và học sinh nghèo trên địa bàn biên giới của Lào nói riêng. Thông qua chương trình, có nhiều học sinh Lào ở bản làng biên giới khó khăn được BĐBP Việt Nam đỡ đầu có điều kiện vươn lên học tập tốt. Việc triển khai chương trình còn có ý nghĩa tô thắm thêm tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa quân dân hai nước Việt Nam - Lào”.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-buoc-em-toi-truong-xuyen-bien-gioi-post452441.html