NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Đi để trải nghiệm, trưởng thành

Với nhiều lao động trẻ, ra nước ngoài làm việc không chỉ để kiếm tiền mà còn là cơ hội tìm kiếm những trải nghiệm mới

Cách đây 3 năm, Nguyễn Khánh Hòa (27 tuổi) rời khỏi ngôi làng nhỏ của mình ở một tỉnh miền Trung, mang theo hành trang là niềm hy vọng đổi đời. Như hàng trăm ngàn lao động Việt Nam khác, anh quyết định dấn thân vào hành trình xuất khẩu lao động, một con đường nhiều thử thách nhưng cũng đầy cơ hội.

Nỗ lực hòa nhập

Đặt chân xuống sân bay ở Nhật Bản, Hòa cảm thấy choáng ngợp bởi sự khác biệt hoàn toàn về mọi thứ. Ngôn ngữ lạ lẫm, bảng chỉ dẫn phức tạp và đám đông người đi lại vội vã khiến anh như đang lạc vào một thế giới khác. "Sốc văn hóa" - như cách mà nhiều người hay gọi - là thử thách đầu tiên mà hầu hết người lao động (NLĐ) gặp phải khi bước vào một môi trường mới.

Hòa không bao giờ quên lời khuyên của người anh lớn trước khi lên đường: "Muốn làm việc ở nước ngoài, điều đầu tiên em cần làm là học ngôn ngữ của họ. Đó là chìa khóa mở ra mọi cánh cửa".

Hòa đã dành nhiều tháng học tiếng Nhật, thậm chí còn luyện tập qua những đoạn hội thoại giả tưởng với bạn bè. Thế nhưng, khi đối diện với những người bản xứ, anh mới nhận ra rằng ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là cách thức để hiểu được văn hóa của họ.

Sau những tháng đầu đầy thử thách, Hòa bắt đầu cảm thấy quen thuộc với cuộc sống ở Nhật. Công việc của anh là làm việc tại một xưởng sản xuất thiết bị điện tử. Ban đầu, mọi thứ đều mới mẻ khiến anh lúng túng. Dần dần, anh nhận ra rằng đây là cơ hội tuyệt vời để học hỏi và phát triển kỹ năng. Hòa học được cách sử dụng công cụ và máy móc hiện đại mà ở quê nhà anh chưa từng thấy. Anh cũng học được cách làm việc nhóm và cách giải quyết vấn đề nhanh chóng, hiệu quả.

Một lao động Việt Nam vừa làm việc vừa trải nghiệm văn hóa ẩm thực Nhật Bản

Một lao động Việt Nam vừa làm việc vừa trải nghiệm văn hóa ẩm thực Nhật Bản

Nguyễn Quốc Dũng (31 tuổi, quê Lâm Đồng) - một thanh niên làm việc tại CHLB Đức, cũng từng có trải nghiệm tương tự. Dũng kể lại rằng khi mới đến Đức, anh cảm thấy hụt hẫng vì không hiểu được tiếng nước này. Nhờ sự kiên trì, anh đã có thể trò chuyện lưu loát với người bản xứ.

"Ngôn ngữ, với nhiều người, là một rào cản lớn. Nhưng đối với những ai dám vượt qua nó, ngôn ngữ trở thành công cụ không chỉ giao tiếp mà còn kết nối với người dân bản địa và mở ra nhiều cơ hội mới" - anh Dũng nhận xét.

Học hỏi không ngừng và phát triển kỹ năng là điều mà những người lao động như Hòa và Dũng đã làm. Điều đó đã mở ra cho họ những cánh cửa mới, không chỉ ở nước ngoài mà còn cả khi trở về quê hương.

Sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài, cuối năm 2023, Hòa quyết định trở về Việt Nam. Nhờ những gì đã học được từ Nhật Bản, anh mở một xưởng sản xuất nhỏ tại quê nhà, áp dụng những kỹ thuật và quy trình đã học được.

