Nâng bước học sinh nghèo vượt khó
Bằng những việc làm thiết thực, nhiều tấm gương cá nhân, tập thể điển hình thuộc các cấp Công đoàn tỉnh đang lan tỏa những việc làm ý nghĩa giúp các học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường.
Cách làm hay của cô giáo mầm non
Tại điểm trường mầm non Làng Vào (Trường Mầm non Ba Bích) ở huyện Ba Tơ, vào giờ nghỉ trưa, 26 học sinh ùa ra, vui vẻ chạy đi rửa tay sạch sẽ và ngồi vào những mâm cơm đã chia thức ăn nóng hổi.
Suất cơm thơm nức với đầy đủ thịt, trứng, canh rau. Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ làm những gương mặt trẻ thơ ánh lên niềm rạng rỡ. Xúc những thìa cơm nóng trộn thức ăn ngon lành, em Phạm Thị Hiên (5 tuổi) chia sẻ, đi học con được ăn ngon, con rất vui!
Để có được bữa cơm đầy đủ cho các trò nhỏ, đó là cả một nỗ lực lớn của cô giáo Nguyễn Thị Kim Mến. Được phân công đến giảng dạy tại điểm trường mầm non Làng Vào ở xã Ba Bích (Ba Tơ) từ năm 2022, cô Mến xót xa khi thấy những bữa cơm trưa của các con không được đầy đủ.
Trường Mầm non Ba Bích có một điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ. Chỉ học sinh ở điểm trường chính mới được tổ chức cho ăn bán trú. Tại các điểm lẻ, các em phải tự mang theo cơm trưa. Cơm do phụ huynh tự chuẩn bị cho các con, phần lớn chỉ là một ít đồ ăn mặn, không có canh, rau. Nhiều cháu nhỏ hoàn cảnh gia đình khó khăn thì chỉ mang cơm trắng đến trường.
Sau nhiều lần chia sẻ với các con phần ăn của mình, cô Nguyễn Thị Kim Mến đã quyết định vận động phụ huynh đến dọn cỏ trong khuôn viên điểm trường, cùng nhau đi lấy đất bãi bồi, phân chuồng để trồng rau. Khi đã có rau xanh, cô Mến đã nấu canh cho trẻ ăn và gọi phụ huynh đến xem các con được ăn bữa cơm có đầy đủ thịt, cá, canh.
Sau nhiều lần thuyết phục, cô giáo đã thành công vận động được các phụ huynh cùng nhau đến trường nấu cơm, canh cho các con. “Lúc đầu nhiều phụ huynh không tham gia. Nhưng tôi đã phân tích về lợi ích của một bữa ăn đầy đủ chất quan trọng như thế nào đến thể chất và trí tuệ của trẻ. Nhiều khi muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ thương các học trò, nên tôi kiên trì nói mãi rồi các chị cũng nghe và hiểu. Từ đó, nhiều phụ huynh đã thay phiên nhau đến trường nấu cơm để con em mình có những phần ăn đầy đủ hơn”, cô Mến chia sẻ.
Rau xanh chủ yếu được lấy từ trong vườn nhà trường, còn kinh phí để mua gạo, thịt, cá, rau... đều do hội phụ huynh tự đóng góp, quản lý. Chị Phạm Thị Xiên có con đang học điểm trường mầm non Làng Vào cho biết, từ ngày phụ huynh đến nấu ăn cho các con thì thấy các con rất vui, ăn ngon nên ai cũng đồng tình ủng hộ. Người thì góp công, người đóng góp tiền để duy trì nấu cho các con.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Mến với tấm lòng nhiệt thành đã giúp trẻ em vùng cao có những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng bằng việc làm ý nghĩa. Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Bích Vũ Thị Tuyết Lan cho biết, cô Mến là một giáo viên trẻ tâm huyết với nghề, yêu trẻ. Những việc làm thiết thực của cô Mến không chỉ nhận được sự ghi nhận của đồng nghiệp mà còn nhận được sự ủng hộ cao của phụ huynh học sinh. Chúng tôi đánh giá cao về cách làm sáng tạo của Mến. Mô hình làm vườn rau xanh, vận động phụ huynh nấu ăn trưa cho trẻ của cô Mến đã được nhiều điểm trường khác trên địa bàn huyện Ba Tơ học tập.
Ước mơ cho em
Em Trần Hoàng Đạt, học sinh lớp 8, Trường THCS Đức Phong (Mộ Đức) là một trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được Công đoàn cơ sở xã Đức Phong hỗ trợ. Gia cảnh khó khăn, ba mất sớm, Đạt được mẹ nuôi nấng từ nhỏ. Công việc làm thuê của mẹ em với thu nhập bấp bênh, cuộc sống hai mẹ con vô cùng khó khăn. “Mấy năm rồi em đều nhận được tiền hỗ trợ của các cô chú ở Công đoàn cơ sở xã Đức Phong. Số tiền này giúp mẹ con em đỡ vất vả hơn và là động lực để em cố gắng học thật giỏi để sau này có công việc ổn định”, Đạt vui vẻ chia sẻ.
Ngoài trường hợp của Đạt, Công đoàn cơ sở xã Đức Phong cũng đã đồng hành hỗ trợ gia đình bà Trần Thị Phụng (68 tuổi). Bà Phụng hiện đang nuôi nấng 1 cháu học lớp 1 và 1 cháu học mầm non. Con trai mất sớm, con dâu cũng đã bỏ đi từ lâu, bà Phụng đã rất vất vả để lo cái ăn, cái mặc và việc học hành cho hai cháu nhỏ.
“Rất may thời gian qua được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, đặc biệt là các cô chú trong tổ chức Công đoàn cơ sở xã Đức Phong thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí để bà cháu tôi vượt qua khó khăn”, bà Phụng chia sẻ.
Quỹ ước mơ cho em được Công đoàn cơ sở xã Đức Phong duy trì liên tục từ năm 2021 đến nay. Mỗi đoàn viên công đoàn đóng góp 10 nghìn đồng/tháng để tạo quỹ. Công đoàn cơ sở xã Đức Phong đã tổ chức trao gần 70 triệu đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tình yêu thương, sự quan tâm của các đoàn viên công đoàn đã giúp hàng chục học sinh nghèo được hỗ trợ kịp thời, tiếp tục đến trường. Chủ tịch Công đoàn cơ sở xã Đức Phong Lê Văn Vĩnh cho biết, lúc đầu Quỹ ước mơ cho em được duy trì từ sự đóng góp của hơn 200 đoàn viên công đoàn.
Lâu dần, nhiều người sinh sống tại địa phương dù không thuộc công đoàn vì thấy quỹ học bổng này rất ý nghĩa, nên đã tự nguyện đóng góp kinh phí. Thời gian tới, Công đoàn cơ sở xã Đức Phong sẽ thực hiện nhiều hình thức để góp vào Quỹ ước mơ cho em như: Tổ chức đêm nhạc từ thiện; đặt các thùng thu gom vỏ lon, chai nhựa để có thêm kinh phí hỗ trợ cho nhiều học sinh khác.
Những hành động thiết thực, ý nghĩa có thể khác nhau về cách làm. Nhưng đều vì một mục đích chung là mang lại những điều tốt đẹp cho thế hệ tương lai; giúp những hoàn cảnh khó khăn có thêm động lực, niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Bài, ảnh: H.PHƯƠNG