Nâng bước, ươm mầm tương lai nơi biên giới

Những người bố nuôi quân hàm xanh hằng ngày đưa, đón đàn con đến trường đã trở thành hình ảnh đẹp, đầy ấm áp trong lòng đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo. Mục tiêu ban đầu của chương trình 'Nâng bước em đến trường-con nuôi đồn biên phòng' là sự tri ân đồng bào các dân tộc đã sát cánh cùng bộ đội biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Thiếu tá Lê Mạnh Hợp, Chính trị viên phó Ðồn Biên phòng Phó Bảng (Hà Giang) hướng dẫn các con nuôi học bài.

Thiếu tá Lê Mạnh Hợp, Chính trị viên phó Ðồn Biên phòng Phó Bảng (Hà Giang) hướng dẫn các con nuôi học bài.

Sức ảnh hưởng của chương trình ngày càng lan tỏa rộng khắp khi cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội cùng chung tay "ươm mầm" lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia cho tương lai.

Ðổi thay những phận đời

Hà Giang vùng đất phên dậu cực bắc Tổ quốc, nơi biên cương bạt ngàn đá núi, có ba chị em Vàng Thị Chá, Vàng Thị Sáu, Vàng Thị Chở, ở xã Sà Phìn, huyện Ðồng Văn, mồ côi cha từ năm 2014. Sau khi cha mất, mẹ bỏ đi biệt tăm, chị cả Vàng Thị Chá mới 12 tuổi, vừa làm cha, vừa làm mẹ chăm sóc hai em. Thương các cháu, bác ruột Chá đón các cháu về ở cùng, nhưng gia đình bác cũng nghèo quá, cho nên việc học của ba chị em bỏ giữa chừng. Khi biết hoàn cảnh của ba cháu mồ côi, Ðồn Biên phòng Phó Bảng cùng chính quyền xã đến xin gia đình đón các cháu về Ðồn nuôi dạy.

Từ ngày trở thành con nuôi đồn biên phòng, ba chị em Vàng Thị Chá có thêm mái ấm thứ hai, được chăm sóc, dạy dỗ bởi tình yêu thương và trách nhiệm lớn lao của người lính quân hàm xanh. Ngày ngày, các bố nuôi đưa ba chị em đến lớp, tối tối cặm cụi dạy các con học bài. Sau hơn ba năm ở đơn vị, thành tích học tập của ba chị em tiến bộ vượt bậc. Vàng Thị Chá từ học sinh trung bình khá, vươn lên thành học sinh giỏi. Năm học 2019-2020, Chá đại diện cho Trường phổ thông dân tộc nội trú Phó Bảng thi học sinh giỏi văn cấp huyện, rồi cấp tỉnh. Thành quả đó là món quà lớn nhất mà Chá dành tặng các cha nuôi, cũng là tiền đề chắp cánh cho ước mơ mai này làm cô giáo dạy văn của Chá.

Ksor Chơnh, dân tộc Jrai, hiện là học sinh lớp 8A2 Trường trung học cơ sở Chu Văn An, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Cha mẹ Ksor Chơnh đều mất vì bệnh. Không ai nương tựa, bốn chị em Ksor Chơnh lần hồi nuôi nhau. Các chị của Ksor Chơnh đều lấy chồng sớm, nhưng vẫn quyết tâm để cậu út được ăn học. Một buổi trưa, đi học về, Ksor Chơnh thấy các chú bộ đội Ðồn Biên phòng Ia O đến nhà. Các chú xin em về Ðồn làm con nuôi. Ksor Chơnh nhớ lại: Lúc đầu con thấy sợ lắm, vì ở Ðồn phải ăn uống, sinh hoạt rất khác nhà mình. Nhưng khi về, được các chú yêu thương, dạy bảo tận tình, mọi thứ dần quen thuộc. Con có góc học tập riêng, ngày đến trường, tối được các chú hướng dẫn làm bài tập về nhà. Từ học sinh trung bình, năm lớp 7 con đã đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Hà Trung Kiên, dân tộc Nùng quê ở Cao Bằng mồ côi cha mẹ khi mới bảy tuổi, em phải làm nhiều việc để kiếm sống và nuôi em gái cùng bà nội già yếu, cho đến ngày được Ðồn Biên phòng Trà Lĩnh đỡ đầu. Thấm thoắt, đến nay Kiên đã là sinh viên năm thứ 3 Học viện Biên phòng. Tại hội nghị tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu trong Chương trình "Nâng bước em tới trường-con nuôi đồn biên phòng" giai đoạn 2016-2021, do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức, em đã không giấu nổi nước mắt khi nhắc tới bố mẹ. Kiên nghẹn ngào nói: Bố mẹ ở trên cao hãy yên lòng. Nhờ các bố, các anh ở Ðồn Biên phòng nuôi dưỡng, giờ con đã trưởng thành và sắp tiếp bước các anh, các chú thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

Ðó là chỉ ba trong hàng nghìn câu chuyện về những hoàn cảnh con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được đến trường nhờ những tấm lòng thơm thảo của các đồn biên phòng trên cả nước. Sau 5 năm triển khai, chương trình đã chắp cánh ước mơ cho hơn 5.000 lượt học sinh khu vực biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó, có gần 1.000 cháu mồ côi không nơi nương tựa, gần 200 em của nước bạn Lào và Campuchia với số tiền khoảng 95 tỷ đồng. Ðã có 59 cháu đạt giải ở kỳ thi học sinh giỏi các cấp; gần 3.000 lượt cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường; 132 cháu đỗ các trường đại học, cao đẳng, trong đó nhiều cháu đỗ điểm cao vào các trường chất lượng.