Đầu tư cho tương lai

Làm việc ở nước ngoài đồng nghĩa với việc có thu nhập cao hơn so với tại quê nhà. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những cám dỗ chi tiêu khó kiểm soát.

Hòa nhận ra điều này ngay từ những tháng đầu tiên khi nhận thấy số chi ra lớn hơn nhiều so với những gì mà anh kiếm được. Nhớ lại lời dặn của cha: "Con phải biết tiết kiệm, đừng để tiền bạc làm mờ mắt", anh đã tự điều chỉnh.

Lê Quang Minh (28 tuổi, quê Quảng Trị) cũng chia sẻ rằng anh đã lập kế hoạch tài chính chi tiết ngay từ khi bắt đầu làm việc ở Qatar (ngành xây dựng). Anh chia tiền lương của mình thành các khoản tiết kiệm, chi tiêu và gửi về gia đình. Nhờ tính toán kỹ, Minh đã giúp gia đình xây nhà mới và tích lũy được một khoản đáng kể để đầu tư vào việc kinh doanh sau này.

"Quản lý tài chính thông minh không chỉ giúp NLĐ bảo đảm cuộc sống ổn định khi ở nước ngoài mà còn giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho tương lai lúc trở về quê hương" - anh Minh nhận định.

Một trong những thách thức lớn nhất mà Hòa và nhiều NLĐ phải đối mặt là sự cô đơn nơi xứ người. Không có gia đình bên cạnh, không có bạn bè thân thiết để sẻ chia, đôi khi họ cảm thấy lạc lõng và nhớ nhà da diết. Song, chính trong những lúc khó khăn đó, Hòa đã cảm nhận được ý nghĩa từ những mối quan hệ mà anh từng xây dựng.

Trong quá trình làm việc, Hòa kết bạn với nhiều người Nhật. Hòa cũng tham gia các hội nhóm của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, nơi mà anh có thể tìm thấy sự hỗ trợ khi gặp khó khăn. Những người bạn mới không chỉ giúp Hòa vượt qua nỗi cô đơn mà còn giúp anh hiểu thêm về cuộc sống và văn hóa Nhật Bản; mở ra cho anh nhiều cơ hội mới trong công việc và cuộc sống.

Một bạn trẻ khác là Trần Ngọc Quỳnh Phương (25 tuổi), từng làm việc tại Úc, cũng có những trải nghiệm như vậy. Mỗi dịp cuối tuần, Phương dành thời gian để khám phá những kỳ quan thiên nhiên của Úc. Theo Phương, khám phá thế giới ngay tại đất nước mình làm việc không chỉ là cách để cô mở rộng tầm nhìn mà còn giúp cân bằng cuộc sống.

Tránh xa cám dỗ

Cuộc sống ở nước ngoài không thiếu những cạm bẫy và cám dỗ. Đối với NLĐ xa quê, sự cô đơn và áp lực công việc đôi khi dẫn đến những quyết định sai lầm.

Nguyễn Khánh Hòa từng chứng kiến một vài người bạn của mình sa vào những trò chơi đỏ đen, những vụ đầu tư không minh bạch và rơi vào nợ nần. Bài học đó đã giúp anh luôn răn mình để tránh xa những cám dỗ .

Dương Thị Mỹ Ngọc (28 tuổi, quê Lâm Đồng) khi mới bắt đầu sang làm việc tại Hàn Quốc cũng nhiều lúc cảm thấy quá áp lực và có ý định tìm đến những trò giải trí không lành mạnh để giải tỏa. Nhờ sự khuyên bảo của bạn bè và ý thức về trách nhiệm đối với gia đình, cô đã tránh được những cạm bẫy. Thay vào đó, Ngọc dành thời gian để tham gia các hoạt động lành mạnh như tập thể dục, học nấu ăn...

Bài và ảnh: KIẾN QUỐC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-buoc-nguoi-lao-dong-di-de-trai-nghiem-truong-thanh-196240827210316604.htm