NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Mang kiến thức về nông thôn

Nhiều người đã chọn rời xa thành phố để về quê lập nghiệp và thành công, họ mang kiến thức, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương

Từng là giám đốc công ty tháo dỡ tại TP HCM, anh Nguyễn Phạm Minh Mẫn giờ đây đã trở thành một nông dân chính hiệu ở núi rừng huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Bỏ chức giám đốc làm nông dân

Cuối năm 2021, anh Mẫn quyết định về vùng đất Khánh Sơn, mua đất đồi núi, khai hoang và trồng sầu riêng theo mô hình "sầu riêng sạch". Đam mê với sầu riêng từ lâu, anh đã đi nhiều nơi để tìm hiểu loại cây cho trái đầy tiềm năng này. Anh cũng đang cố gắng xây dựng vườn sầu riêng đạt chuẩn organic trong thời gian tới.

Ngoài thỏa đam mê, vườn sầu riêng của anh Mẫn đang tạo việc làm cho hơn 40 người, có cả đồng bào dân tộc thiểu số, với mức thu nhập hiện tại từ 240.000 - 300.000 đồng/ngày/người được xem là cao ở huyện vùng núi này. Anh Mẫn cho biết công việc không quá nặng nhọc vì anh đã đầu tư các hệ thống tưới tự động, chỉ vất vả trong những ngày bón phân.

Một công nhân cho biết trước khi làm việc cho anh Mẫn, anh đã làm nhiều công việc nhưng không ổn định, thu nhập cũng bấp bênh. Từ ngày làm tại vườn sầu riêng của anh Mẫn, công việc ổn định hơn, có hệ thống máy móc hỗ trợ nên không vất vả nhiều.

Theo anh Mẫn, từ ngày về làm vườn ở Khánh Sơn đã được sự quan tâm hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền địa phương. "Có thể do tôi mang mô hình mới về phát triển và tạo việc làm nên chính quyền rất ủng hộ" - anh Mẫn nói.

Ông Đặng Văn Vỹ (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cũng đầu tư 3 ha sầu riêng mới trồng cạnh vườn anh Mẫn. Hơn 20 năm làm viên chức ở TP HCM, ông Vỹ cũng quyết định chọn vùng đất Khánh Sơn để khởi nghiệp cho riêng mình ở tuổi gần 50. "Sống ở đây không khí trong lành khiến con người cảm thấy khỏe hơn. Dù diện tích trồng không nhiều nhưng tôi cũng thuê gần 10 nhân công phụ giúp thời vụ chăm sóc vườn sầu riêng" - ông Vỹ cho hay.

Anh Nguyễn Phạm Minh Mẫn (hàng đầu bên trái) cùng công nhân làm lễ hạ giống mới. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh Nguyễn Phạm Minh Mẫn (hàng đầu bên trái) cùng công nhân làm lễ hạ giống mới. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tạo việc làm tại địa phương

Anh Lê Khắc Huy, nhân viên ngân hàng với hơn 10 năm kinh nghiệm cũng quyết định rời TP HCM về thị trấn Long Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm cơ hội đầu tư năm 2021, với lý do đơn giản là yêu biển và muốn thoải mái.

Theo anh Huy, những ngày mới về vùng đất mới cũng nhiều bỡ ngỡ, nhất là khi chọn ngành kinh doanh khách sạn, chưa có kinh nghiệm nhiều. Nhưng vì quyết tâm, vợ chồng anh vừa làm vừa học nên mọi việc cũng dần tốt. "Khách sạn chỉ có gần 10 nhân viên là người địa phương, thu nhập mỗi người 9 triệu đồng/tháng. Chúng tôi được chính quyền địa phương ủng hộ. Họ cho rằng việc phát triển một khách sạn để kết nối các đơn vị khác cũng đóng góp hữu ích cho ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu" - anh Huy nói.

Những câu chuyện "Bỏ phố về quê lập nghiệp thành công" cũng không còn xa lạ thời gian qua. Bởi những người trong câu chuyện ấy có thời gian học tập và làm việc dài ở thành phố, mang kinh nghiệm, vốn để về quê kinh doanh. Ngoài việc thỏa niềm đam mê, chọn cuộc sống không xô bồ thì họ đang tích cực tạo việc làm cho chính nơi họ đến. Các địa phương cũng rất cần những người có chuyên môn đến để phát triển, đã tạo mọi điều kiện cho họ an tâm kinh doanh - sản xuất.

Hiện nay, khi cơ sở hạ tầng giao thông đã phát triển, việc di chuyển giữa các địa phương rút ngắn, tạo điều kiện rất lớn cho những người chọn về quê khởi nghiệp.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Thể lệ cuộc thi

Thể lệ cuộc thi

TUẤN KHÔI (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mang-kien-thuc-ve-nong-thon-196240520193451868.htm