Các đồn biên phòng tích cực, chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục địa phương tổ chức mở hàng trăm lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho hàng nghìn người, sửa chữa trường lớp, vận động 6.000 trẻ bỏ học trở lại trường, hàng nghìn cháu trong độ tuổi đến trường. Qua đó, chia sẻ khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực biên giới.

Ðại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Ðồng Tháp trao quà tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ðại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Ðồng Tháp trao quà tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Xây dựng "Biên giới lòng dân" vững chắc

Quá trình triển khai cho thấy, nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa dù được hỗ trợ, giúp đỡ nhưng vẫn có nguy cơ bỏ học giữa chừng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình "Con nuôi đồn biên phòng". Hiện nay, các đồn biên phòng đang nhận nuôi 356 cháu, trong đó có 271 cháu nuôi tại đồn, 85 cháu nhận nuôi tại gia đình. Trong đó, có 41 cháu mồ côi cả cha và mẹ; 180 cháu mồ côi cha hoặc mẹ; năm cháu là con liệt sĩ; ba cháu bị tật nguyền... Các cháu được bố trí nơi ăn nghỉ, góc học tập riêng, có cán bộ kèm cặp giúp đỡ.

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng đánh giá: Kết quả tốt đẹp mà chương trình đem lại khẳng định, đây là một chủ trương đúng, trúng, nhân văn cao cả, có sự lan tỏa cao, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng biên giới, khích lệ người dân quan tâm hơn việc học tập của con em mình; đồng thời, phát huy được vai trò của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị-xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo.

Chương trình đã tiếp thêm nghị lực cho nhiều hộ gia đình, nhiều mảnh đời khó khăn, mở ra tương lai cho các cháu tiếp tục vững bước trên con đường học tập, tích lũy kiến thức để trở thành công dân có ích, góp phần xây dựng quê hương biên giới ngày phát triển. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng cho biết: Nhận thấy rõ hiệu quả từ chương trình, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đồng hành với Bộ đội Biên phòng thực hiện Chương trình theo phương châm "thực tâm, thực chất, trách nhiệm, hiệu quả".

Ðến nay, Bộ đội Biên phòng toàn tỉnh đang đỡ đầu 80 học sinh. Nhiều cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành, lãnh đạo một số huyện biên giới đã cùng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu các cháu, mỗi đồng chí từ một đến hai cháu. Ðồng chí Lò Minh Hùng cũng đã nhận đỡ đầu hai cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ năm 2018 đến nay. Chỉ sau ba năm phối hợp thực hiện Chương trình "Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương" (2018-2020), cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và cán bộ, hội viên, phụ nữ các cấp đã đồng sức, đồng lòng, góp công, góp của hướng về hội viên phụ nữ ở 110 xã đặc biệt khó khăn thuộc 26 tỉnh, thành phố biên giới, hải đảo, với nguồn kinh phí huy động hơn 150 tỷ đồng.

Tại các địa phương, biên phòng và các cấp hội phụ nữ hỗ trợ gần 1.000 công trình dân sinh, gần 700 mái ấm tình thương, trao hơn 8.000 suất quà, học bổng tặng học sinh, nữ sinh dân tộc thiểu số nghèo vượt khó. Ngoài nhận nuôi các con tại Ðồn, Bộ đội Biên phòng nhận đỡ đầu hơn 2.500 cháu là con của các gia đình phụ nữ nghèo.

Kết quả thực hiện Chương trình "Nâng bước em đến trường-con nuôi đồn biên phòng" giai đoạn vừa qua đã tạo động lực tinh thần mạnh mẽ, là tiền đề để thực hiện tốt công tác vận động quần chúng ở khu vực biên giới, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc. Năm 2016, Chương trình được Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh bình chọn là "Công trình Thanh niên tiêu biểu toàn quốc". Năm 2017, chương trình này được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam trao giải thưởng "Tình nguyện quốc gia".

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Bộ Quốc phòng đã giao Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì xây dựng, triển khai Dự án "Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường".

Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình quan tâm, chăm lo, động viên, định hướng nghề nghiệp để các cháu học tập, vươn lên; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có kế hoạch lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo các cháu có thành tích học tập tiêu biểu để xây dựng nguồn cán bộ cho địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, quân đội và địa phương, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội về Chương trình; tiếp tục hỗ trợ các cháu học sinh nước bạn Lào, Campuchia với những hình thức phù hợp, gắn với các hoạt động đối ngoại quốc phòng, biên phòng và đối ngoại nhân dân hai bên biên giới.

ÐẶNG THANH HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chinhtri/nang-buoc-uom-mam-tuong-lai-noi-bien-gioi-693472/