Nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm

Toàn tỉnh hiện có 6.670 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành y tế theo phân cấp. Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố tăng cường truyền thông, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại thị trấn Thuận Châu.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại thị trấn Thuận Châu.

Sở Y tế phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); ký cam kết không sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh đối với các cơ sở chăn nuôi lợn, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm... Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và giám sát nguy cơ mất an toàn VSTP cũng được tăng cường. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, xử lý kịp thời, nghiêm minh các đối tượng vi phạm.

Tăng cường kiểm tra đảm bảo VSATTP, từ năm 2021 đến hết quý I, toàn tỉnh thành lập 662 đoàn kiểm tra, đã kiểm tra 3.549 cơ sở; trong đó, 82 cơ sở vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước 251 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là khu vực sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm; vi phạm các quy định về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, thực phẩm; dụng cụ tiếp xúc, bao gói thực phẩm chưa đảm bảo quy định. Tuy nhiên, năm 2021 đến hết quý I, toàn tỉnh ghi nhận 12 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra với 116 trường hợp, không có trường hợp tử vong.

Thực tế, công tác quản lý về chất lượng ATTP gặp không ít khó khăn. Việc quản lý sử dụng hóa chất bị cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; việc kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại các chợ, đường phố, khu du lịch, lễ hội, trường học, bệnh viện... chưa được quản lý tốt. Thêm nữa, nhận thức và hành động của người lãnh đạo, quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Còn thói quen ăn gỏi cá, lạp (thịt sống), nấm hái lượm từ tự nhiên, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm sạch, Sở Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP. Đồng thời, phối hợp nắm bắt tình hình, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Vận động nhân dân tích cực tham gia phát giác, tố giác tội phạm buôn bán thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Sử dụng thực phẩm là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của mỗi người. Để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho cộng đồng, bên cạnh đề cao vai trò quản lý, giám sát việc thực thi pháp luật về VSATTP của cơ quan chức năng, thì đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức từ đơn vị sản xuất phải nâng cao trách nhiệm sản xuất, kinh doanh, lựa chọn những nguyên liệu chất lượng, sản phẩm tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng; đồng thời, tẩy chay những thực phẩm bẩn, kém chất lượng để chung tay bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Ông Trần Trọng Hải

Phó Giám đốc Sở Y tế

Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức “Tháng hành động vì VSATTP” năm 2022 với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”. Tháng hành động diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5, với các hoạt động trọng tâm, như tổ chức chiến dịch truyền thông giáo dục kiến thức về ATTP, phổ biến các văn quy phạm pháp luật về ATTP; hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh củng cố các điều kiện đảm bảo ATTP; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn...

Anh Nguyễn Hữu Sơn

Chủ cơ sở sản xuất nước đóng chai Sơn Lâm (Thành phố)

Cơ sở đã đầu tư dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn; thường xuyên đăng ký cho nhân viên tham gia các lớp tập huấn về VSATTP. Ngoài kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra, quá trình sản xuất cơ sở đều đáp ứng các tiêu chuẩn về VSATTP theo quy định.

Tạ Thị Tý

Phường Quyết Thắng (Thành phố)

Bảo vệ sức khỏe người thân, tôi luôn ưu tiên chọn mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có in bảng thành phần và hạn sử dụng trên sản phẩm, để tránh mua phải hàng kém chất lượng. Riêng thực phẩm tươi sống, tôi ưu tiên mua ở siêu thị hoặc chỗ quen, có uy tín.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nang-cao-chat-luong-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-49493